Đường làm ăn cho các chủ doanh nghiệp Việt hậu Covid-19

Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương - 07:47, 10/06/2020

TheLEADERĐây là giai đoạn muốn kinh doanh cái gì cũng nên làm bài toán ngược, phải tập trung quan sát cuộc sống con người hậu Covid-19 từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ như thế nào thì mình tổ chức dịch vụ - sản phẩm và hoạt động phù hợp cung cầu của họ.

Cuộc chiến Mỹ - Trung và thiệt hại từ khủng hoảng Covid-19

Trước dịch Covid-19, quan hệ giữa hai nước Mỹ - Trung vốn đã rất khó khăn. Sau khi dịch bệnh xảy ra, ngoại giao hai nước diễn biến thành thế đối đầu không có đường lùi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta, có thể kéo dài đến vài thập niên.

Trung Quốc, nói ví von là “nhà giàu đang lên”, từ khi giàu lên thì nhìn đâu cũng thấy rủi ro. Các chiến lược gia Trung Quốc nhận định Biển Đông là “tử huyệt” của mình vì quân đội Mỹ đóng nhiều ở Nhật, Hàn Quốc,... và quốc gia của họ rất dễ dàng bị Mỹ “bóp cổ chết qua đêm” nếu để mất Biển Đông, đường hàng hải tiếp vận hàng hoá bị ách tắc. 

Tất nhiên là họ không chấp nhận chuyện đó. Do vậy, 10 năm trở lại đây, mỗi năm mức độ quan tâm của Trung Quốc đến Biển Đông ngày càng gia tăng. Cho nên chúng ta nên hiểu và nhận định cho rõ rằng, những gì Trung Quốc đang triển khai ở Biển Đông chủ yếu là vì Mỹ, và họ không thể không làm!

Nhiều nhà đầu tư muốn đến Việt Nam mà chưa đến được
Chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương.

Tuy nhiên, Biển Đông là một điều kiện vô giá mà không riêng Trung Quốc sống chết muốn chiếm làm của riêng. Nước Mỹ cũng nghĩ đến điều tương tự bởi vì Biển Đông cũng là một “tử huyệt” của họ. Chúng ta có thể hiểu rằng, mặc dù xét về khoảng cách địa lý, Biển Đông cách rất xa nước Mỹ, và có vẻ không liên quan cho lắm. Thế nhưng, chỉ cần Mỹ lơ là, hờ hững Biển Đông thì sẽ ngay lập tức mất hết các đồng minh chính trị - kinh tế thân cận, vì các quốc gia này biết Trung Quốc cũng có thể “bóp cổ họ chết qua đêm”.

Trong quá trình đấu tranh của Mỹ - Trung, để khẳng định quyền lực, cả hai nước đều sẽ có những phương pháp nhằm “o bế” các quốc gia trong khu vực. Mà sự “o bế” nào cũng sẽ đi kèm với những “đe dọa”. Điều oái oăm của Việt Nam chúng ta là nằm ở vị trí mặt tiền quá “đẹp” nên khó tránh khỏi chuyện “trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết”. Cứ tầm 50 năm lại xảy ra một xung đột khu vực có tính lịch sử, khó lòng sống yên ổn.

Khủng hoảng dịch Covid-19 là một chuyện vô tiền khoáng hậu, một khủng hoảng khó phân định nguyên nhân đã phá vỡ nặng nề chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cách đơn giản nhất để đo lường sức khỏe một nền kinh tế chính là nhìn vào chỉ số thất nghiệp. Chưa bao giờ tại Mỹ lại xảy ra chuyện trong vòng 10 tuần có đến gần 40 triệu người bị thất nghiệp, một con số vô cùng khủng khiếp. Từ đó dẫn tới các hệ lụy an ninh xã hội nghiêm trọng và đồng thời cũng phơi bày ra những điểm yếu nội tại của xã hội Mỹ.

Ngoài việc nhìn vào chỉ số thất nghiệp để đánh giá sức khỏe một nền kinh tế, chúng ta còn có thể nhìn vào giá cổ phiếu. Đây cũng là lần đầu chúng ta chứng kiến giá cổ phiếu rớt qua đêm từ 25 – 30% và giá xăng dầu trượt về âm.

