CFO đã trở thành đối tác của các CEO
Theo nghiên cứu của MISA, cứ 10 năm vai trò của CFO lại thay đổi, nâng lên tầm cao mới.
Không đơn thuần là người làm công tác kế toán mà giám đốc tài chính hợp tác với CEO, tham gia tích cực, chủ động vào các cuộc họp của lãnh đạo, đưa ra tầm nhìn khác hoặc một số kiến nghị mà trước đây cảm thấy đó không phải là trách nhiệm của mình.
Những việc cần làm ngay với CFO
Trưởng thành qua năm cuộc khủng hoảng, ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc tư vấn chiến lược và triển khai Deloitte Consulting, nhận thấy vai trò ngày càng quan trọng của giám đốc tài chính (CFO) trong doanh nghiệp, nhất là trong thời kỳ xảy ra dịch Covid-19.
Tại diễn đàn CFO Việt Nam lần thứ 12 - IAFEI Asian 2020 tổ chức tại TP.HCM mới đây, ông Huy cho rằng đại dịch đã làm nổi bật vai trò của CFO trong việc khôi phục, chủ động lập kế hoạch để nâng cao khả năng phục hồi, chuẩn bị cho giai đoạn tăng tốc.
Ông Huy nhấn mạnh CFO trước hết là ứng phó với Covid-19 bằng cách, quản lý vốn lưu động và thanh khoản, giảm thiểu tác động do đứt gãy chuỗi cung ứng, tạo điều kiện cho nhân viên làm việc từ xa.
Đồng thời, có năm việc cần làm ngay đối với CFO để doanh nghiệp vươn lên trong điều kiện bình thường mới. Thứ nhất là tái định vị thương hiệu, chỉnh lại mô hình kinh doanh cho phù hợp tình hình.
Thứ hai là khẩn trương số hoá, giúp khả năng quyết định, khả năng ứng biến ngay lập tức khi có biến xảy ra. Mỗi tầng quản lý phải có hệ thống dữ liệu riêng để ra quyết định.
Thứ ba là xác định lại phương thức tổ chức công việc trong tương lai.
Thứ tư là tăng cường khả năng chống chịu với các rủi ro và rủi ro an ninh mạng. Phải bảo đảm người lao động trong môi trường số hoá an toàn, tránh gian lận và rủi ro.
Cuối cùng là tái cấu trúc để duy trì sự phù hợp với tình hình, và nắm bắt cơ hội lớn M&A. Nếu doanh nghiệp đang mạnh khoẻ, có nguồn tiền dồi dào có thể nhanh chóng tìm kiếm cơ hội mua bán sáp nhập để có được khối tài sản mà cả đời tìm chưa được.
“Khi CFO trong các tổ chức có báo cáo tài chính mạnh và dự trữ thanh khoản vững sẽ có nhiều khả năng nắm bắt được cơ hội để đột phá, cải tiến và tận dụng cơ hội tăng trưởng nhờ M&A để vượt trội so với đối thủ cạnh tranh và tăng trưởng nhanh hơn, vững chãi hơn trong giai đoạn phục hồi”, ông Huy nhận xét.
Ông Huy cho rằng, tư duy của CFO đã thay đổi rất lớn, không chỉ là người làm kế toán, báo cáo, mà trở thành nhà hoạch định chiến lược, hợp tác với CEO, tham gia tích cực, chủ động vào các cuộc họp của lãnh đạo, đưa ra tầm nhìn khác hoặc một số kiến nghị mà trước đây cảm thấy đó không phải là trách nhiệm của mình.
CFO cần dẫn dắt việc căn chỉnh các chiến lược tài chính cho phù hợp với chiến lược kinh doanh, lãnh đạo việc triển khai hoạt động đầu tư và vốn hoá của công ty. Ông Huy khuyên các CFO hãy gặp khách hàng ngay lập tức cùng nhà cung cấp, xem họ có sử dụng dịch vụ của mình nữa hay không, để cân chỉnh chiến lược tài chính cho phù hợp. Nếu chỉ tìm mọi cách để giữ tiền thì về lâu dài sẽ có nguy cơ làm vỡ trận chuỗi cung ứng.
Để trở thành một CFO đa năng và sáng tạo
Bàn về cách để CFO có thể trở thành một người đa năng, ông Lê Thành Liêm, thành viên HĐQT, CFO Vinamilk, Phó chủ tịch CLB CFO Vietnam cho biết: “Với vai trò một CFO, cần trao đổi thẳng thắn bằng ngôn ngữ kinh doanh với CEO, với những người đồng nghiệp như giám đốc kinh doanh, tiếp thị, giám đốc chuỗi cung ứng… là cần có, để có những cộng sự đoàn kết.
Làm CFO, kế toán trưởng mà không hiểu kinh doanh thì chúng ta làm cái gì? Suy cho cùng vẫn là kinh doanh, có bán hàng mới giải quyết được tất cả, còn không bán được hàng thì chỉ là người đợi số đến. Phải đồng hành, vì mục tiêu kinh doanh, có kinh doanh, có doanh thu thì mới có tiền”.
