'Gã Đôn Ki-hô-tê' chiến đấu vì sự trong sáng của tiếng Việt

Đặng Hoa - 11:00, 31/01/2020

TheLEADERVới hơn 20 năm kinh nghiệm làm phiên dịch, ông Tạ Quang Đông nhận định, cái khó của nghề phiên dịch không phải là kỹ năng dịch, mà chính là nội dung cần dịch.

Ông Tạ Quang Đông được đánh giá là một phiên dịch xuất sắc khi xuất hiện liên tục sau chân những nhân vật tầm cỡ đến thăm Việt Nam, hay ẩn mình trong cabin những hội nghị quốc tế lớn. Nhưng với ông, sự thăng hoa trong nghề chỉ xuất hiện khi ông được thoả mãn đam mê với ngôn ngữ, là khi ông tìm thấy một cách diễn đạt vừa bám sát từ gốc, vừa thể hiện được nghĩa bóng của nó, khiến ông phải vỡ oà sung sướng.

Ông cũng tự nhận mình là “gã Đôn Ki-hô-tê đánh cối xay gió” trong cuộc chiến bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. 

Phiên dịch Tạ Quang Đông: Người chuyển ngữ mê đắm tiếng Việt
Phiên dịch Tạ Quang Đông

TIẾNG ANH CHỈ ĐỦ DÙNG

Gắn bó với nghề dịch đã được hơn hai thập kỷ, liệu đó có phải là đam mê lớn nhất của ông?

Ông Tạ Quang Đông: Tôi không đam mê nghề dịch, có thể nói tôi đi dịch là để kiếm sống. Tất nhiên, giá trị mà nghề dịch đem lại đối với tôi còn là niềm vui khi được làm nhịp cầu kết nối, tạo sự thông hiểu giữa hai bên, và qua đó, quan trọng nhất, là đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam. Nhưng, điều tôi đam mê là là tiếng Việt, không phải tiếng Anh. Mọi người thường hiểu nhầm rằng Tạ Quang Đông là một phiên dịch giỏi nên rất “siêu” tiếng Anh trong khi tiếng Anh của tôi chỉ đủ dùng. Nếu so với nhiều người khác, nhất là giới trẻ, thì tiếng Anh của tôi và nhiều cây dịch xuất sắc khác không thể bằng được.

Theo ông, khi nào một người được đánh giá là giỏi một ngôn ngữ?

Ông Tạ Quang Đông: Phải có khả năng dùng ngôn ngữ đó như một nghệ thuật, để diễn đạt không chỉ đúng, làm cho người nghe hiểu được, mà còn phải hay. Theo tôi, một người phải có khả năng viết văn, viết báo bằng một ngôn ngữ mới xứng đáng là người giỏi, người siêu ngôn ngữ đó. Còn chỉ dịch được từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, kể cả đi dịch cho nguyên thủ quốc gia hay các định chế lớn, cũng chưa chắc đã xứng tầm gọi là siêu về những ngôn ngữ đó. Có nhiều phiên dịch giỏi vẫn phát âm sai, nói sai ngữ pháp. Họ vẫn xứng đáng được coi là phiên dịch giỏi, vì đáp ứng yêu cầu chuyển ngữ. Dịch giỏi hay siêu, và giỏi hay siêu một ngôn ngữ, là hai việc không đồng nhất.

Vậy ông định nghĩa như thế nào về một phiên dịch giỏi?

Ông Tạ Quang Đông: Mục đích của phiên dịch là để hai bên hiểu nhau. Trong dịch thuật có ba từ được nhắc đến rất nhiều là tín, đạtnhã. Trong đó, tínđạt có nghĩa là truyền tải đầy đủ và trung thực lời nói từ ngôn ngữ nguồn sang ngôn ngữ đích. Đây là hai yếu tố nhất thiết phải có, là điều kiện cần để tạo nên một bản dịch tốt. Tuy nhiên đối với tôi, điều tạo nên đẳng cấp và đưa một phiên dịch lên gần đến đỉnh cao nhã, nghĩa là dịch cho hay. Cần lưu ý, dịch hay và bay bướm nhưng không truyền đạt đúng lời người nói thì không có ý nghĩa gì, thậm chí là một điểm trừ rất nặng.

