Mở cửa du lịch từ 15/3: Còn đó những băn khoăn

Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - 09:50, 05/03/2022

TheLEADERCần có cam kết không chống dịch kiểu nay thò mai thụt; tạo niềm tin vững chắc để doanh nghiệp yên tâm nâng cấp dịch vụ, mở rộng đầu tư.

Ngày 15/2, sáu bộ gồm Văn hóa, thể thao và du lịch; Y tế; Ngoại giao; Giao thông vận tải; Công an và Quốc phòng thống nhất đề xuất với Chính phủ phương án mở cửa hoàn toàn du lịch vào 15/3. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã có văn bản hướng dẫn các địa phương chuẩn bị.

Tin vui như hạn hán gặp mưa rào

Hơn hai năm giãn cách, phong tỏa, chống dịch thò thụt; du lịch đứng hình, loanh quanh ở nhà nên ai cũng cuồng chân. Dịch giảm, du lịch liền khởi sắc.

Du lịch nội địa nhộn nhịp trở lại, bung mạnh như lò xo lâu ngày bị nén. Trước Tết cả tháng, tình hình du lịch khá ảm đạm. Tàu, xe giá bèo, vẫn ế. Không dám giữ dịch vụ, sợ ôm nợ như năm trước, nhiều công ty lữ hành tạm đóng cửa, cho nhân viên nghỉ Tết. Gần Tết, tình hình xoay chuyển. Giá tàu, xe tăng mạnh, vẫn cháy vé. Đa phần khách du lịch tự túc. Các công ty trở tay không kịp. Vài đơn vị mạo hiểm, thắng lớn.

Chỉ riêng "tuần lễ vàng" từ 1-7/2 (mùng 1 - mùng 7 Tết), du lịch Việt Nam đón hơn 6 triệu khách. Chủ yếu là khách du lịch tự túc. Nhiều trọng điểm có lượng khách tương đương, thậm chí vượt đỉnh như trước dịch (2019). Các doanh nghiệp tuyển thêm nhân sự, mời gọi nhân viên cũ trở lại, hối hả phục hồi vì tuần nào cũng có khách. Nhiều nhất là khách đoàn, ký hợp đồng từ 2020, chuyển đến cuối 2021 và đầu 2022.

Du lịch outbound cũng ráo riết chuẩn bị từ tin vui 15/2. Không chỉ Việt Nam mà nước nào cũng nóng ruột đón khách. Các đối tác nối kết lại tour, làm lại giá. Hầu hết đều tăng từ 20% trở lên. Mấy thị trường shopping chưa thể phục hồi, chuyển sang trải nghiệm, giá đắt hơn gấp đôi. Chi phí tăng chủ yếu là do bảo hiểm, xét nghiệm PCR, xuất nhập cảnh, giá xăng tăng…

Tour Dubai – Abu Dhabi (UAE) được nhiều công ty chọn lựa. Ngoài các dịch vụ chuẩn 5 sao, giá tăng nhẹ (khoảng 18% so với trước dịch) do đổi vận chuyển từ hàng không Royal Brunei lên hàng không Emirates. Khách dương tính trước lúc khởi hành, hủy tour được hoàn đủ tiền. Có công ty còn khuyến mại thêm đưa đón sân bay miễn phí bằng đội xe riêng, miễn phí visa nếu bị từ chối, xét nghiệm PCR tại khách sạn (thay vì vào bệnh viện)… Tour mở đầu từ 18/3, sau đó khởi hành hàng tuần, đã kín chỗ tới đầu tháng 4. Cuối tháng 3, các thị trường outbound lần lượt khởi động theo chiến lược và thế mạnh của từng công ty. Hàng loạt tour được chào bán.

Vẫn không ít băn khoăn

Giữa tin vui dồn dập, có không ít những lo lắng. Từ 8/2, số ca lây nhiễm Covid-19 tăng phi mã. Từ 8.601 ca (3/2) tăng vọt lên 21.909 ca (8/2) và 98.762 (1/3); 110.301 (2/3); 118.790 (3/3). Số ca tử vong giảm trồi sụt. Ngày 1/3 có 86, ngày 2/3 có 114; ngày 3/3 có 95 ca tử vong. Tỉ lê tử vong dưới 0,1% nhờ 92,6% dân số quốc gia đã tiêm chủng đủ liều.

Đáng lo nhất, ngày 28/2, CDC Mỹ nâng mức báo động dịch bệnh Việt Nam lên cấp 4 (rất cao), khuyến cáo công dân không nên du lịch Việt Nam. Đã có tình trạng khách hủy hoặc dời tour đi phía Bắc vì sợ, vì một số tỉnh thành địa có chủ trương hạn chế tập trung, siết các dịch vụ đã mở; kể cả những đia phương có số ca lây nhiễm chưa cao.

Tai nạn chìm tàu ở biển Cửa Đại (Quảng Nam) ngày 26/2, làm 17 du khách thiệt mạng (tàu chở 36 khách và 3 thuyền viên) là cú đấm vào ngành du lịch. Ngày 27/2 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công an; Cục Cảnh sát Giao thông chỉ đạo các địa phương “Yêu cầu rà soát, kiểm tra thực trạng hoạt động vận tải hành khách liên quan đến phương tiện thủy nội địa gồm các tuyến cố định, ngang sông, dọc sông, du lịch, lễ hội…”.

