Giá trị kinh tế của Tết Việt

Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang * - 08:33, 24/01/2020

TheLEADERTết là nền kinh tế tiêu thụ vì nếu sản xuất và xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng bởi Tết thì kinh tế du lịch, dịch vụ cần thời gian chi tiêu.

Giá trị kinh tế của Tết Việt
Xin chữ đầu xuân là nét văn hoá đẹp của Tết Việt

Quan điểm kinh tế hậu công nghiệp

Ý nghĩa sâu sắc của Tết đó không chỉ là ăn uống, sum họp gia đình, nghỉ ngơi sau một năm làm việc để tái tạo sức lao động và tái tạo năng lược tinh thần, tái lập chiến lược cho những chặng đường mới…

Nhà kinh tế thiển cận thường cho rằng, phát triển kinh tế đồng nghĩa với sự tiết kiệm. Quan điểm sai lầm tai hại này đã tồn tại ăn sâu vào trí não một số người. Tuy nhiên, phát triển kinh tế không phải là sự tiết kiệm hay tránh lãng phí… Phát triển kinh tế là tạo ra thặng dư và lợi nhuận thông qua quá trình biện chứng giữa sản xuất hài hoà với tiêu thụ. Kinh tế thế giới từng nhiều lần xảy ra khủng hoảng suy thoái vì mất cân bằng sản xuất với tiêu thụ. Căn cứ vào lập luận này, chúng ta ắt sẽ đồng ý ‘Tết là nền kinh tế tiêu thụ’, tháng Tết hài hoà và biện chứng với nền nền kinh tế sản xuất của 11 tháng còn lại trong năm.

Luận điểm mà các nhà kinh tế thiển cận là ‘bấu víu’ vào sự chênh lệch và ‘lãng phí’ thời gian của những ngày Tết trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tôi xin phản biện bằng những cứ liệu thuần kinh tế học. Một là, cho dùng có ảnh hưởng rất ít về một khoảng thời gian nhất định (gọi là 3 ngày Tết), nhưng xuất siêu chỉ 10 tỷ USD, nên cho dù tiết kiệm vài ngày Tết thì mức tăng cũng không đáng kể. Nếu kinh tế sản xuất và xuất nhập khẩu có thể chịu ảnh hưởng (không đáng kể) bởi Tết thì kinh tế du lịch, dịch vụ lại cần thời gian chi tiêu, tức số ngày nghỉ cần thiết. Cũng chính vì vậy mà nhiều nền kinh tế phát triển như Phần Lan đã dự kiến áp dụng chính sách làm việc 4 ngày/tuần.

Tết và kinh tế nông nghiệp

Việt Nam kế thừa nền văn minh nông nghiệp sớm nhất của nhân loại kể từ hậu kỳ Hoà Bình. Hầu như tất cả nền sản xuất nông nghiệp xoay quanh và hội tụ vào thiết chế văn hoá Tết. Thừa hưởng di sản của tiền nhân, đến nay kinh tế nông nghiệp của Việt Nam đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong tổng quan nền kinh tế của quốc gia. Nếu không kể phân khúc kinh tế đầu tư trực tiếp nước ngoài thì nông nghiệp và xuất khẩu nông sản chiếm tỷ phần quan trọng nhất với hàng chục sản vật đạt doanh thu và doanh thu xuất khẩu hàng tỷ, hàng chục tỷ USD.

Các tập đàn kinh tế công nghiệp cũng gần đây mở rộng lĩnh vực đầu tư sang nông nghiệp để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu mang lại sự cân bằng ngoại tệ.

Văn hoá Tết là tinh hoa của thời đại nông nghiệp.

Nếu như Việt Nam đã bị tụt hậu so với các quốc gia công nghiệp nhiều thập kỷ, thì với nông nghiệp, Việt Nam lại có nhiều ưu thế dẫn đầu. Kinh tế nông nghiệp của người Việt đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người dân, không cần đầu tư hay chuyển giao công nghệ và mua sắm nhiều máy móc thiết bị như đối với công nghiệp.