Tôi chưa chán hoặc không bao giờ chán nghề dịch vì vẻ đẹp của tiếng Việt. So với nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Việt có sắc thái biểu cảm rất cao khi có nhiều từ khác nhau để mô tả cùng một khái niệm. 

Trong câu tiếng Việt, trật tự âm tiết của nhiều từ có thể được đảo lộn để tạo sắc thái hay hơn, trong khi điều này khó tìm thấy ở các ngôn ngữ khác. Vì vậy, dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt thì có điều kiện đảm bảo hoặc tăng độ nhã, còn dịch thuật giữa các thứ tiếng khác thì thường chỉ chuyển ngữ đơn thuần, tức là bản gốc hay như thế nào thì bản dịch cũng có thể hay như thế, khó có thể hay hơn. Độ biểu cảm của tiếng Việt khiến bản dịch sang tiếng Việt có thể nghe hay hơn bản gốc, hoặc người dịch có thể chọn được, trong số rất nhiều phương án, một phương án không chỉ hay hơn, mà là hay hơn nhiều, so với các phương án còn lại.

Dường như trong suy nghĩ của nhiều người, các phiên dịch trẻ khó có thể so với các dịch giả gạo cội. Ông quan điểm như thế nào?

Ông Tạ Quang Đông: Cũng chưa chắc, vấn đề là người trẻ có ý thức học hay không, đặc biệt là học tiếng Việt. Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”. Do chưa mở cửa và tiếp xúc nhiều, vào thời kỳ có sự bế quan toả cảng, nhiều người cho rằng tiếng Việt khó, nhưng trên thực tế, tiếng Việt là một trong những thứ tiếng dễ học nhất. Nếu người dịch không khéo hoặc dùng google dịch thì có thể dịch sai do phát âm tiếng Việt có nhiều dấu, người nói chơi chữ hoặc dùng một vài hư từ. Nhưng những điều đó hoàn toàn không nằm trong phạm trù ngữ pháp. Ngữ pháp của nhiều ngôn ngữ khác khó hơn, với rất nhiều quy tắc phải nhớ, mà các quy tắc đó cũng có đầy ngoại lệ.

Nhiều người bảo tôi mở lớp dạy dịch. Tôi khẳng định không có cái gọi là kỹ năng dịch, chỉ đơn thuần là người nước ngoài nói một câu bằng tiếng nước ngoài thì mình nói câu đấy bằng tiếng Việt và ngược lại. Cái khó là khi phiên dịch không nắm được hết từ vựng và cấu trúc ngữ pháp trong câu. Người làm nghề phải liên tục tự học hỏi và trau dồi.

Cách đây khoảng hai tháng, tôi có đăng lên facebook để khảo sát xem đã có ai nghe đến từ “đậu nho nhe” hay chưa. Hầu hết bạn bè trên facebook là những người học cao, hiểu rộng cũng chưa nghe đến từ này bao giờ, và tôi cũng vậy, cho tới khi tham gia dịch cho một dự án nông nghiệp của Úc ngày hôm đó. Lúc vào cabin dịch, tôi đã phải chịu thua khi nghe diễn giả nói đến đậu nho nhe. Tôi phải khoa chân múa tay ra hiệu cho các bạn làm ở dự án đó để hỏi. Hỏi ra mới biết, từ tiếng Anh của đậu nho nhe là rice bean, trong tiếng Việt còn gọi là đậu gạo. Tiếng Việt xịn hẳn hoi mà phiên dịch Tạ Quang Đông có hơn 20 năm kinh nghiệm cũng có dịch được đâu, trong khi các bạn cán bộ dự án dịch ngon lành.

CHƯA AI YÊU TIẾNG VIỆT ĐÁNG NHƯ NÓ PHẢI ĐƯỢC YÊU

Liệu có phải do tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ nên người trẻ thường không chú ý học?

Ông Tạ Quang Đông: Đó là một thực trạng đang diễn ra. Người ta chưa yêu tiếng Việt đáng như nó phải được yêu. Điều này có một phần lỗi rất lớn của báo chí và các nhà giáo. Báo chí cũng sử dụng một thứ tiếng Việt lai với tiếng Anh trong những cấu trúc vốn là của tiếng Anh chứ không phải của tiếng Việt.

Ví dụ, câu “tôi đến từ Hà Nội” sai hoàn toàn vì câu “I am from Hanoi” chỉ xuất xứ chứ không chỉ chuyển động, tại sao nói “tôi đến từ Hà Nội” trong khi vẫn đang ngồi ở Hà Nội. Hay như câu “rất khó để học tiếng Anh” cũng sai hoàn toàn vì câu này dịch từ tiếng Anh có dùng chủ ngữ giả, khi chuyển sang tiếng Việt phải là “học tiếng Anh rất khó”. “Để” là từ chỉ khái niệm mục đích như trong câu “tôi đến đây để gặp bạn”, chứ không có chuyện “rất khó để ghi bàn vào lưới U23 Triều Tiên”, phải là “ghi bàn vào lưới… thật khó”, hay “thật khó mà ghi [được] bàn vào lưới…”

Hay như dùng “thắng giải”, trong khi lẽ ra phải là “giành giải”, “đoạt giải”; dùng tràn lan “đại sứ”, trong khi, ngoài ngành ngoại giao, thì ambassador nên dịch là “sứ giả” như sứ giả thiện chí chẳng hạn. Hoặc quá lạm dụng dạng bị động, “cuốn sách này được viết bởi nhà văn A”, “chương trình này được tài trợ bởi công ty B”…, trong khi tiếng Việt đẹp ưa dùng dạng chủ động đấy chứ.

Một ví dụ khác là tiếng Việt đẹp sẽ vẫn lặp lại các danh từ đã dùng phía trước chứ không sử dụng đại từ thay thế như nó, chúng tôi, chúng nó…để tránh lặp từ như trong tiếng Anh. Tiếng Việt đẹp thì trong cuộc hội thoại của hai mẹ con không nói “chúng ta cùng đi chợ” mà phải là “hai mẹ con mình cùng đi chợ”.

Cách đây khoảng 30 năm, các thầy cô giáo dạy tiếng Anh cho tôi luôn nêu ra các ví dụ này khi dạy dịch trong khi bản thân các nhà giáo bây giờ cũng dịch sai và dạy sai. Con gái tôi bảo: “Tất cả mọi người đều nói thế, bố cứ cố gắng thay đổi để làm gì”, rõ ràng là không trách các bạn trẻ được vì họ sinh ra và lớn lên trong môi trường đó rồi. 

Nhiều người bị chỉ trích vì việc chêm một vài từ tiếng Anh vào câu tiếng Việt. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Tạ Quang Đông: Tất nhiên là không nên sử dụng tiếng Việt xen lẫn tiếng Anh. Có nhiều người cho rằng hành động đó là khoe mẽ nhưng tôi nghĩ là không phải, chỉ là trong tư duy của người nói bị lẫn lộn, não không kịp phản xạ để chuyển chữ đó sang tiếng Việt.

Tuy nhiên, một lý do khác được đưa ra là do không có từ tiếng Việt tương đương, hoặc không thể hiện hết ý nghĩa nội hàm, chẳng hạn như từ logistics. Quan điểm của tôi là vẫn tìm được, như logistics có thể dịch là “tiếp vận hậu cần”, hoặc một số từ chưa có thì có thể sáng tạo ra từ mới trong tiếng Việt, như slogan nên thay bằng “hiệu ngữ” – “hiệu” là thể hiện nội dung, “ngữ” là để chỉ ra rằng đó là một cụm từ ở cấp độ cao hơn từ, nhưng nhỏ hơn câu, chưa thành câu. 

Nhiều người sẽ bảo, nói tiếp vận hậu cần hay hiệu ngữ thì người Việt xịn nghe chẳng hiểu gì. Nhưng người Anh/Mỹ/Úc xịn, nếu không tìm hiểu về ngành logistics, chắc chắn cũng không hiểu [đầy đủ] nội hàm của từ này. Thế thì sao ta phải e ngại khi dùng “tiếp vận hậu cần”? 

Từ vựng là vỏ ngôn ngữ, khi nghe lần đầu làm sao đã nắm bắt được. Kể cả những vật dụng đơn giản như cái bàn, chiếc ghế, khi mới ra đời, nghe vỏ ngôn ngữ đó sao ta đã hiểu ngay? Phải nhờ cha mẹ chỉ bảo, giải thích. “Hiệu ngữ” nghe lạ tai, không hiểu, vậy khi xưa pác phuym (parfume) vào Việt Nam, các cụ xưa dịch ra là nước hoa, cũng có sát đâu, và nghe cũng có hiểu đúng ngay được đâu, nếu không được trực quan chỉ cho lọ nước hoa? Chưa được nhìn thấy, chưa được giải thích, thì “nước hoa” chỉ là nước của bông hoa, mà thôi. 

Phiên dịch Tạ Quang Đông và bài học từ quả “đậu nho nhe” 1
Với ông Tạ Quang Đông, nghề dịch không khó, cái khó nằm ở nội dung cần dịch

Nói như vậy thì chắc tình yêu tiếng Việt của ông lớn lắm?

Ông Tạ Quang Đông: Sau khi đã xác định phải tự trau dồi ngữ pháp và từ vựng, nhiều người đề xuất tôi dạy tiếng Việt vì thấy tôi dùng tiếng Việt rất hay khi dịch. Tôi có thể nói tiếng Việt hay vì tôi xem tiếng Việt là tình yêu, mà tình yêu thì không dạy được, phải xuất phát từ trái tim. Tạ Quang Đông có tình yêu tiếng Việt từ khi mới ra đời, tôi đọc nhiều và các câu chữ ngấm vào người tôi.

Tôi học được cách dùng từ một cách vô thức nhờ đọc các tác phẩm văn học từ ngày xưa. Tôi cũng có khả năng dịch được rất nhiều mảng vì ngày xưa tôi đọc rất “tạp nham”, từ thơ Đường, tiểu thuyết Minh – Thanh (Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng…), thần thoại Hy Lạp cho đến các tác phẩm văn học kinh điển Âu – Mỹ. Người phiên dịch không thể dịch những lĩnh vực họ không biết, còn những lĩnh vực họ nắm vững kiến thức thì hiểu rất nhanh, nói 1 hiểu 1,5, nên tiết kiệm được thời gian xử lý.

Nhưng tình yêu cũng sẽ có lúc thăng, lúc trầm?

Ông Tạ Quang Đông: Tình yêu của tôi dành cho tiếng Việt chưa bao giờ đi xuống, luôn luôn là như thế. Nếu theo dõi facebook cá nhân của tôi thì sẽ thấy tôi bỏ ra rất nhiều thời gian để “cãi nhau” về tiếng Việt. Có những hôm không có việc gì gấp của cơ quan hay hôm sau không phải đi dịch, tôi thức trắng cả đêm để “cãi nhau” trên mạng, quyết bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt đến cùng.

QUY TẮC CỦA NGHỀ 

Những ngày đầu đi dịch, ông có gặp phải khó khăn nào không?

Ông Tạ Quang Đông: Chẳng có khó khăn nào cả. Ngay từ lần đầu tiên ngồi vào cabin, tôi đã dịch rất tốt rồi vì đó là những nội dung tôi đã tìm hiểu trước đó, nghe hiểu và bật ra kịp. Hồi đó (năm 1998), tôi dịch ở một hội nghị về phòng chống HIV/AIDS. Trước đó, tôi xem TV thấy người ta đeo tai nghe mà không biết là gì, mãi đến hôm đi dịch rồi mới biết. Quan trọng là cần hiểu và có từ vựng. Và trong trường hợp không có từ vựng thì bắt buộc phải dịch theo kiểu giải thích.

Khó hay dễ không nằm ở nghề dịch, mà nằm ở nội dung cần dịch. Tạ Quang Đông có thể dịch được câu “đây là chiếc điện thoại di động”, nhưng không thể dịch được câu “đây là đậu nho nhe”. Trong khi một bạn có khi trình độ tiếng Anh IELTS 2.0 lại dịch được câu đó vì họ biết đậu nho nhe tiếng Anh là gì. 

Nhưng trong hình dung của nhiều người, phiên dịch là một nghề rất khó, đặc biệt là dịch cabin. Chìa khoá sẽ là gì?

