Được người tiêu dùng ủng hộ, lý do nào khiến tỷ lệ tái chế vẫn thấp?

Phạm Sơn - 12:58, 21/11/2021

TheLEADERHơn 75% người tham gia khảo sát cho biết tái chế là lựa chọn đúng đắn để giảm thiểu rác thải, tuy nhiên có nhiều rào cản khiến họ không sẵn sàng thực hiện tái chế hoặc các hành động hỗ trợ tái chế.

Trong mô hình kinh tế tuần hoàn, tái chế là yếu tố then chốt để duy trì tài nguyên trong chuỗi cung ứng thay vì thải bỏ ra môi trường. Tái chế cũng giúp hạn chế việc khai thác tài nguyên thiên nhiên vốn đang ngày càng trở nên cạn kiệt.

Khảo sát mới đây của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) với hơn 11 nghìn người, bao gồm 70% người tiêu dùng và 30% đại diện doanh nghiệp cho thấy, tại tất cả các khu vực trên thế giới, 84% người tham gia cho biết tái chế là “rất quan trọng”.

Được ủng hộ bởi người tiêu dùng, lý do nào khiến tỷ lệ tái chế vẫn thấp?
Phần lớn cho rằng tái chế là rất quan trọng. Ảnh: WEF.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy lượng rác thải không được tái chế vẫn còn chiếm tỷ lệ rất cao và nhiều người tiêu dùng vẫn chưa sẵn sàng cho hoạt động tái chế rác thải hoặc hỗ trợ tái chế rác thải như phân loại tại nguồn, xử lý sơ…

Ở những khu vực kinh tế phát triển như Bắc Mỹ, Tây Âu, người tiêu dùng cho biết rào cản lớn nhất đối với việc tái chế rác thải là sự “bất tiện”. Mặt khác, nhiều người cũng cho biết họ thiếu sự tin tưởng vào các chương trình tái chế.

Được ủng hộ bởi người tiêu dùng, lý do nào khiến tỷ lệ tái chế vẫn thấp? 1
Các lý do chính cản trở việc tái chế. Ảnh: WEF.

Thực tế, ở một số quốc gia phát triển, hoạt động tái chế được thực hiện bằng cách phân loại, đóng gói rồi xuất sang các nước đang phát triển. Tại các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, ngành công nghiệp tái chế phụ thuộc rất nhiều vào lượng phế liệu nhập khẩu này vì nguồn phế liệu trong nước chưa thể đáp ứng nhu cầu sản xuất, tái chế ở quy mô lớn.

Trong khi đó, tại các khu vực kém phát triển như Trung Đông, Bắc Phi, Mỹ La tinh… rào cản chính của hoạt động tái chế là người tiêu dùng không biết phải làm thế nào để tham gia các chương trình tái chế.

Thực trạng này cũng được ghi nhận tại Việt Nam khi nhiều người tiêu dùng thành lập những nhóm “sống xanh”, cùng nhau thực hành thu gom, phân loại, xử lý sơ rác thải nhưng không biết đem đi thu gom ở đâu, cuối cùng phải bán lại cho đồng nát, ve chai hoặc vứt bỏ ra bãi rác.

Được ủng hộ bởi người tiêu dùng, lý do nào khiến tỷ lệ tái chế vẫn thấp? 2
Động lực nào để người tiêu dùng lựa chọn bao bì bền vững? Ảnh: WEF.

45% người tham gia khảo sát cho biết sẽ chọn các loại bao bì thay thế, bao bì được thiết kế lại theo hướng dễ tái chế và tái sử dụng, nếu giải pháp này thực sự hiệu quả trong việc giảm thiểu tác hại của rác thải nhựa dùng một lần. 

22% cho biết sẽ chọn bao bì bền vững nếu giá cả rẻ hơn. 15% kỳ vọng vào sự thuận tiện và 12% sẽ lựa chọn nếu bao bì có thiết kế bắt mắt và sang trọng hơn so với đồ dùng một lần.

Thứ 7 hàng tuần, URENCO tổ chức Chương trình thu hồi rác tái chế đổi quà, với sự đồng hành của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) và Unilever Việt Nam. Địa điểm tổ chức:

Quận Ba Đình: Số 282 Kim Mã, phường Kim Mã.

Quận Hoàn Kiếm: Số 8 Phan Huy Chú, phường Phan Chu Trinh; Số 27 Lý Thái Tổ, phường Lý Thái Tổ; Hè Cửa Đông – Phùng Hưng, phường Cửa Đông; Số 44 Hàng Nón, phường Hàng Gai.

Quận Hai Bà Trưng: Điểm truyền tải Vân Đồn (Gần cây xăng Lương Yên), phường Bạch Đằng.

Quận Đống Đa: Số 59C Hoàng Cầu, phường Ô Chợ Dừa.