Giá xăng dầu trong nước tiếp tục phá kỷ lục và có thể chưa dừng lại

Nhật Hạ - 16:21, 21/06/2022

TheLEADERGiá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng nhẹ trong chiều nay. Tuy nhiên, đà tăng chưa thể dừng lại khi giá thế giới được nhiều chuyên gia dự báo vẫn tiếp tục tăng.

Giá xăng dầu trong nước tiếp tục phá kỷ lục và có thể chưa dừng lại
Giá xăng E5RON92 tăng lên 31.302 đồng/lít.

Liên Bộ Công thương – Tài chính tiếp tục nâng giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu từ 15h ngày 21/6.

Theo đó, mỗi lít, giá xăng E5RON92 tăng 185 đồng; xăng RON95-III tăng 498 đồng; còn giá dầu diesel tăng 999 đồng; dầu hỏa tăng 946 đồng; dầu mazut tăng 378 đồng mỗi kg.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 tối đa ở mức 31.302 đồng/lít; RON95-III ở mức 32.873 đồng/lít. Giá dầu diesel không cao hơn 30.019 đồng/lít, dầu hoả 28.785 đồng/lít, dầu mazut ở mức 20.735 đồng/kg.

Trong kỳ điều hành này, liên bộ thực hiện trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu (Quỹ BOG) trên mỗi kg dầu mazut 300 đồng.

Bên cạnh đó, cơ quan này còn thực hiện chi Quỹ BOG đối với mỗi lít dầu diesel ở mức 400 đồng (như kỳ trước) và tăng chi đối với mỗi lít dầu hỏa ở mức 400 đồng (kỳ trước chi 300 đồng/lít).

Kỳ điều hành lần này, do giá các mặt hàng xăng dầu đều có xu hướng tăng, nhất là dầu diesel và dầu hỏa có biến động tăng cao, mặc dù Quỹ BOG đang ở mức khá thấp nhưng Liên Bộ Công Thương – Tài chính cho biết vẫn quyết định tiếp tục sử dụng linh hoạt công cụ Quỹ BOG nhằm hạn chế mức tăng của giá mặt hàng dầu để hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.

Tính từ đầu năm tới nay, trong tổng số 16 kỳ điều hành giá có tới 13 lần giá xăng dầu tăng, chỉ 3 lần giảm. Giá xăng trong nước từ đầu năm đến nay đã tăng 8.410 - 8.990 đồng/lít.

Trên thế giới, thị trường xăng dầu trong thời gian giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động

Giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu lại có xu hướng tăng, nguyên nhân là do nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới tiếp tục bị hạn chế bởi việc cấm vận hàng từ Nga của Mỹ và các nước châu Âu; nguồn cung cũng bị ảnh hưởng do bất ổn chính trị tại Lybia gây gián đoạn hoạt động sản xuất, Mỹ ban bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran, sản xuất xăng dầu tại một số nước OPEC+ vẫn chưa đạt được mức hạn ngạch sản xuất của mình…

Trong khi nhu cầu vẫn cao trong tiến trình phục hồi kinh tế của các nước (mặc dù cầu có giảm nhẹ khi các ca mắc Covid-19 tại Trung Quốc gia tăng nhưng đã không giúp giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm).

Giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm trong hơn 10 ngày qua đã tăng mạnh, nhất là các mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa.

Cụ thể, giá xăng RON92 (loại dùng pha chế xăng E5RON 92) tăng 0,21% lên mức 149,593 USD/thùng. Xăng RON95 là 156,21 USD/thùng, tăng 0,95%. Dầu diesel 0.05S ở mức 172,565 USD/thùng, tăng 3,59%; dầu hỏa ở mức 169,25 USD/thùng, tăng 3,87%; dầu mazut là 649,172 USD/tấn, tăng 2,08%.

Theo Reuters, giá dầu thế giới tiếp tục biến động mạnh trong phiên 20/6 với xu hướng chung là tăng khi thị trường tập trung vào việc nguồn cung bị thắt chặt cho dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Thực tế đang xảy ra 2 chiều hướng đối lập. Ông Andrew Lipow, Cố vấn về dầu mỏ của Houston cho biết: một mặt là các biện pháp trừng phạt đối với nguồn cung dầu từ Nga đang hỗ trợ cho giá dầu, mặt khác là giá cao dẫn đến một số nhu cầu bị hạn chế.

Trong thời gian tới, cầu về xăng dầu có thể giảm do khả năng xảy ra suy thoái sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) quyết định tăng lãi suất mạnh nhất (0,75%) trong hơn 1/4 thế kỷ vào giữa tuần trước nhằm kiềm chế đà tăng của lạm phát.

Cũng trong tuần trước, các ngân hàng trung ương lớn như Anh, Thụy Sĩ cũng có cách tiếp cận tương tự như FED.

Nhà phân tích Charsten Fritsch của Commerzbank cho biết: Sự sụt giảm mạnh của giá dầu thế giới vào phiên cuối tuần trước có thể được coi là một phản ứng trì hoãn đối với những lo ngại về cuộc suy thoái vốn đã đè nặng lên giá các mặt hàng trong thời gian qua”.

Trong khi đó, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc từ Nga trong tháng 5 đã tăng 55% so với một năm trước đó lên mức cao kỷ lục. Vì vậy, Nga đã thay thế Ả Rập Xê Út, để trở thành nhà cung cấp hàng đầu của quốc gia đông dân nhất thế giới.