Ông Tạ Quang Đông: Dịch nối tiếp, hay còn gọi là dịch consecutive, không phải dịch cabin, thì không có gì khó cả; hoặc sẽ rất khó nếu người dịch không hiểu biết về lĩnh vực cần dịch. Như vậy, chìa khoá là tìm hiểu về lĩnh vực cần dịch để tránh những trường hợp như “đậu nho nhe”. Còn với dịch cabin thì khó hơn một chút vì đòi hỏi phản xạ nhanh, yêu cầu một chút về bản năng.

Tôi từng rủ một phiên dịch cabin rất xuất sắc đi dịch về an toàn bức xạ hạt nhân. Khi nghe từ “tới hạn” là một từ anh ấy chưa bao giờ gặp trong đời, bộ não hoặc thính giác của anh ấy đã xử lý thành “giới hạn” và anh ấy dịch là “limit”, trong khi phải là critical. Còn tôi biết và dịch được từ đó là vì ngày xưa tôi đọc “tạp nham”, cả văn học và “Vật lý vui”, “102 câu chuyện về hoá học” – vào lớp 10, mười điểm hóa đầu tiên của tôi toàn là 10. Cái khó của nghề dịch chỉ là ở chỗ phải học hỏi liên tục. 

Trước mỗi lần đi dịch, ông mất khoảng bao lâu để chuẩn bị?

Ông Tạ Quang Đông: Có những buổi tôi phải dành ra rất nhiều thời gian, có những buổi tôi dành ít thời gian và thậm chí chẳng cần dành thời gian gì vì lướt qua toàn những thứ mình biết hết rồi. Và có những buổi tôi từ chối không nhận. Bao giờ tôi cũng tìm hiểu kỹ, nếu thấy mình có thể làm không tốt thì không bao giờ nhận.

Chẳng hạn, nếu ai mời tôi đi dịch về kỹ thuật sản xuất ô tô thì tôi đầu hàng ngay trong khi có nhiều phiên dịch khác không giỏi bằng tôi lại dịch được. Khả năng tư duy kỹ thuật của tôi có thể cao, tôi có thể dịch về hạt nhân nhưng tôi không quan tâm đến những chiếc ô tô. Cho đến bây giờ, tôi vẫn đi xe Wave Alpha và đời tôi không có ý định mua ô tô. Tôi không biết trong ô tô có cái gì, phân biệt các loại xe như thế nào. Nhưng nếu mời tôi đi dịch cabin về chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam thì tôi nhận luôn.

Ngoài ra, tôi cũng sẽ không dịch về cà phê vì tôi không uống cà phê, tôi không phân biệt được Cappuccino và Latte khác nhau như thế nào và cũng không có nhu cầu tìm hiểu.

Vậy quy tắc của ông khi làm nghề là gì?

Ông Tạ Quang Đông: Chắc thắng mới đánh” và “đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết”. Nếu thấy mình không đảm bảo được lợi ích cho khách hàng thì tôi từ chối. Tôi thường xuyên tư vấn cho khách hàng nên dùng dịch cabin hay dịch nối tiếp.

Phiên dịch Tạ Quang Đông và bài học từ quả “đậu nho nhe” 2
Với phiên dịch Tạ Quang Đông, phải "chắc thắng mới đánh"

Tôi là người không biết ngượng khi bị người khác nhắc lỗi. Khi đi dịch mà bị khách chỉnh thì tôi cười rất tươi và cảm ơn vì đó là lĩnh vực của họ, mình phải đảm bảo lợi ích cho họ và mình cũng được học hỏi thêm. Nhiệm vụ của người phiên dịch là chuyển ngữ và làm cho hai bên hiểu nhau, nếu nhận tiền và dịch sai làm hai bên không hiểu nhau thì đó là tội ác. Nếu dịch sai phải xin lỗi ngay. Mình phải cung cấp dịch vụ xứng với đồng tiền họ bỏ ra.

Tôi không bao giờ đi dịch cabin một mình, luôn có một người bên cạnh để nếu dịch sai hoặc thiếu thì đồng nghiệp sẽ ghi vào giấy và bổ sung. Cũng vì vậy mà nếu từng nghe tôi dịch thì thi thoảng có thể nghe thấy những câu như “tôi xin lỗi, tôi xin phép được bổ sung vì lúc nãy tôi dịch thiếu/sai”.

Tôi coi phiên dịch cũng như tất cả các nghề, không phải đi dịch cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc hay nguyên thủ quốc gia là oai, hay oai hơn dịch cho các nhà nông ngoài đồng ruộng. Luôn phải khiêm tốn.