Các nhà dịch tễ học hiện chưa dự đoán được khi nào sẽ ngăn chặn thành công vi rút corona. Chúng ta cần khoảng 12 – 18 tháng để chế tạo vắc-xin, sản xuất và phân phối toàn cầu, và cũng cần chừng đó thời gian để đạt được “miễn dịch cộng đồng”. Vi rút có thể quay lại theo từng làn sóng trong vòng ít nhất 18 tháng tới và dự đoán làn sóng lớn tiếp theo sẽ đến vào mùa thu này.

Do đó, về mặt kinh tế, tôi nghĩ sẽ cần khoảng 7 - 8 năm, trước khi chúng ta có thể quay lại thời kỳ đỉnh cao của tháng 1/2020, và sau đó sẽ đạt được trạng thái bình thường mới mẻ hoàn toàn mà một vài thứ quan trọng bị thay đổi vĩnh viễn.

Người bạn đồng nghiệp của tôi Richard D. McClellan cho rằng Trung Quốc và Mỹ là hai quốc gia sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất về mặt kinh tế và địa chính trị. Vì sự phản ứng thiếu nhất quán với đại dịch, nước Mỹ đang và sẽ đối mặt với việc bùng phát nhiều đợt dịch bệnh cùng các hạn chế trong việc triển khai giãn cách, dỡ bỏ và tái triển khai giãn cách.

Bên cạnh đó, vai trò “công xưởng thế giới” của Trung Quốc đã bắt đầu suy yếu từ cuộc chiến thương mại nay càng gia tăng vì ảnh hưởng của Covid-19. Cả hai nước sẽ phải chịu ảnh hưởng kinh tế trong tương lai gần, ít nhất từ 2 – 3 năm. Tuy nhiên các ảnh hưởng địa chính trị từ động thái của hai quốc gia này sẽ tác động đến toàn cầu một cách dai dẳng và dài hạn.

Nhiều nhà đầu tư muốn đến Việt Nam mà chưa đến được

Doanh nghiệp thường muốn nghe giải pháp có sẵn, nhưng nếu có chỉ là “mì ăn liền”, chẳng giải quyết được vấn đề gì vì mỗi doanh nghiệp có hoàn cảnh riêng, quy mô, ngành nghề, địa phương khác nhau. Thành thử, điều mà tôi muốn gửi gắm đến các bạn hôm nay chính là “cách đặt vấn đề đúng”, từ đó có tư duy tiếp cận “khá chuẩn”. Trên cơ sở tình huống, kèm một số thông tin, lập luận tương đối chuẩn, khi động chuyện mỗi người sẽ tự có khả năng tìm ra giải pháp bền vững cho riêng mình.

Trước tiên, chúng ta phải biết khi chưa tìm ra vắc-xin đồng nghĩa với việc dịch bệnh vẫn chưa hết, người chủ doanh nghiệp tuyệt đối không nên chủ quan.

Về kinh tế, ảnh hưởng dây chuyền sẽ còn nặng nề. Trước mắt du lịch là ngành bị ảnh hưởng 100% và trong tiến trình phục hồi từ 0% lên 50% vẫn nằm trong giai đoạn lỗ nghiêm trọng.

Các chủ doanh nghiệp nên lưu tâm thêm các vấn đề như tâm lý sợ hãi đám đông dai dẳng và còn khá lâu nữa mới có khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Vì sao? 

Người du lịch đến Việt Nam đa phần thuộc tầng lớp trung lưu với hình ảnh gia đình điển hình gồm hai vợ chồng, hai đứa con, đi làm công ăn lương, tiết kiệm dành dụm mỗi năm đi du lịch gần nhà một lần, 5 năm mới đi du lịch nước ngoài một lần; nay đang phải chịu cảnh thất nghiệp, hết tiền tiết kiệm. Vậy nên lộ trình sẽ là đợi có việc làm, đi du lịch trong nước trước, sau đó mới đến Việt Nam. Do đó, những năm tới đây, các doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm lý và xây dựng chiến lược phục vụ khách hàng nội địa.

Báo chí trong nước và nước ngoài đều dự đoán về một làn sóng dịch chuyển mạnh mẽ của các doanh nghiệp tại Trung Quốc đến Việt Nam. Đúng là các nhà đầu tư thế giới đánh giá rất cao sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam sau đại dịch. Việt Nam là một trường hợp bất quy tắc khi chưa có ảnh hưởng nặng nề nhờ vào các biện pháp quyết liệt từ đầu, và là một trong những nước mở cửa trở lại sớm nhất dù chưa hoàn toàn.

