EuroCham: Phê chuẩn EVFTA là thời khắc lịch sử trong quan hệ Việt Nam – EU

Minh Nhật - 10:30, 13/02/2020

TheLEADERDù đã được phê chuẩn bởi châu Âu, EVFTA vẫn cần nhiều nỗ lực từ cả hai phía nhằm hiện thực hóa những kết quả được kỳ vọng.

EuroCham: Phê chuẩn EVFTA là thời khắc lịch sử trong quan hệ Việt Nam – EU
Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu

Nghị viện châu Âu mới đây đã phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) cũng như Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA). Trong cuộc bỏ phiếu mang tính quyết định ở Strasbourg, các thành viên của Nghị viện đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận này.

Ông Nicolas Audier, đồng Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) đánh giá đây là thời khắc lịch sử của quan hệ châu Âu – Việt Nam, mở ra một chương mới về tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai bên.

Các hiệp định này sẽ cho phép doanh nghiệp châu Âu đón đầu xu thế phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam cũng như có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường đang phát triển mạnh. Trong khi đó, người tiêu dùng và doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội tham gia vào các thị trường, sản phẩm và dịch vụ của châu Âu.

“Cuộc bỏ phiếu này là kết tinh của gần một thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ”, ông Nicolas Audier chia sẻ.

Khi quá trình đàm phán được bắt đầu vào năm 2012, EuroCham đã đồng hành cùng EVFTA trong suốt các vòng đối thoại. Khi thỏa thuận chính thức kết thúc đàm phán năm 2015, Hiệp hội này đã vận động mạnh mẽ, thuyết phục các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu về những lợi ích của thỏa thuận thương mại, rằng EVFTA không chỉ gói gọn trong các hoạt động đầu tư thương mại mà cải thiện sinh kế, mức sống và mở ra nhiều cơ hội mới cho người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, kết quả của cuộc bỏ phiếu được đánh giá mới chỉ là khởi đầu.

“Ngay bây giờ, chúng ta cần đảm bảo việc triển khai EVFTA diễn ra suôn sẻ để các doanh nghiệp, người tiêu dùng ở cả Việt Nam và châu Âu có thể tận dụng mọi cơ hội mà hiệp định này mang lại”, ông Nicolas Audier nhận định.

EuroCham cho biết sẽ luôn đồng hành và tiếp tục thúc đẩy quá trình này, cam kết làm việc với Chính phủ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) cùng các đối tác để đảm bảo lợi ích mà hiệp định mang lại sẽ đạt được các kỳ vọng trong thực tiễn.

Sau khi EVFTA được châu Âu phê chuẩn, bước tiếp theo và cũng là bước cuối cùng trước khi hiệp định này có thể đi vào hiệu lực đó là cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Việt Nam. Đây là một trong những thỏa thuận toàn diện nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển.

EVFTA sẽ xóa bỏ gần 99% các dòng thuế và rào cản thương mại giữa Việt Nam và EU. 2/3 (tương đương khoảng 65%) giá trị hàng hóa xuất khẩu từ EU và 71% hàng xuất khẩu từ Việt Nam sẽ được tự do hóa ngay tại thời điểm hiệp định có hiệu lực.

Những dòng thuế còn lại sẽ được bãi bỏ theo lộ trình 10 năm tới.

EVFTA cũng bao gồm các quy định quan trọng về bảo vệ môi trường và quyền lao động, giúp Việt Nam hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường.