EuroCham nói về hai nút thắt của du lịch Việt Nam

Kiều Mai - 10:06, 09/05/2019

TheLEADERThị thực, nhân lực là hai trong nhiều vấn đề mà đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch - Nhà hàng – Khách sạn của EuroCham, ông Martin Koerner trăn trở về du lịch Việt Nam.

Ngành du lịch Việt Nam đang cho thấy mức tăng trưởng với tốc độ cao trong vài năm gần đây xét về cả số lượng khách và tổng doanh thu. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, năm 2018 ước tính Việt Nam đón gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy, chiếm tới quá nửa trong tổng số khách quốc tế đến từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc với con số lần lượt là 5 triệu và 3,5 triệu. 

Trong khi đó, chỉ tính riêng trong năm 2018, Thái Lan đã đón 1 triệu du khách Việt nhưng ở chiều ngược lại, số du khách Thái Lan tới Việt Nam còn chưa tới 350.000 người. Tương tự, có hơn 1 triệu người Singapore (tương đương gần 1/5 dân số của đảo quốc này) đến xứ sở chùa vàng trong năm ngoái, nhưng con số này tại Việt Nam chỉ chưa đầy 300.000 người.

Hai thị trường khách du lịch có mức tiêu dùng cao là châu Âu và châu Mỹ đến Việt Nam trong 2018 cộng lại cũng chưa bằng số du khách Hàn Quốc.

Việc du khách từ các thị trường chi tiêu cao chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng lượng khách quốc tế là nguyên nhân khiến doanh thu từ khách du lịch nước ngoài tại Việt Nam dù có tăng nhưng vẫn còn thấp.

Năm 2017, Việt Nam đạt 8,3 tỷ USD trong doanh thu du lịch từ khách quốc tế - một con số rất khiêm tốn khi so với các nước trong khu vực như Indonesia (12,6 tỷ USD), Singapore (18,4 tỷ USD) và Thái Lan (52,5 tỷ USD).

Đại diện EuroCham nghĩ gì về du lịch Việt Nam?
Ông Martin Koerner, đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch & Nhà hàng – Khách sạn của EuroCham.

Chia sẻ với TheLEADER, Đồng Chủ tịch Tiểu ban Du lịch & Nhà hàng – Khách sạn của EuroCham (Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam), ông Martin Koerner cho rằng, để tăng lượng khách từ châu Âu và Bắc Mỹ, Việt Nam cần phân bổ một cách hợp lý quỹ xúc tiến du lịch quốc gia từ ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ hiệu quả cho việc quảng bá ở những thị trường này.

Ngành du lịch đang đóng góp đáng kể cho GDP Việt Nam và được nhận định có nhiều tiềm năng có thể đạt được những mục tiêu cao hơn thông qua những nỗ lực này.

“Việt Nam cũng cần xem xét lại chính sách visa để có thể cạnh tranh với Thái Lan, Malaysia hay Indonesia. Việt Nam cũng nên mở rộng chính sách miễn thị thực cho tất cả các nước trong Liên minh Châu Âu cũng như Bắc Mỹ”, ông Martin nhấn mạnh.

Trong bối cảnh Việt Nam dường như đang chi tiêu quá ít cho việc quảng bá điểm đến so với các nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, đại diện tiểu ban du lịch của EuroCham khuyến nghị Việt Nam nên đầu tư thêm vào những hoạt động này.

“Việt Nam nên phân bổ ngân sách phù hợp từ quỹ xúc tiến du lịch quốc gia để hỗ trợ các hoạt động quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, nên tích cực phổ biến thông tin để công chúng hiểu tầm quan trọng của du lịch với nền kinh tế quốc gia, các hành vi phù hợp, thực tiễn bảo vệ môi trường và quyền con người”, ông Martin Koerner khuyến nghị.

Việc hợp tác hiệu quả giữa các cơ quan xúc tiến du lịch địa phương và quốc gia, khu vực tư và khu vực công sẽ là chìa khóa cũng như hỗ trợ hiệu quả hoạt động của Hội đồng cấp Chứng chỉ nghiệp vụ du lịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần chuyên nghiệp hóa việc phát triển du lịch thông qua phân bổ ngân sách, thiết lập và phát triển chuyên môn phù hợp cần thiết để đưa du lịch Việt Nam lên tầm cao mới.

Cũng như Việt Nam, các nước Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc hay Indonesia đều nhận ra tầm quan trọng mang tính chiến lược của việc phát triển du lịch.

Các nước này đã hành động, tận dụng cơ hội bằng cách phân bổ ngân sách hợp lý để triển khai chiến lược xúc tiến du lịch toàn diện cấp quốc gia và các chiến dịch tiếp thị điểm đến thông qua hợp tác với các nhà hoạch định du lịch có đủ năng lực chuyên môn, các đối tượng trong ngành, truyền thông trong nước và quốc tế.

Về vấn đề nhân lực, ông Martin Koerner cho rằng tình trạng thiếu hụt lao động trình độ cao hiện nay xuất phát từ sự phát triển quá nhanh của ngành du lịch trong thời gian ngắn.

Đại diện EuroCham nghĩ gì về du lịch Việt Nam? 1
Ngành du lịch Việt đang "khát" nhân lực có trình độ.

Lực lượng lao động ít hơn các vị trí tuyển dụng đang có khiến những vị trí này bị lấp đầy bởi nhân sự không đủ trình độ và cần được đào tạo chuyên sâu.

Hệ quả là các công ty phải trả chi phí cao để đào tạo và mất nhiều cơ hội kinh doanh. Thêm vào đó, chất lượng dịch vụ cũng không đạt tiêu chuẩn so với các điểm du lịch lớn khác.

Ông khuyến nghị Tiêu chuẩn kĩ năng nghề Quốc gia cho phục vụ buồng nên được triển khai hiệu quả cùng với việc doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nâng cao nhận thức và cung cấp các quy trình rõ ràng hơn.

Những tiêu chuẩn này cần được mở rộng và phát triển cho các ngành nghề khác trong lĩnh vực Du lịch và Nhà hàng – Khách sạn để tăng cường chất lượng dịch vụ và nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Vai trò của Hội đồng cấp Chứng chỉ nghiệp vụ du lịch cần được chú trọng hơn trong việc đánh giá, đào tạo, và cung cấp chứng chỉ cho lao động đã có kinh nghiệm thực tế nhưng chưa trải qua trường lớp đào tạo này.

Việc hợp tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân cần được tăng cường nhằm cải thiện các hoạt động đào tạo nghề trong ngành du lịch, về cả giáo viên và học sinh.

Chính phủ cũng nên mời nhiều các công ty giáo dục mở văn phòng tại Việt Nam với cách thức giảng dạy tiên tiến, quốc tế, giúp học sinh Việt Nam có cơ hội có chứng chỉ quốc tế của du lịch, nhà hàng – khách sạn và những dự án này cần được hỗ trợ về tài chính.