Mỗi người nông dân Việt Nam là một kho tàng tri thức truyền lại từ hàng nghìn năm. Cho dù các giáo sư nông học có nghiên cứu ra những loại cây trồng ngắn hạn năng suất cao nhưng lại kém phẩm chất và chứa nhiều hoá chất, thì mọi người quay lại lối canh tác truyền thống, thậm chí là hài hoà với tự nhiên, bảo đảm vệ sinh và chất lượng, từ đó bảo vệ được môi trường với giá trị kinh tế mang lại (như du lịch, sức khoẻ…) còn cao hơn cách làm theo tư duy công nghiệp năng suất (lợi bất cập hại).

Chỉ khi sang Việt Nam trải nghiệm một chuỗi thiết chế văn hoá Tết với sản phẩm vật thể và phi vật thể, đa số du khách sống tại các quốc gia văn minh hơn (công nghiệp) mới nhìn ra những điều hay, những nét sống đẹp hài hoà đậm tính Minh Triết của Tết Việt. Trong khi kinh tế công nghiệp được đo lường bởi các chỉ số khô khan lý tính (rational values), thì kinh tế mềm Tết Việt lại được cảm nhận sâu sắc hơn, thậm chí là có giá trị hơn (emotional values) và thật đáng tiếc, hình như các nhà kinh tế thiển cận không nhìn ra phần giá trị mềm này.

Hàng triệu người Việt sống tại các nước phát triển như Mỹ, Canada, Pháp, Úc hay Đông Âu… tuyệt đại đa số ủng hộ mà gìn giữa Tết Việt trong những điều kiện thiếu thốn sản phẩm Tết. Không những vậy họ còn bền bỉ giáo dục và truyền dạy cho con cháu.

Tết và kinh tế du lịch

Bất kỳ một du khách Tây nào đang rong ruổi về những miền quê Việt Nam vào dịp Tết sẽ được chào đón một cách không vụ lợi, được mời về nhà, được ‘thết đãi’ và xem như một thành viên trong gia đình.

Giá trị kinh tế này có lẽ nằm ngoài tư duy của các ‘nhà kinh tế’ thiển cận.

Hàng trăm khách sạn và địa danh du lịch đang hưởng ứng Tết bằng cách tổ chức các lễ hội Tết Việt, như vừa được tổ chức tại TP. HCM. Chỉ có ngày Tết du khách mới có dịp khám phá một kho tàng ẩm thực đồ sộ mà trong 11 tháng còn lại trong năm họ khó có thể tìm thấy. Cho nên việc tái hiện và nhân rộng ẩm thực Tết, lễ hội Tết là dịp hình thành nhiều giá trị, nhiều ‘dòng tiền’ gắn Tết vào du lịch.

Bởi vì theo truyền thống nhiều ngàn năm, đối với người Việt Nam, những gì tốt đẹp nhất đều được dành cho những ngày Tết. Văn minh làng xã, hội làng, tín ngưỡng dân gian, sản vật nông nghiệp… được hội tụ và thăng hoa vào những ngày Tết. Việt Nam cũng đang được xếp hạng cao về du lịch cộng đồng, tiềm năng này được so sành ngang bằng hoặc cao hơn cả cường quốc du lịch Thái Lan.

Chiến lược khác biệt trong cạnh tranh

Giáo sư Michael Porter có lẽ là một trong những chiến lược gia uy tín của thế giới, khi bàn về lợi thế cạnh tranh quốc gia đã nhiều lần đề cập chiến lược khác biệt trong quá trình hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia.

