Giá xăng dầu trong nước: cung - cầu, cách tính và dự báo

Nhật Hạ - 17:50, 08/07/2022

TheLEADERXu hướng giảm nhập khẩu và tăng nguồn cung trong nước không làm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Cách duy nhất để điều chỉnh giá xăng dầu trong nước là giảm thuế.

Xu hướng giảm nhập khẩu xăng dầu của Việt Nam

Nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên cả nước trung bình mỗi năm ở mức 20,5 – 21 triệu tấn.

Trong đó, nguồn cung từ sản xuất trong nước mới đáp ứng được 70% tổng nhu cầu, chủ yếu đến từ hai nhà máy lọc dầu: Dung Quất (30% thị phần tại Việt Nam) và Nghi Sơn (35-40% thị phần), còn 30% còn lại vẫn phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm.

Trong 5 năm qua (2017 – 2021), bình quân mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 9,9 triệu tấn xăng dầu thành phẩm các loại. Xu hướng nhập khẩu giảm dần trong giai đoạn này khi nguồn cung ứng từ các nhà máy lọc dầu trong nước tăng lên đáng kể.

Vì sao giảm thuế đang là cách duy nhất để điều chỉnh giá xăng dầu trong nước?
Vì sao giảm thuế đang là cách duy nhất để điều chỉnh giá xăng dầu trong nước? 1

5 thị trường nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chính của Việt Nam gồm Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Trung Quốc, khi chiếm khoảng 96 – 99% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu trong giai đoạn 2017 – 2021.

Đây là những thị trường Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do đã ký như mặt hàng xăng nhập khẩu từ Hàn Quốc (thuế nhập khẩu 10%, các khu vực thị trường khác 20%) và dầu DO nhập khẩu từ các nước ASEAN (thuế nhập khẩu 0%, các thị trường khác 5-7%).

Tuy nhiên, vào tháng 1/2022, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn ‘đột ngột’ cắt giảm công suất xuống 80% do khó khăn tài chính khiến nguồn cung xăng dầu trong nước giảm xuống trầm trọng. Đến giữa tháng 6, nhà máy này vẫn chưa có cam kết nào về số lượng cung ứng thời gian tới, đại diện Bộ Công thương cho biết trong cuộc họp báo gần đây.

Do đó, để bù đắp lượng thiếu hụt trên, các doanh nghiệp đã phải tăng nhập khẩu xăng dầu. Trong 5 tháng đầu năm nay, Việt Nam đã nhập khẩu gần 4,2 triệu tấn xăng dầu các loại, bằng 60% tổng nhập cả năm 2021.

Dự kiến, lượng xăng dầu thành phẩm được nhập khẩu trong năm nay khoảng 7,4 triệu tấn, tăng khoảng 1 triệu tấn so với kế hoạch trước đó. Trong khi đó, tổng nhu cầu xăng dầu trong nước khoảng 20,6 triệu tấn.

Như vậy, lượng xăng dầu nhập khẩu đang bằng một phần ba tổng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Thực tế, tỷ trọng này đã giảm mạnh so với 10 năm trước.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, năm 2010, sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước là 16,3 triệu tấn, trong đó nhập khẩu khoảng 11,6 triệu tấn, tương đương khoảng 71%. Còn năm 2000, tỷ lệ nhập khẩu xăng dầu là khoảng 92%.

Tuy nhiên, xu hướng giảm nhập khẩu và tăng nguồn cung trong nước không làm giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Bởi, theo công thức tính trong Nghị định 95/2021, giá cơ sở xăng dầu (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.

Trong đó, giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu và giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước đều được tính dựa trên giá xăng dầu thế giới.

Điều đó cho thấy, giá xăng dầu trong nước gần như biến động theo giá thế giới.

Bộ Công thương cho biết hiện tất cả các quốc gia, vùng lãnh thổ đều tiếp cận mức giá như nhau trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang chọn thị trường Singapore là cơ sở duy nhất để tính giá xăng dầu.

Giảm thuế đang là cách duy nhất để điều chỉnh giá xăng dầu trong nước

Lý giải về việc giá xăng dầu trong nước lại tính theo giá thế giới, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) cho biết, hiện nay, nguồn dầu thô phục vụ vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chủ yếu là nguồn dầu thô trong nước (dầu ngọt Bạch Hổ và các chủng loại dầu tương đương, chiếm khoảng 90%) và dầu thô nhập khẩu chiếm 10%, trong khi đó Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn sử dụng 100% dầu thô nhập khẩu từ Kuwait.

Theo thông lệ mua bán dầu thô trên thế giới, bên mua và bên bán sử dụng một loại dầu chuẩn để làm tham chiếu giao dịch, đối với dầu thô Việt Nam hiện nay đang sử dụng dầu chuẩn Dated Brent để giao dịch, còn đối với dầu thô từ Kuwait sử dụng dầu chuẩn Dubai và Oman làm tham chiếu do Tạp chí Platt’s công bố trong các hợp đồng mua bán dầu thô.

Trên thực tế, theo cơ chế bán dầu thô hiện nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất khi mua dầu thô Việt Nam để chế biến vẫn phải tham gia chào mua cạnh tranh với các nhà máy lọc dầu trong khu vực theo giá quốc tế. Ngoài ra, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất còn phải nhập khẩu thêm lượng dầu thô thiếu hụt.

Giai đoạn các nhà máy lọc dầu trong nước chưa đi vào vận hành thương mại, xăng dầu được nhập khẩu để tiêu thụ trong nước chủ yếu từ các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia… theo giá quốc tế được công bố bởi Tạp chí Platt’s của Singapore.

