Giải mã ADN của một "công ty global"

Phùng Lê Lâm Hải, Chủ tịch SAADO Holdings - 08:53, 19/05/2022

TheLEADERVươn ra các thị trường toàn cầu là điều mà rất nhiều doanh nghiệp tham vọng và tuyên bố sẽ thực hiện nhưng nếu thiếu 3 thành tố cơ bản trong bộ gen của doanh nghiệp, ‘đi global’ sẽ mãi là giấc mơ.

Giải mã ADN của một "công ty global"
Việc vươn ra toàn cầu đòi hỏi sự cộng hưởng của nhiều yếu tố.

“Hải, công ty anh có thể đi global được không?”. 

“Em nghĩ không”, tôi đáp lại câu hỏi của một người anh là nhà sáng lập một công ty có quy mô khá lớn, doanh số nghìn tỷ, nhân sự đông: 

“Tại sao”? Dùng câu hỏi tương tự, tôi hỏi anh: “Vì sao anh lại hỏi em như vậy”?

“Vì trong ánh mắt của em, anh thấy được em không tin vào những gì anh dự định làm”, anh trả lời. “Đúng anh”, tôi đáp lại.

“Đúng sao?”, anh hỏi tiếp. “Em không thấy quy mô công ty anh gần ngàn tỷ, anh em đông như quân nguyên sao”?

Nhìn thẳng vào mắt anh, tôi trả lời: “Một công ty global không phải cứ doanh số phải lớn và anh em phải rất đông anh ạ. Công ty global phải có ADN của nó. Công ty anh rất tuyệt và anh là lãnh đạo giỏi nhưng chưa có ADN đó”.

Bộ ADN này bao gồm ba yếu tố quan trọng. Thứ nhất, doanh nghiệp phải thông minh hơn.

Tiến vào thị trường ngoài Việt Nam trong vị thế là một công ty FDI, doanh nghiệp sẽ không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ nước sở tại vì chưa đủ quy mô và đôi khi còn được xem là công ty vào cạnh tranh với các công ty nội địa của họ. Nếu không có nội lực thực sự thì dễ bị đánh bật vì mỗi quốc gia đều có những rào cản nhất định hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận và phát triển tại môi trường kinh doanh của của họ nhằm bảo vệ các doanh nghiệp trong nước.

Vì thế, doanh nghiệp kinh doanh ở nước ngoài phải dựa trên năng lực khi không thể dựa vào các mối quan hệ hay lợi thế cạnh tranh có sẵn như khi ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, có thể nhanh là sẽ thắng nhưng ở nước ngoài, doanh nghiệp không chỉ cần nhanh mà còn phải thông minh, thể hiện qua một mô hình kinh doanh giảm bớt chi phí gia nhập và phát triển thị trường.

Chẳng hạn, mở một nhà hàng F&B ở nước ngoài rất khó, thường phải mất khoảng 5 năm mới phủ được thị trường nếu theo cách làm cũ trong khi mở nhiều nước cùng lúc lại không đảm bảo về năng lực quản trị và nguồn lực tài chính.

Thứ hai, cần phải có ADN về một công ty tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới – “world-class level”!

Về bản chất, yếu tố này liên quan đến con người. Những ai điều hành doanh nghiệp trên 5 năm có lẽ đã cảm nhận được sự kém hoà hợp về văn hoá và thậm chí còn gây xáo trộn nặng nề khi lãnh đạo nào đó ra đi do không được ghi nhận phù hợp, đặc biệt là khi việc xử lí truyền thông và cách ứng xử lúc chia tay ở các startup Việt còn thiếu tính chuyên nghiệp.

Khi quản lý công ty ở quy mô đa quốc gia, sự hoà hợp về mặt văn hoá là yếu tố sống còn. Một công ty tốt có thể chọn đào tạo hoặc tuyển đúng người, cũng có khi là cả hai.

Tuy nhiên, tuyển dụng đúng người lãnh đạo phù hợp với công ty là lựa chọn thông minh hơn, giúp doanh nghiệp đi nhanh hơn, trở thành ưu tiên số 1 của nhiều công ty đi global. Đại học Harvard có nhiều sinh viên giỏi nhưng vấn đề không phải từ chương trình đào tạo mà nằm ở khâu đầu vào, quá trình lọc sinh viên mới rất khắt khe, ai cũng đã là những người rất xuất chúng.

Vì vậy, cách tiếp cận về con người và tiêu chuẩn lựa chọn sau nhiều vòng phỏng vấn sẽ khẳng định một doanh nghiệp có phải là công ty global hay không.

Trong khi đó, việc đào tạo người tài cũng là một lựa chọn nhưng thường mất rất nhiều thời gian và có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội. Việc đào tạo ở quy mô lớn lại khó đảm bảo ng lực lượng kế thừa đủ năng lực quản trị khi đi global.

Thứ ba, lãnh đạo phải cam kết cho tầm nhìn và sứ mệnh khi đã vượt qua câu chuyện "cơm, áo, gạo, tiền".

Chọn tham vọng hay tham tiền sau khi kết thúc quá trình khởi nghiệp là một câu hỏi không dễ trả lời cho các doanh nhân. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam chưa sẵn sàng và hoàn toàn hỗ trợ cho các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa chạm được ước mơ lớn. Khi không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp chọn sự… vừa đủ, muốn an toàn thay vì tham vọng.

Những doanh chủ nào nhìn nhận được khó khăn nhưng vẫn lựa chọn dấn thân để thực hiện sứ mệnh thì mới đi global được.

Trở lại với người anh kia, tôi nói: “Thứ nhất, em có thể giúp anh. Nhưng thứ hai, em chưa thấy ở anh bộ ADN này. Thứ ba, khi ở tâm thế này, tâm thế của lãnh đạo sẽ là trọng thị và cầu tài, em nghĩ vậy. Do đó em chưa thấy anh đủ khả năng đi được global mặc dù quy mô doanh số bên anh không nhỏ”.

ADN là thứ có có thể cấy được nhưng phải đảm bảo tính tương thích. Nhiều doanh nghiệp chưa biết đến các tiêu chuẩn này để có thể đi ra toàn cầu, nhưng kể cả khi đã biết, việc đi ra các thị trường toàn cầu cũng khó nếu các yếu tố đã bàn không phù hợp để cấy vào doanh nghiệp .