Đại dịch có thể đẩy nhanh xu hướng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. ASEAN sẽ tiếp tục giành ưu thế. Trong đó, Việt Nam đang ở thế dẫn đầu và sẽ nhận được thêm sự quan tâm trong các tháng tới.

Tuy nhiên, có một thực tế là, rất nhiều nhà đầu tư muốn đến Việt Nam mà chưa đến được. Lý do phần lớn các dự án hạ tầng có quy mô lớn là của nhà nước, vốn rất phức tạp để cho các công ty tư nhân lớn nước ngoài tham gia với một độ minh bạch tối thiểu họ cần. Ngoài ra không thể không nhắc tới thủ tục hành chính rườm rà, qua nhiều khâu trung gian... Vậy nên, các nhà đầu tư sẽ ưu tiên tìm đến những nơi có dự án lớn khả thi triển khai và tính tiên liệu cao.

Tôi rất ngạc nhiên khi vừa rồi có nhiều nhà đầu tư khi bỏ Trung Quốc đã chọn điểm đến là Indonesia. Chúng ta cần phải xem lại môi trường đầu tư của mình, chú ý tổ chức lại trong nhà, một khi còn chưa gọn gàng, ngăn nắp thì rất khó mời khách đến ở lại.

Với doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, đây là giai đoạn mà chúng ta muốn kinh doanh cái gì cũng nên làm “bài toán ngược”. Chúng ta phải tập trung quan sát cuộc sống con người hậu Covid-19 diễn biến từ lúc thức dậy cho đến lúc đi ngủ như thế nào thì mình tổ chức dịch vụ - sản phẩm và hoạt động phù hợp cung cầu của họ.

Mỗi người cần có hình dung một bức tranh toàn cảnh về tương lai ngành nghề của mình, đưa ra những giả định và có sự điều chỉnh dần theo thực tế. Ví dụ trong tương lai người ta sẽ tránh tụ tập đông, ăn đám cưới đông, thì mỗi người, mỗi doanh nghiệp tự làm bài toán này cho bản thân, cho tổ chức của mình chứ không có chuyên gia nào làm thay được.

Đây là cơ hội đẩy mạnh thị trường nội địa và là thời gian chín muồi cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Tiên quyết phát triển năng lực nội địa, đặc biệt là ngành hậu cần, chuỗi cung ứng và chế biến nông sản. Mặc dù doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) là xương sống của nền kinh tế nhưng thực tế cho thấy Việt Nam tập trung tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân lớn, nên chưa có phân bổ đáng kể và xứng đáng cho thành phần SME.

Theo tôi, các SME trước mắt khoan kỳ vọng vào chính sách của nhà nước. SME vẫn nên là tự thân vận động, chú ý đến việc “buôn có bạn, bán có phường, xây dựng hệ sinh thái” cho doanh nghiệp mình mới là kế sách bền vững… 

Các SME cần chú ý 5 điểm sau: Thứ nhất, đảm bảo sản phẩm và dịch vụ đã được "miễn nhiễm với suy thoái", nên tránh khỏi các lĩnh vực du lịch, khách sạn, quản lý sự kiện, văn phòng phẩm, thiết bị in ấn, động cơ xe, hàng hiệu cao cấp. Tập trung vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thuốc men, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, thực phẩm. Đảm bảo chúng ta luôn có vài thứ bán được ngay cả khi nền kinh tế xấu đi.

Thứ hai, duy trì hoạt động linh hoạt, nên làm việc theo nhóm nhỏ, phát triển cách thức làm việc mới, tìm cách cho nhân viên làm việc từ xa. Đề phòng rủi ro thông qua tích trữ nguyên liệu thiết bị hoặc thành phẩm, đưa vào hợp đồng các điều khoản thay đổi, tạm ngừng ra các quyết định đầu tư lớn và dài hạn.

Thứ ba, sáng tạo trong cách thức cung cấp sản phẩm dịch vụ. Thứ tư, hoạt động nhiều hơn ngoài Mỹ và Trung Quốc. Thứ năm, tập trung thị trường nội địa và các nước trong khối ASEAN.

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của chuyên gia kinh tế Trần Sĩ Chương