Đua xây trung tâm dữ liệu thời AI lên ngôi

Việt Hưng - 14:48, 03/07/2024

TheLEADERCác chuyên gia cho rằng, nhu cầu về trung tâm dữ liệu ở Việt Nam sẽ bùng nổ nhờ xu hướng điện toán đám mây và làn sóng trí tuệ nhân tạo.

Là một trong ba nhà đầu tư Hàn Quốc lớn nhất ở Việt Nam, tập đoàn Hyosung mới đây cho biết sẽ xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn ở khu công nghệ cao TP. HCM với tổng vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD.

Đây là khoản đầu tư mới của Hyosung vào một lĩnh vực mới sau khi tập đoàn này đã rót hơn 4 tỷ USD vào Việt Nam từ năm 2007, vào lĩnh vực công nghiệp nguyên vật liệu, dệt, hóa học, hệ thống điện. 

Mong muốn của tập đoàn Hàn Quốc cũng phần nào phản ánh "sức nóng" của thị trường trung tâm dữ liệu trong nước, khi các doanh nghiệp hàng đầu như Viettel, VNG, FPT, CMC liên tiếp đầu tư mở rộng các "mỏ vàng" này.

Theo thống kê gần nhất của công ty tư vấn Savills, Việt Nam đang có tổng cộng 33 trung tâm dữ liệu, với bốn nhà cung cấp lớn nhất trong nước chiếm tỷ trọng khoảng 97% thị trường.

Sức nóng của các trung tâm dữ liệu đến từ đâu?
Việt Nam hiện đang có tổng cộng 33 trung tâm dữ liệu trên khắp cả nước - Ảnh: VH

Việt Nam đang được đánh giá là một trong 10 thị trường trung tâm dữ liệu mới nổi trên thế giới. Theo Research and Markets, thị trường này có thể đạt 1 tỷ USD vào năm 2028, tốc độ tăng trưởng bình quân gần 11% mỗi năm.

Ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là AI (trí tuệ nhân tạo) đã mang lại nhiều cơ hội cho dịch vụ trung tâm dữ liệu.

Theo tính toán của ông Ngọc, để phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam với đầy đủ các dịch vụ công nghệ trong tương lai như AI, AI tạo sinh, điện toán đám mây AI, thì quy mô của các trung tâm dữ liệu trong nước phải tăng thêm 15 lần.

Đầu tháng 4 năm nay, Viettel đã đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu Hoà Lạc với công suất 30MW, được đánh giá là lớn nhất cả nước ở thời điểm hiện tại.

Đây là trung tâm dữ liệu thứ 14 của Viettel, giúp nâng tổng số máy chủ tập đoạn này vận hành lên con số 230.000, sử dụng 81.000 m2 mặt sàn, 11.500 tủ mạng với tổng công suất 87MW điện, tương đương một siêu trung tâm dữ liệu của thế giới.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch Viettel cam kết, tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư cho các trung tâm dữ liệu. Theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư, mở rộng quy mô lên 17.000 tủ mạng. Tới năm 2030, Viettel sẽ nâng quy mô lên 34.000 tủ mạng.

"Việt Nam nằm trong 10 nước mới nổi trên bản đồ trung tâm dữ liệu toàn cầu với những lợi thế như quỹ đất, khoảng trống thị trường, nhu cầu nội địa, chi phí tối ưu hơn đi cùng các hành động của Chính phủ", CEO Viettel IDC nói.

Sức nóng của các trung tâm dữ liệu đến từ đâu?
Ông Trần Anh Nhân, Giám đốc công nghệ VNG Cloud - Ảnh: VH

Đồng quan điểm, ông Trần Anh Nhân, Giám đốc công nghệ VNG Cloud đánh giá, nhu cầu chuyển đổi điện toán đám mây và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp trong nước đang phát triển mạnh mẽ.

Theo các báo cáo của McKinsey, động lực tăng trưởng này đến từ việc các doanh nghiệp lớn đang nhanh chóng chuyển sang công nghệ đám mây và sẵn sàng chuyển 60% môi trường của họ sang đám mây vào năm tới.

Ông Nhân cho rằng, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của VNG Cloud, khi nhu cầu về điện toán đám mây tăng cao đồng nghĩa với việc áp lực về hạ tầng sẽ ngày càng lớn hơn. Vì thế, việc triển khai máy chủ liên vùng là một trong những ưu tiên hàng đầu của các kỹ sư hạ tầng tại VNG Cloud.

