Doanh nghiệp du lịch ‘hấp hối’ mong ngóng ngày trở lại

Kiều Mai - 10:08, 20/02/2022

TheLEADERMặc dù thị trường khách quốc tế đã có những chuyển động tích cực với lộ trình mở cửa sau hai năm Covid-19, doanh nghiệp du lịch vẫn lo lắng và thận trọng từng ngày, tiếp tục đương đầu với những gian nan mới.

Đóng cửa doanh nghiệp

Trao đổi với TheLEADER, ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty du lịch duy nhất Đông Dương (Indochina Unique Tourist) nhớ lại giai đoạn đầy khó khăn và chật vật kéo dài hơn hai năm qua vì Covid-19.

Với đặc thù khai thác hoàn toàn khách nước ngoài, doanh nghiệp vẫn có thêm một lượng ít du khách trong khoảng quý đầu năm 2020, khi dịch bệnh mới bắt đầu xuất hiện.

Tuy nhiên, đến tháng 4/2020 khi “cơn sóng” Covid-19 mạnh lên, các thị trường bắt đầu đóng cửa hoàn toàn biên giới, Việt Nam dừng toàn bộ chuyến bay thương mại quốc tế, ông Thủy đã buộc phải quyết định đóng cửa cả hai mảng kinh doanh là khách sạn và lữ hành.

Giám đốc Indochina Unique Tourist: Khó khăn đeo bám dù mở cửa hoàn toàn
Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty du lịch duy nhất Đông Dương.

“Doanh nghiệp cũng đã thử chuyển đổi sang làm khách trong nước, nhưng nhân lực sẵn có chưa quen việc, khó đáp ứng, nên khó có thể duy trì cạnh tranh được với các đơn vị khác vốn làm nội địa lâu năm”.

“Cùng với đó, dịch bệnh khiến thị trường du lịch bấp bênh, rất nhiều khó khăn. Nếu cứ cố chấp duy trì hoạt động thì sẽ lỗ, nên cách tốt nhất vào thời điểm đó là buộc phải đóng cửa hoàn toàn để bảo toàn lực lượng”, ông Thủy chia sẻ.

Ông tâm sự thêm rằng đã phải bán bớt tài sản, bán ô tô và một căn nhà, tìm mọi nguồn lực để có thể duy trì tinh thần và nhân lực. Doanh nghiệp đã cố gắng giữ được mức lương cơ bản cho nhân sự trong năm Covid-19 đầu tiên, nhưng đến năm ngoái thì không thể trụ được nữa, buộc phải cắt hợp đồng, nhiều lao động phải tìm đến trợ cấp thất nghiệp và làm các công việc khác.

Cần thông tin đầy đủ, rõ ràng 

“Trong suốt hai năm qua, doanh nghiệp mong ngóng từng ngày được trở lại, nhưng từng đợt dịch cứ liên tục kéo đến như thách thức lòng kiên nhẫn. May mắn thay, sự ra đời của vaccine cùng các chiến dịch tiêm chủng trong và ngoài nước đang giúp mọi thứ dần trở lại bình thường”, ông Thủy hồi tưởng.

Tuy nhiên, ngay cả khi Chính phủ đồng ý đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới ngay từ 15/3 – sớm hơn so với phương án trước đây, doanh nghiệp vẫn lo lắng và thận trọng từng ngày.

Ông Thủy cho biết các đối tác tại nước ngoài đã sẵn sàng nhưng còn quá nhiều rào cản khiến họ chần chừ. Mặc dù Việt Nam đã có quyết định và lộ trình mở cửa, nhưng hiện các cơ quan liên quan chưa thống nhất chi tiết, cụ thể thời gian về các vấn đề quan trọng như visa, thủ tục nhập cảnh, số lần xét nghiệm Covid, cách ly bằng các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn, cũng như chưa có hành động quyết liệt đồng bộ tại các địa phương.

Tình thế dùng dằng như hiện nay đẩy doanh nghiệp vào “tiến thoái lưỡng nan”, khó xác định thời điểm cụ thể để thông tin đến các đối tác.

Đơn cử, Indochina Unique Tourist dự kiến sẽ đón khách khu vực Đông Nam Á vào đầu tháng 4, vào thời gian cao điểm của thị trường này là Tết Songkran – Lễ hội Té nước.

Nhưng với tình hình như hiện nay, dù khách bay thuê chuyến nhiều, khách quốc tế không dám xuống tiền đặt vé, trong khi doanh nghiệp chần chừ, dễ lỡ mất thời điểm đẹp, cũng như không thể đủ thời gian ký hợp đồng với các hãng hàng không, sắp xếp máy bay, bán tour, truyền thông, quảng bá.

Đây không phải lần đầu tiên doanh nghiệp phải liên tục chạy theo chính sách. Trước đó, Indochina Unique Tourist từng tính bán tour 7 ngày theo luồng xanh an toàn, nhưng đã phải bỏ vì khách không mua tour, hay dự định mở tour dịp Tết Dương lịch 2022, đón khách bằng chuyến bay thường lệ dịp Tết Nguyên đán cũng thất bại vì còn quy định cách ly y tế.

“Điều doanh nghiệp đang mong chờ nhất là chính sách của Nhà nước, cần phải rõ ràng, nhất quán, mạnh mẽ, quyết liệt, chốt được thời gian cụ thể, dỡ hết rào cản về điều kiện như trước đại dịch. Bất cứ một hạn chế nào về đi lại, nhập cảnh của du khách chắc chắn sẽ tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp”.

“Sự xuất hiện của chủng virus thời gian đầu gây hoang mang cho cả thế giới, nhưng qua thời gian, các nhà khoa học cũng như người dân đã có cách tiếp cận thích ứng hơn nhờ vào vaccine cũng như thuốc điều trị, phác đồ điều trị. Chúng ta cũng có kinh nghiệm chống dịch và có kết quả nhất định. Vì vậy, chúng ta nên tự tin mở cửa trở lại, bên cạnh việc đảm bảo an toàn 5k, giãn cách nơi đông người, an toàn theo tiêu chí Bộ Y tế”, ông Thủy nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, việc đón khách quốc tế trở lại còn vô cùng thách thức bởi sự xáo trộn trong đội ngũ nhân sự, doanh nghiệp mất thêm thời gian để đào tạo, vận hành ổn định.

Ông Thủy cho biết nhiều người đã đi làm tạm bợ những ngành nghề khác, nhưng một số vị trí về trực tuyến, về thiết kế, tin học lại có các cơ hội tốt hơn với mức lương cao hơn. Doanh nghiệp hiện không thể tuyển được các vị trí này quay trở lại, chấp nhận mất nhân sự quen thuộc vì không thể chi trả được mức lương.

Với lực lượng điều hành, kinh doanh, doanh nghiệp thay đổi cách tiếp cận, nâng cao đào tạo và ưu tiên khả năng thích ứng như có thể làm các sự kiện trực tuyến, nói chuyện, tư vấn và hướng dẫn trực tuyến cho khách.

Dù những khó khăn vẫn còn trải dài những ngày sắp tới, vị doanh nhân này lạc quan rằng nếu những rào cản với khách quốc tế được tháo gỡ hoàn toàn, lượng du khách sẽ tăng nhanh hơn, và dự báo doanh nghiệp sẽ khôi phục khoảng 50% so với mức trước đại dịch.