Sau khi có các nhà máy lọc dầu trong nước, giá mua dầu thô và bán sản phẩm xăng dầu của các nhà máy lọc dầu đều được định giá mua bán trên cơ sở giá thế giới theo thông lệ thị trường quốc tế, tương tự như các nhà máy lọc dầu trong khu vực.

Vì sao giảm thuế đang là cách duy nhất để điều chỉnh giá xăng dầu trong nước? 3
Số liệu ngày 4/7/2022 theo Gas Petrol Price

Cập nhật giá xăng của trang Gas Petrol Price ngày 4/7/2022, giá xăng trung bình trên thế giới ở mức 1,46 USD mỗi lít.

Theo nguyên tắc chung, các nước phát triển có giá xăng cao hơn đáng kể so với các nước kém phát triển hơn và các nước sản xuất - xuất khẩu dầu.

Sự khác biệt về giá giữa các quốc gia là do các loại thuế và trợ cấp xăng dầu khác nhau mặc dù các quốc gia đều được tiếp cận với giá xăng dầu như nhau trên thị trường quốc tế.

Do đó, cách duy nhất để giảm mức tăng của giá xăng dầu trong nước trước bối cảnh biến động của thị trường xăng dầu thế giới là giảm thuế.

Trong cơ cấu giá cơ sở, mỗi lít xăng dầu bán ra phải chịu 4 loại thuế, gồm thuế giá trị gia tăng (thuế suất 10%); thuế nhập khẩu (10%); thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%) và thuế bảo vệ môi trường (1.000-4.000 đồng/lít).

Giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần trong năm nay, trong đó tăng giá 13 lần, giảm 4 lần. Mỗi lít xăng E5 RON 92 hiện tối đa ở mức 30.890 đồng, RON 95-III ở mức 32.760 đồng, tăng lần lượt 8.340 - 9.470 đồng so với cuối năm 2021.

Trong bối cảnh giá xăng dầu tăng cao, ngày 6/7, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã đồng ý giảm thuế bảo vệ môi trường của xăng dầu về mức sàn trong khung thuế từ ngày 11/7/2022 đến 31/12/2022.

Dự báo giá xăng dầu trong thời gian tới

Hiện nay, thị trường xăng dầu thế giới đang biến động mạnh. Sau khi chạm mức cao nhất trong 10 tuần ở hơn mức 125 USD/thùng vào giữa tháng 6, giá dầu thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất 2 tháng khi chốt phiên giao dịch ngày 5/7. Nguyên nhân chính đến từ nỗi lo về suy thoái kinh tế toàn cầu, vượt qua cả tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nguồn cung dầu từ Nga.

Mặc dù vậy, các tổ chức tài chính lớn trên thế giới hiện vẫn đang giữ mức dự báo cao đối với giá dầu. Như Bullish Goldman Sachs cho rằng hợp đồng tương lai của dầu Brent đạt trung bình 135 USD/ thùng trong khoảng thời gian từ nửa cuối năm 2022 đến nửa đầu năm sau, trong khi Standard Chartered ước tính giá dầu Brent trung bình ở mức 103 USD/ thùng trong năm nay.

Bên cạnh đó, Goldman đang dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 125 USD/ thùng trong năm 2023, cao hơn 50 USD so với lần dự báo cuối của Citigroup.

Theo thống kê của S&P Global về dự báo của 10 ngân hàng đầu tư và tổ chức tài chính, mức giá dự báo trung bình của giá dầu Brent là 112 USD/ thùng trong năm nay và giảm xuống mức 100 USD/ thùng vào năm 2023.

Ngân hàng đầu tư UBS nghiêng về phía tăng giá với dự đoán giá dầu sẽ giữ ở khoảng 125 USD/thùng, bởi lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ nhiều nguyên nhân như tình trạng bất ổn xã hội mới nhất ảnh hưởng đến sản xuất dầu ở Libya và Ecuador.

JPMorgan Chase ngày 1/7 cũng đưa ra cảnh báo rằng, giá dầu Brent có thể tăng lên mức 380 USD/ thùng vào cuối năm nay nếu Nga cắt giảm sản lượng 5 triệu thùng dầu mỗi ngày để ‘đáp trả’ các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Trong khi đó, việc OPEC có sẵn sàng tăng nguồn cung trong những tháng tới hay không vẫn đang ‘bỏ ngỏ’ khi nhiều nước thành viên không thể đạt hạn ngạch do cơ sở hạ tầng xuống cấp, thiếu đầu tư hoặc bất ổn chính trị. Điều này đã khiến lo ngại về thiếu hụt nguồn cung ngày càng gia tăng.

Trái với dự báo tăng giá thời gian tới, vào ngày 5/7, Citigroup cho rằng, giá dầu Brent có thể giảm xuống còn 65 USD/ thùng vào cuối năm nay và xuống còn 45 USD/ thùng vào cuối năm 2023 nếu suy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng làm giảm nhu cầu năng lượng. Tuy nhiên, ngân hàng chỉ dành 10% khả năng xảy ra đối với kịch bản suy thoái này.

Platts Analytics dự báo nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng thêm 2,8 triệu thùng/ ngày vào năm 2022 và 2,4 triệu thùng/ ngày vào năm 2023 và giá dầu Brent trung bình năm nay ở mức 106 USD/ thùng và 90 USD/ thùng vào năm 2023.