"Hạ tầng điện toán đám mây liên vùng là một bước tiến đáng kể giúp doanh nghiệp trên toàn Việt Nam tiếp cận các dịch vụ lưu trữ chất lượng cao", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Mô hình này phổ biến trên thế giới nhưng ở Việt Nam, việc đảm bảo được vấn đề băng thông và đồng bộ dữ liệu đa vùng là bài toán nan giải. Hiện VNG Cloud đã làm chủ công nghệ điện toán đám mây, triển khai được hạ tầng này với băng thông lên đến 50Gbps.

Gần đây, VNG còn hợp tác cùng ST Telemedia Global Data Centres thành lập liên doanh để xây dựng và vận hành hai trung tâm dữ liệu tại TP. HCM.

Trung tâm dữ liệu mới dự kiến đi vào hoạt động trong nửa đầu năm 2026, có khả năng kết nối nguồn điện từ các trạm cao/trung thế công suất lớn trong khu vực, mạng viễn thông quan trọng, các tuyến giao thông, hậu cần, trung tâm kinh doanh và công nghiệp, cũng như có thể kết nối các tỉnh thành khác.

Ông Lê Hồng Minh, CEO VNG nhận định, nhu cầu về trung tâm dữ liệu ở Việt Nam sẽ bùng nổ do điện toán đám mây và làn sóng trí tuệ nhân tạo.

"Lĩnh vực trung tâm dữ liệu ở Việt Nam vẫn chưa phát huy đúng với tiềm năng, vẫn còn thiếu sự tham gia của nhiều bên. VNG dù có rất nhiều tham vọng nhưng chúng tôi hiểu rằng một mình thì không thể thực hiện được những mục tiêu lớn đó", ông Minh nói.

Sức nóng của các trung tâm dữ liệu đến từ đâu? 2
Bên trong một trung tâm dữ liệu của VNG - Ảnh: VH

Chia sẻ của ông Minh cũng chính là thực trạng tại CMC Telecom thuộc tập đoàn công nghệ CMC. Dù đi tiên phong trong thị trường trung tâm dữ liệu ở Việt Nam từ cách đây 16 năm, nhưng quy mô hạ tầng của doanh nghiệp lại khá khiêm tốn.

Tính đến hiện tại, CMC Telecom mới đang sở hữu ba trung tâm dữ liệu tại Hà Nội và TP. HCM với tổng quy mô 3.000 tủ mạng, công suất 20kW.

Dù quy mô khiêm tốn, nhưng nhờ chiến lược đi tiên phong trên thị trường, CMC Telecom lại đang nắm đến 40% thị phần trung tâm dữ liệu của các ngân hàng, hơn 60% doanh nghiệp giải pháp nội dung đang là khách hàng thường niên.

Chiến lược đầu tư các trung tâm dữ liệu của CMC ước tính lên tới cả nghìn tỷ đồng, tập trung vào yếu tố chất lượng, đạt chuẩn quốc tế nhằm phục vụ khối tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và các tập đoàn đa quốc gia.

Về phía các nhà đầu tư ngoại, lĩnh vực này cũng tương đối hấp dẫn. Theo Savills, các doanh nghiệp nước ngoài như GDS, Telehouse và NTT cũng đã đặt chân vào thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam thông qua các liên doanh và mới chỉ chiếm thị phần nhỏ.

Phía Savills tin rằng, thách thức của các đơn vị vận hành trung tâm dữ liệu cả trong và ngoài nước là việc đảm bảo quỹ đất phù hợp, cũng như nguồn cung điện ổn định.

Cụ thể, vị trí các trung tâm dữ liệu cần gần với các hạ tầng thiết yếu như mạng lưới điện và hệ thống internet. Mức tiêu thụ năng lượng cao của các trung tâm dữ liệu lớn sẽ làm tăng áp lực lên lưới điện địa phương, gây ra các vấn đề về độ trễ và vận hành.

"Công cuộc tìm kiếm quỹ đất và nguồn điện đã gây áp lực lên các chủ đầu tư, buộc họ phải mở rộng quy mô tại các địa điểm chiến lược càng sớm càng tốt. Điều này sẽ đẩy chi phí phát triển lên cao", phía Savills nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, sự gia tăng chi phí đầu tư ban đầu, biểu giá điện, cùng các chi phí vận hành và bảo trì cũng sẽ khiến trung tâm dữ liệu trở thành một khoản đầu tư đòi hỏi doanh nghiệp có nguồn vốn lớn.