Giám đốc tài chính hay kế toán trưởng đều cần phải có cảm xúc với những con số

Đặng Hoa - 08:28, 10/05/2019

TheLEADERNhiều doanh nghiệp hiện nay đang đua nhau kiếm tiền nhưng lại quên mất “người vợ” của mình là kế toán trưởng - người giữ tiền và cũng chính là hậu phương vững chắc.

Cách đây không lâu, một doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ, từng đạt giải thưởng Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực phần mềm đã phải bán lại đứa con tinh thần của mình cho Vingroup. Ba nhân sự chủ chốt của công ty này cũng phải sang làm việc cho Vingroup trong vòng 3 năm.

Trước đó, với phần mềm camera có sử dụng trí tuệ nhân tạo, công ty này đã phát triển được trong vòng 6-7 năm, doanh thu ổn định.

Dù kỳ vọng cao và hoạt động kinh doanh hiệu quả tuy nhiên do không có kế hoạch tài chính, bộ phận kế toán hoạt động như một cỗ máy thống kê, cứ có tiền lại chi tiêu lung tung dẫn đến mất khả năng thanh toán khoản vay tín chấp ngân hàng ngắn hạn.

Kết quả là doanh nghiệp này đứng trước một khoản nợ khổng lồ bao gồm 52 tỷ đồng nợ ngân hàng và 33 tỷ đồng nợ cá nhân.

Một kế toán trưởng của ngân hàng nông nghiệp sau đó được Vingroup thuê để hoạch định lại toàn bộ hệ thống tài chính-kế toán của doanh nghiệp kia đã phải sửng sốt, không hiểu tại sao họ có thể tồn tại trong thời gian dài như vậy.

“Mọi sự đều bắt nguồn từ bộ phận kế toán”, chuyên gia tư vấn, đào tạo tài chính-kế toán Lê Cẩm Vân, Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại Danny kể lại và cho rằng các doanh nghiệp hiện nay, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang không nhận thức rõ vai trò của bộ phận kế toán, nghĩ rằng công việc này rất đơn giản, chỉ liên quan đến số liệu thu, chi, trừ đi sẽ ra lãi.

Cũng vì vậy mà nhân sự của bộ phận kế toán, thậm chí một vị trí quan trọng như kế toán trưởng tại nhiều công ty được lựa chọn một cách bừa bãi, chủ yếu sử dụng người thân.

Thế nhưng trên thực tế, để vận hành doanh nghiệp, để lên lãi một cách chính xác nhất lại không hề đơn giản như vậy. Có những chi phí được tính bằng tiền thì sẽ rất rõ ràng nhưng chi phí thời gian, cơ hội và nguồn lực lại không được tính đến.

Và đến khi doanh nghiệp có cơ hội cất cánh thì bị níu lại bởi hệ thống hoạt động không rõ ràng, không minh bạch và không thể chứng minh được cho nhà đầu tư là công ty đang hoạt động tốt. Lúc này, doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội.

Kế toán trưởng không cần là một người xuất sắc như một giám đốc tài chính, nhưng phải là người có khả năng hoàn thành tốt công việc và đặc biệt là phải có cảm xúc với những con số.

Doanh nghiệp nào cũng muốn tuyển kế toán trung thực nhưng không cho phép họ trung thực
Chuyên gia tư vấn, đào tạo tài chính-kế toán Lê Cẩm Vân

“Tôi hay nói với nhân viên rằng các bạn làm số liệu nhưng không hề có cảm xúc với số liệu đó. Các bạn nhìn con số 1 tỷ với 1.000 tỷ như nhau, không hề giật mình”, bà Vân nói.

Theo vị chuyên gia này, khi thấy có kết quả bất thường, bộ phận kế toán phải ngay lập tức có ý kiến, đề nghị giải trình từ các bộ phận liên quan và đưa ra cảnh báo với chủ doanh nghiệp trước những nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra.

Kế toán trưởng phải làm việc theo đúng cái tâm. Họ không phải người tạo ra các số liệu nhưng phải là người biết số liệu đó phục vụ cho các công việc của doanh nghiệp như thế nào thay vì như một con robot chỉ biết tổng hợp, cung cấp số liệu chính xác mà không hề có ý kiến, không hề có cảm xúc với những số liệu mình đưa ra.

Bà Vân cũng nhìn nhận, làm kế toán không dễ nếu không muốn nói là khổ trăm đường. Doanh nghiệp nào tuyển dụng kế toán cũng đòi hỏi một người có tố chất trung thực nhưng lại bắt họ không được trung thực.

Khi làm việc với ngân hàng thì phải làm thế nào để tối đa hoá lợi nhuận nhưng làm việc với thuế thì phải tìm cách giảm lợi nhuận đến mức thấp nhất.