Sau hơn hai năm đứng hình, các cơ sở lưu trú, dịch vụ đều xuống cấp; nặng nhất là tàu xe. Việc kiểm tra, rà soát đáng lẽ phải làm thật nghiêm túc đã bị xem thương, từ chủ phương tiện, cấp quản lý đến du khách. Từ tai nạn chìm tàu, nghĩ về các dịch vụ khác mà lo.

Trước Tết, Bộ Y tế đã có văn bản xác định, chỉ những người tiếp xúc trực tiếp với F0 như ôm, hôn mới là F1 nhưng nhiều nơi, chỉ cần đứng ngồi gần F0 là F1, phải cách ly, theo dõi. Thầy cô vừa hớn hở trở lại trường, đã rối vì Covid. Chỉ cần có F0, là cả lớp phải học online. Lịch học thay đổi, phụ huynh hoang mang, kéo theo nhiều hệ lụy tâm lý.

Giá xăng dầu tăng liên tiếp, kéo giá dịch vụ lên, đặc biệt là vé máy bay. Tiếp đến, cả in - outbound đều bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga – Ukraina. Nếu chiến sự kéo dài, nguồn khách Nga giảm sút; cả châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…đều ít nhiều bị tác động. Khách Trung Quốc chiếm gần 1/3 (5,8/18 triệu) không thể vào Việt Nam vì chiến lược “Zero Covid”.

Các công ty inbound đang lo sốt vó, 15/3 mở cửa nhưng thiếu hướng dẫn cụ thể, chờ mỏi cổ vì chưa biết lúc nào có. Nhiều địa phương vẫn chống dịch thò thụt. Đang nóng ruột vì các chính sách cởi mở của nhiều quốc gia trong cuộc cạnh tranh, du lịch Việt Nam vừa bị sốc với những đề xuất tréo ngoe.

Bộ Y tế đề xuất không chấp nhận kết quả xét nghiệm nhanh đối với khách quốc tế (từ 2 tuổi trở lên), quy định họ không rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 72 giờ sau khi nhập cảnh. Trường hợp cần thiết di chuyển tới nơi khác thì phải xét nghiệm 3 lần trong 3 ngày. Khách ở lại nơi lưu trú 72 giờ, thì chỉ xét nghiệm 2 lần, vào ngày đầu tiên và ngày thứ 3 từ khi nhập cảnh... 

Công văn dự thảo, nhưng đóng dấu khẩn của Bộ Y tế, đã nói lên sự lúng túng, bị động, thiếu thống nhất giữa các ngành. An toàn phải là mục tiêu tối thượng. Mọi hoạt động phải tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Chính phủ đang dự thảo chương trình phòng chống dịch 2022 -2023, tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu.

Chống dịch bất nhất, thò thụt; không chỉ ở các địa phương mà còn ở các bộ như hiện nay; du lịch nội địa cũng kêu trời, nữa là du lịch quốc tế.

Vài kiến nghị

Tuần lễ Tết, Việt Nam chỉ có 500 khách quốc tế. Từ tháng 12/2021 – 2/2022, dù rất nỗ lực, lượng khách quốc tế vào Việt Nam chưa tới 10.000. Do vậy, chỉ tiêu đặt ra, nếu có, cần thực tế, vừa sức; để tránh thất vọng, hụt hẫng.

Sau hơn 2 năm du lịch đóng băng, để khôi phục hoạt động như trước dịch, rất nhiều việc cấp bách phải làm, nếu không muốn “Trâu chậm uống nước đục”. Xin mạo muội đề xuất vài kiến nghị.

Thứ nhất, tổng kiểm tra, rà soát tất cả các dịch vụ, sau hơn 2 năm đứng hình; đảm bảo chất lượng và an toàn cho du khách về mọi mặt. Giảm thuế VAT còn 5% và 50% lãi suất ngân hàng. Hoặc giữ nguyên như hiện nay nhưng được trả chậm một năm.

Thứ hai, “Sống chung với Covid” cần được Chính phủ khẳng định chính thức, bình thường mọi hoạt động. Cam kết không chống dịch kiểu nay thò mai thụt; tạo niềm tin vững chắc để doanh nghiệp yên tâm nâng cấp dịch vụ, mở rộng đầu tư.

Thứ ba, đơn giản tối đa thủ tục nhập cảnh. Miễn thị thực cho du khách đến Việt Nam bằng đường hàng không, ở lại trên 2 tuần, từ nay đến hết năm 2022. Với inbound, mở cửa chưa thể có khách ngay. 15/3 là bước đệm, chuẩn bị cho cao điểm hè, xuân (nội địa, outbound) và đông (inbound).

Thứ tư, có phương án dự phòng khi dịch bệnh bùng phát mạnh hơn và chiến tranh lan rộng. Khống chế dịch bệnh, giảm dần ca lây nhiễm và tử vong. Sống chung với Covid, nếu không có bản lĩnh và bình tĩnh; coi chừng “Chết chung với Covid”.

Thứ năm, mở cửa phải an toàn nhưng không đợi an toàn mới mở cửa. Mở cửa là lối thoát duy nhất, chỉ có tiến chứ không lùi, nhưng phải tiến lên trong an toàn mới bền vững.

Nếu suôn sẻ, 2022 là năm lấy đà, 2023 mới thật sự tăng tốc.