Dựa trên luận điểm này hẳn chúng ta thấy sự khác biệt (không trùng ngày) giữa mùa Tết Việt so với Giáng Sinh và Ngày năm mới Dương lịch. Nghĩa là khách du lịch có dịp trải nghiệm Tết Việt mà không trùng với mùa Giáng Sinh và Năm Mới vốn là dịp họ sum họp gia đình chứ không đi du lịch.

Diễn biến tích cực là sau nhiều năm, nhiều nước trên thế giới có số đông cộng đồng người Việt và người Á Đông sinh sống như Mỹ, Úc, Canada… đã tránh dùng tên gọi chính thống của Tết Nguyên đán là Chinese New Year mà thường chuyển sang gọi chung là Lunar New Year, bởi họ biết Tết Nguyên đán là di sản chung của cả người Á Đông (chưa kể trong giới nhiên cứu chúng tôi đã chứng minh Tết Nguyên đán là Tết Việt). Cùng với phở, bánh mì, cà phê sữa đá… Tết ngày càng được ghi nhận bằng ngôn ngữ gốc và ghi vào các bộ từ điển ngôn ngữ trên thế giới.

Tính chất nhân văn của văn hoá Tết

Từ thế kỷ 19 cho đến Thế chiến thứ II, thế giới bị ảnh hưởng văn minh phương Tây. Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 này đã cân bằng ảnh hưởng qua lại giữa Á-Âu không chỉ vì công nghiệp và kinh tế mà sâu sắc hơn đó là về mặt văn hoá.

Văn hoá Việt Nam có thể tóm gọn một số thiết chế tiêu biểu nhất. Thứ nhất là phong tục tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên mà đỉnh cao là thờ cúng Vua Hùng (Di sản UNESCO công nhận). Thứ hai là nền văn hoá Đông Sơn rực rỡ. Thứ ba là thiết chế văn hóa Tết Việt… Tuy nhiên, về mặt siêu hình, cả ba đều hội tụ ở một biểu tượng văn hoá đó là Tết. Và nếu mất đi văn hoá Tết thì đơn giản toàn bộ ‘bộ ba thiết chế văn hoá’ ấy sẽ sụp đổ, và mất văn hoá nghĩa là mất nước, vong thân…

Xuất khẩu Tết Việt

Một luận điểm thuần ‘kinh tế học’ và là tiềm năng to lớn khi người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài lên đến trên 5 triệu người.

Một sản phẩm rất cụ thể (trong số hàng năm sản phẩm văn hoá Tết) là hoa mai Việt Nam, trong 10 năm gần đây đã vượt qua hàng rào giống cây trồng khắt khe của nước Mỹ, có mặt ở chợ Little Saigon tại Orange County. Một mặt hàng Tết khác đó là bánh chưng, sau nhiều năm vận động cuối cùng đã được cho phép bày trên kệ hàng siêu thị người Việt tại Mỹ, và cùng với giò chả, nem, dưa chua… là hàng chục sản phẩm ngày Tết. Tổng hoà thiết chế này sẽ hình này một nền kinh tế xuất khẩu Tết Việt ra khắp thế giới trong một tương lai không xa.

Nếu Hàn Quốc có một thập niên chuyển mình xuất khẩu văn hoá và quảng bá hình ảnh quốc gia thành công rực rỡ được thực hiện một cách bài bản ở tầm quốc gia được xếp hạng thứ 15 toàn cầu về thương hiệu quốc gia, thì với Việt Nam, đó hoàn toàn có thể là một chiến lược quảng bá hình ảnh văn hoá Tết Việt. Có thể học hỏi Hàn Quốc từ những cách làm truyền thông tổng lực nhờ vào ‘Học viện chiến lược Samsung’ làm chủ đạo và là nhạc trưởng của chiến lược quảng bá quốc gia Hàn Quốc như chúng ta đã biết.

(*) Chuyên gia Võ văn Quang là thành viên chính thức của Đại hội Marketing Thế Giới 2019 và là Thành viên Ban soạn thảo Chiến lược Quảng bá Hình ảnh quốc gia.