Nói về thuế, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn yêu cầu bộ phận kế toán tìm cách trốn thuế nhưng theo nhiều chuyên gia cách làm tốt nhất là tiết kiệm thuế theo một chiến lược về chính sách và tài chính rõ ràng ngay từ đầu.

“Nhiều người cho rằng tôi làm 10 đồng, đóng thuế 2 đồng thì sẽ mất luôn 2 đồng đó. Nhưng với vị trí chủ doanh nghiệp, họ cần hiểu rằng thuế được Nhà nước dùng vào mục đích gì, đóng thuế là nghĩa vụ và quyền lợi bởi những giá trị từ thuế được chia sẻ cho cả cộng đồng mà doanh nghiệp cũng là người hưởng lợi”.

Bên cạnh đó, nhiều người đã xác định được rằng rất khó để trốn thuế. Có thể trốn thuế ở một thời điểm nhưng khi bị quyết toán thì còn kinh khủng hơn vì ngoài tiền thuế truy thu, doanh nghiệp còn bị phạt với lãi suất cao hơn cả lãi suất ngân hàng.

Vì trốn từng đồng thuế, không cho doanh thu chạy qua tài khoản ngân hàng nên khi gặp khó khăn về mặt tài chính, doanh nghiệp gần như không thể vay vốn, gặp rất nhiều vấn đề.

Như vậy, vai trò của kế toán trưởng lúc này là dùng các quy định của luật để lách luật, thay vì nộp thuế này thì nộp thuế kia để tiết kiệm cho doanh nghiệp mà vẫn làm đúng luật.

“Chẳng hạn, cùng là đánh thuế thu nhập cá nhân nhưng với thu nhập từ đầu tư vốn thì chỉ nộp thuế 5% trong khi thu nhập từ tiền lương… thì phải đóng tới 35%”, bà Vân lấy ví dụ.

Theo chuyên gia tư vấn, đào tạo quản trị doanh nghiệp Quang Minh, Tổng Giám đốc Bizen Việt Nam, muốn phát triển phải có nguồn đầu tư, nhưng muốn có đầu tư thì phải minh bạch: “Nhiều doanh nghiệp đang tham bát bỏ mâm, trốn mấy đồng thuế nhưng lại bỏ qua rất nhiều lợi ích”.

Rõ ràng, một kế toán trưởng giỏi có kiến thức, khả năng và nhạy bén trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Con đường đi từ một nhân viên kế toán bình thường lên một kế toán trưởng, theo bà Vân, còn tuỳ vào khả năng và khát vọng của người lao động.

Tuy nhiên ở Việt Nam có một vấn đề là giữa đào tạo ở nhà trường và thực hành ở doanh nghiệp lại có một khoảng cách rất xa. Nhà trường đào tạo theo lý thuyết căn bản nhưng phải ra thực tế mới thấy doanh nghiệp có vô vàn vấn đề, mỗi doanh nghiệp lại có những vấn đề khác nhau, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa thường không có hệ thống chuẩn, lúc hoạt động kiểu này, lúc hoạt động kiểu kia, lúc xếp loại thế này, xúc xếp loại thế kia.

“Khi vào các doanh nghiệp này, họ phải có sự năng động, sáng tạo và kiên trì với mục tiêu làm kế toán trưởng. Họ phải đi từng bước, làm từ những việc nhỏ nhất, thành thạo những công việc đơn giản nhất thì mới làm được việc lớn”, bà Vân nhìn nhận.

Tuy nhiên, số bạn trẻ có thể đặt mục tiêu và kiên trì có vẻ còn quá ít ỏi bởi một thực trạng được nữ chuyên gia này chỉ ra là sự ảo tưởng và đòi hỏi quá cao từ các bạn trẻ, họ sẵn sàng nhảy việc nếu không được đáp ứng yêu cầu hoặc không thoả mãn với mức lương trong khi doanh nghiệp sẽ chỉ trả lương cao cho những người thực sự có năng lực chứ không dựa vào bằng cấp.

“Vì nhân sự nhảy việc quá nhiều dẫn đến doanh nghiệp cũng hạn chế mức lương trả cho người lao động, mọi chuyện cứ thế diễn ra và doanh nghiệp không thể nào tìm được kế toán trưởng giỏi, thực sự có tâm và muốn đồng hành, gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp”.

Các bạn trẻ cũng thường có tư duy thích sự hào nhoáng, không thích làm cho các doanh nghiệp quy mô nhỏ nhưng trên thực tế, đó là nơi cho họ cơ hội thể hiện tài năng nhiều nhất.

Bà Vân cũng nhìn nhận ở chiều ngược lại, doanh nghiệp phải nhận thức được rằng trả lương là một chuyện, đối xử với nhân viên thế nào lại là một câu chuyện khác. Vai trò của bộ phận kế toán nói chung và người kế toán trưởng nói riêng cần được đề cao, đó cần được xem là vị trí sống còn trong doanh nghiệp.