Trong vai trò chủ doanh nghiệp, ông Lê Tấn Phước, Chủ tịch Searefico đưa ra nhiều cảnh báo với các doanh nghiệp trong đại dịch, nhất là tình trạng cạnh tranh bằng giảm giá, và nhấn mạnh vai trò tư vấn của CFO.
“Chúng tôi là mô hình tập đoàn, hoạt động trên nhiều lĩnh vực tự động hoá, năng lượng, vật liệu xây dựng… Trong giai đoạn khủng hoảng, ngành xây dựng cực kỳ khó khăn, phải trả tiền mua hàng, nhân công, chi phí phải chi, mà chủ đầu tư lại chậm trả tiền. Có ba từ cần ghi nhớ, đó là huỷ bỏ - cắt bớt số tầng; tạm hoãn - kéo giãn tiến độ; và thúc đẩy chậm thanh toán cho nhà thầu - đặt ra nhiều rào cản kỹ thuật để hoãn trả nợ.
Vẫn biết máu là dòng tiền, nhiều công ty tìm mọi cách giảm giá xuống để thắng thầu, nhưng rất nguy hiểm. Tuy không chết bây giờ, nhưng sang năm sẽ mệt mỏi. Lúc này CFO phải nhảy vào tư vấn chủ doanh nghiệp ngay", ông Phước nói.
Ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch RSM Vietnam cũng chia sẻ vai trò của CFO trong việc thực thi các chính sách liên quan tới thuế.
“Mỗi năm tôi lại thấy CFO thách thức nhiều hơn, phải biết đủ thứ, biết kinh doanh, biết đầu tư, phải chia sẻ với giám đốc bán hàng, giám đốc marketing… doanh nghiệp càng lớn CFO càng phải hiểu biết về quản trị kinh doanh, để có tiếng nói chung.
Riêng về thuế, Bộ Tài chính đưa ra lộ trình để thực thi báo cáo tài chính theo chuẩn quốc tế, cuối năm 2020 lại ban hành quản lý thuế mới, nghị định chuyển giá mới, nghị định thuế về thương mại điện tử có hiệu lực… Trách nhiệm CFO tuân thủ về tài chính, thuế là nội dung rất quan trọng. Chúng ta không thể đơn độc một vị trí mà giải quyết được, phải kết nối với toàn bộ máy, vì chúng ta có lợi thế về dữ liệu”.
Một khó khăn lớn nữa là làm thế nào để chuyển đổi số thành công, trở thành một CFO sáng tạo khi chưa có dữ liệu sạch? Ông Ivan Phạm, Phó tổng giám đốc phòng dịch vụ tư vấn rủi ro Deloitte Việt Nam chia sẻ: “Thế giới mới không phải cá lớn nuốt cá bé, mà là cá nhanh nuốt cá chậm. Chỉ có một thứ bất biến đó là sự thay đổi. Tuỳ theo mức độ bị gián đoạn, và cơ hội của các ngành, các ưu tiên việc phát triển doanh nghiệp sẽ khác nhau. Nguyên tắc đối mặt với khủng hoảng là đặt nền móng, kiến tạo một doanh nghiệp kiên cường.
Nhiều doanh nghiệp chưa biết sự khác biệt giữa quản trị rủi ro, quản lý khủng hoảng và quản lý hoạt động kinh doanh liên tục khác nhau thế nào. Nhiều hệ thống doanh nghiệp chưa minh bạch trong thông tin, hệ thống IT cũng chưa hoàn thiện, nên rất khó cho CFO trong việc thuyết phục HĐQT tin vào những sáng kiến mình đưa ra trước khi có các quyết định".
Theo nghiên cứu của MISA, cứ 10 năm vai trò của CFO lại thay đổi, nâng lên tầm cao mới.
Diễn đàn CFO Việt Nam thường niên lần thứ 12 dự kiến có sự tham gia của hơn 200 lãnh đạo doanh nghiệp và 300 CFO hội viên Hiệp hội quốc tế các nhà quản trị tài chính cấp cao (IAFEI).
Câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (VFCO) thuộc Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) vừa gửi tới Chính phủ đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Doanh nghiệp phải làm gì để “sống sót” trong giai đoạn kinh doanh có quá nhiều bất ổn như hiện nay? Những gợi ý có thể được tìm thấy tại Diễn đàn CFO 2019 diễn ra vào ngày 12/11/2019 tại TP. HCM.
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.
Giải thưởng Sách Quốc gia, sự kiện văn hóa thường niên khởi xướng từ năm 2017, đã lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đến với độc giả.
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.
Bên cạnh việc kiến tạo không gian sống văn minh, chủ đầu tư Taseco Land còn đặc biệt chú trọng tính thẩm mỹ tinh tế cho các shophouse tại Nghi Sơn Central Park.