EVN lý giải việc bị truy thu thế gần 2.000 tỷ đồng

Minh An - 10:42, 29/12/2017

TheLEADERTập đoàn Điện lực Việt Nam được cho là đã hạch toán không đúng một số khoản chi phí và doanh thu dẫn đến giảm số thuế và lãi phải nộp về ngân sách nhà nước.

EVN lý giải việc bị truy thu thế gần 2.000 tỷ đồng
Ảnh: EVN

Báo chí trong nước hôm qua đưa tin, Bộ Tài chính đã ra quyết định truy thu 1.935 tỷ đồng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là số tiền EVN phải nộp vào ngân sách sau khi bị phát hiện hạch toán sai một số khoản chi phí dẫn đến doanh thu và lợi nhuận các năm 2015 và 2016 giảm.

Chiều ngày 28/12, EVN đã phát đi thông báo giải thích việc hạch toán các chi phí này đồng thời khẳng định tập đoàn đang tiếp tục giải trình với Bộ Tài chính và đã báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Về khoản chi phí hồi tố cước vận chuyển khí Phú Mỹ - TP.HCM đã phát sinh trong giai đoạn 2012 – 2015 khoảng 1.900 tỷ đồng, EVN đã phân bổ căn cứ vào các công văn số 12577/BCT-TCNL ngày 8/12/2015 của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ và công văn số 872/VPCP-KTTH ngày 04/02/2016 của Văn phòng Chính Phủ.

“Việc phân bổ khoản chi phí này vào năm 2015 - 2016 thay cho năm 2016 - 2017 là sự nỗ lực của EVN trong việc tiết kiệm chi phí tự cân đối để giảm áp lực tăng giá bán lẻ điện”, thông báo của tập đoàn viết.

EVN cho biết thêm, giá bán lẻ điện áp dụng từ 01/12/2017 không bao gồm khoản chi phí này.

Ngoài ra theo tập đoàn, do không được đưa vào phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện, nên EVN không có nguồn để bù đắp nếu chi phí này xuất toán khỏi giá thành năm 2015 và chuyển phân bổ vào chi phí SXKD năm 2017.

Về khoản chênh lệch tỷ giá 4.847 tỷ đồng phát sinh tại sự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1, EVN dẫn các quy định kế toán và văn bản trả lời của Bộ Tài chính cho biết, Bộ cho phép khoản chênh lệch tỷ giá trong quá trình đầu tư của các công trình điện nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được phản ánh lũy kế và phân bổ dần vào doanh thu tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, thời gian phân bổ không quá 5 năm kể từ khi công trình đi vào hoạt động.

Tập đoàn cũng cho biết, Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là dự án nguồn điện thuộc các đơn vị hạch toán phụ thuộc công ty mẹ EVN Genco1. Tuy nhiên, Dự án này lại sử dụng vốn vay của JICA (Nhật Bản). Theo yêu cầu từ phía JICA, EVN phải tiếp tục là chủ đầu tư, sau khi Dự án hoàn thành xây dựng mới chuyển giao cho EVN Genco1.

Bộ Công Thương đã có công văn thống nhất về việc EVN tiếp tục làm chủ đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1; sau khi Nhà máy phát điện thương mại sẽ thực hiện chuyển giao chủ đầu tư dự án cho EVN Genco1.

Hiện tại, EVN đang thực hiện các thủ tục bàn giao dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 về EVNGENCO 1 tại thời điểm ngày 31/12/2017. Tập đoàn sẽ bàn giao số dư khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của dự án này để EVNGENCO 1 hạch toán.

Tập đoàn khẳng định dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 là dự án thuộc EVNGENCO 1. Do đó, khoản lãi chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn đầu tư xây dựng của Dự án này phải chuyển giao cho EVNGENCO 1 hạch toán theo quy định.