DỊCH ĐỂ KIẾM SỐNG NHƯNG KHÔNG THAM

Có trường hợp nào ông từ chối lời mời đi dịch vì bất đồng quan điểm?

Ông Tạ Quang Đông: Tất nhiên, nếu có khách hàng nào làm ăn không đứng đắn thì tôi từ chối không dịch (cười)

Cũng có những bên tôi từ chối dịch vì không nhất trí trong cách sử dụng ngôn ngữ, tôi luôn tôn trọng sự trong sáng của tiếng Việt. Mới đây, tôi có từ chối dịch cho một hội nghị lớn về “logistics” vì ban tổ chức sử dụng từ này trong tên hội nghị. Tất nhiên, tôi cũng không hy vọng là họ sẽ sửa vì tất cả tài liệu đã được duyệt và in, từ này cũng được dùng khá phổ biến. Chứ nếu họ sửa thì tôi sẽ nhận dịch luôn, thậm chí dịch miễn phí.

Tôi từng từ chối lời mời dịch cho một hội thảo về “tài chính toàn diện” dù có thể được cả tiền lẫn tiếng tăm, do là hội nghị liên khu vực, vì tôi nghĩ “financial inclusion” không phải là “tài chính toàn diện”, mà là “phổ cập tài chính”, “tài chính bao trùm”. Nói vui thêm, vì thực tế chắc chắn không xảy ra, là nếu chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” có mời tôi làm giám khảo, tôi cũng không tham gia vì nói “đường lên đỉnh Olympia” là nhầm lẫn về kiến thức - Olympia là một vùng đồng bằng chứ không phải là đỉnh núi. Có lẽ vì là chắt của một ông đồ nho nghèo, nên tính tôi như vậy (cười).

Với ông, cái nghiệt ngã của nghề phiên dịch là gì?

Ông Tạ Quang Đông: Cái nghiệt ngã của nghề là một phiên dịch sáng nay đang ở đỉnh cao thì cũng có thể xuống vực sâu vào ngay buổi chiều. Vì nghề này phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có cả yếu tố sức khoẻ. Chẳng hạn buổi sáng dịch rất tốt, chiều lại đi dịch cho một hội thảo khác và không nghe được là “đứt” và khách hàng sẽ nhìn phiên dịch bằng “ánh mắt có hình viên đạn”. Lúc này, tất cả danh tiếng sẽ tan tành. Nên là phiên dịch cũng cần lượng sức mình, không nên tham mà nhận những việc vượt quá khả năng.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, nhiều lĩnh vực nghề nghiệp được dự báo sẽ có khả năng bị máy móc xoá sổ và thay thế bởi máy móc, trong đó có cả nghề dịch. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Tạ Quang Đông: Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra và kể cả trong trường hợp không bị xoá bỏ hoàn toàn thì vai trò của nghề dịch sẽ ngày càng đi xuống. Khi một số bạn trẻ nhờ tôi dạy dịch, tôi vẫn khuyên là nếu giỏi ngoại ngữ, hãy lựa chọn một công việc khác.

Bức tranh không tươi sáng đâu. Nhiều người không đồng quan điểm, nhưng tôi thấy như thế và chắc chắn như thế. Nghề dịch sẽ không còn hoành tráng được bao lâu nữa và sự trọng thị với nghề sẽ ít đi. Cách đây 30 năm, người nào biết tiếng Anh là được trọng vọng trong xã hội, họ có thể chọn đi dịch hoặc đi dạy, nhưng nay cũng đã như bão hoà. Tôi e rằng nghề dịch cũng sẽ như vậy.

Vậy tương lai của sự tiếng Việt sẽ ra sao, khi ai cũng nói đến câu chuyện cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, nhưng số người làm được điều đó lại không nhiều?

Ông Tạ Quang Đông: Thế cho nên tôi mới là một dạng Đông Ki-sốt, hay Đôn Ki-hô-tê, đánh nhau với cối xay gió, miệt mài suốt ngày đêm không biết là có kết quả hay không. Nhưng với tình yêu rất lớn dành cho tiếng Việt, Tạ Quang Đông sẽ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng (cười).

Xin cảm ơn ông!