EuroCham nói về triển vọng thương mại, đầu tư Việt Nam - EU sau Hiệp định tự do

Kiều Mai - 09:56, 26/06/2019

TheLEADERÔng Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) nhận định EVFTA mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà cả vấn đề phúc lợi, tiền lương và mức sống của hàng triệu người Việt Nam.

EuroCham nói về triển vọng thương mại, đầu tư Việt Nam - EU sau Hiệp định tự do
Ông Nicolas Audier nhận định EVFTA còn làm được nhiều hơn việc tăng đầu tư và thương mại song phương.

Hai thỏa thuận về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức được thông qua mới đây, mở đường cho sự ký kết vào Chủ Nhật tới (30/6) tại Hà Nội.

Chia sẻ với TheLEADER, ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cho biết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một trong những thỏa thuận toàn diện nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển.

Nếu được phê chuẩn và triển khai, EVFTA sẽ giúp giảm thuế quan và các rào cản thương mại, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam.

Ông Nicolas Audier cũng cho biết, theo khảo sát 1.000 thành viên vào tháng 10/2018 về những tác động của hiệp định đối với doanh nghiệp, “các thành viên đã cho thấy phản hồi rất tích cực, tỏ ra lạc quan về những tác động lên hoạt động kinh doanh của họ tại Việt Nam”.

Cụ thể, 79% thành viên khẳng định EVFTA sẽ tác động tích cực tới kế hoạch kinh doanh trung hạn. Nhìn xa hơn, con số thậm chí còn ấn tượng hơn với 85% cho rằng thỏa thuận sẽ tạo nên tác động tích cực tới kế hoạch kinh doanh dài hạn.

“Tuy nhiên, EVFTA sẽ còn làm được nhiều hơn việc tăng đầu tư và thương mại song phương”, vị đồng Chủ tịch EuroCham nhấn mạnh.

Ông nhận định EVFTA sẽ giúp Việt Nam hiện đại hóa khung pháp lý, tăng cường môi trường thương mại và đầu tư, cải thiện các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng – đặc biệt là với thực phẩm – và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu.

Điều này được đánh giá là sẽ mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà cả vấn đề phúc lợi, tiền lương và mức sống của hàng triệu người Việt Nam.

Một khi được phê chuẩn và triển khai, EVFTA sẽ đẩy mạnh việc xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Đặc biệt, dệt, may mặc hay da giày được xem là những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất từ thỏa thuận này.

Chỉ riêng lĩnh vực may mặc được dự đoán tăng trưởng 200% so với mức cơ sở năm 2007, theo Dự án Hỗ trợ Chính sách Thương mại và Đầu tư của châu Âu MUTRAP.

“Tuy nhiên, để mở khóa toàn bộ lợi ích của EVFTA, xuất khẩu từ Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cao để tiếp cận được thị trường tiêu dùng có mức tiêu dùng cao của châu Âu”, đại diện EuroCham nhận định.

Ví dụ, Việt Nam bán một lượng hải sản đáng kể cho châu Âu nhưng sản phẩm này sẽ phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của EU xung quanh vấn đề đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được quản lý (IUU).

EU cũng đã đề xuất lệnh cấm đối với các mặt hàng nhựa sử dụng một lần ở tất cả các quốc gia thành viên. Vì vậy, các công ty sản xuất những sản phẩm này cần xem xét điều chỉnh kế hoạch kinh doanh để tận dụng các xu hướng mới trong tiêu dùng hiện nay.

EuroCham nói về triển vọng EVFTA giữa bối cảnh thương mại mới
May mặc là một trong những lĩnh vực được đánh giá hưởng lợi nhiều nhất từ EVFTA.

Ngoài thương mại, EVFTA sẽ thúc đẩy đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, từ cả các công ty lâu năm và cả các công ty mới gia nhập thị trường đang phát triển nhanh chóng này.

“Trong báo cáo mới nhất của chúng tôi về EVFTA, 80% thành viên nói rằng thỏa thuận này sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Trong khi đó, 72% thành viên của chúng tôi đồng ý rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm để các doanh nghiệp EU tiếp cận thị trường ASEAN”, ông Nicolas Audier cho biết.

Ông khuyến nghị, để tận dụng tốt nhất nguồn vốn này, Chính phủ có thể thực hiện một số biện pháp để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Trong Sách Trắng, 16 Ủy ban ngành của EuroCham đã đưa ra một số gợi ý chi tiết về các ngành công nghiệp, từ thuế, vận tải đến thiết bị y tế, xe máy.

“Chúng tôi hoan nghênh cuộc đối thoại cởi mở và dễ tiếp thu của Chính phủ với các Ủy ban ngành về các vấn đề này. Đồng thời chúng tôi cũng hy vọng sẽ sử dụng kinh nghiệm quốc tế của các thành viên để giúp Chính phủ tiến xa hơn và nhanh hơn trên con đường cải cách, tiếp tục hiện đại hóa và tự do hóa nền kinh tế vì lợi ích chung”, đại diện EuroCham khẳng định.

Ông Nicolas Audier cho rằng, thương mại toàn cầu hiện đang đứng trước những bước ngoặt. Rào cản và thuế quan đang ngày càng lan rộng trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc áp đặt hàng tỷ USD thuế mới đối với hàng ngàn mặt hàng từ ô tô đến nguyên liệu, thực phẩm.

Tuy nhiên, ba thập kỷ qua đã chỉ ra rằng chủ nghĩa bảo hộ không tốt cho kinh doanh và người tiêu dùng khi làm tăng chi phí thương mại, làm cho hàng hóa và dịch vụ kém phải chăng hơn và gây ảnh hưởng xấu tới vấn đề việc làm và tăng trưởng kinh tế trong quá trình này.

Trong khi đó, thị trường mở thúc đẩy thương mại và đầu tư xuyên biên giới. Thương mại tự do giúp đôi bên cùng có lợi đúng nghĩa, khi mà các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chi phí thấp hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi từ việc tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa và dịch vụ.

“Do đó, để nối tiếp những thành công có được trong ba thập kỷ qua, Việt Nam nên tiếp tục duy trì thương mại tự do, thị trường mở và tự do hóa như đã làm từ thời cải cách Đổi mới. Châu Âu, với cam kết không ngừng đối với thương mại tự do, là đối tác lớn của Việt Nam trong lĩnh vực này”, vị đồng Chủ tịch EuroCham khẳng định.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của EU tại khu vực ASEAN với giá trị trao đổi đạt 49,3 tỷ Euro đối với hàng hóa và hơn 3 tỷ Euro đối với dịch vụ.

EVFTA là hiệp định toàn diện, chất lượng cao, cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiệp định gồm 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo.