Giảm thuế nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp theo đề nghị từ Mỹ

Nhật Hạ - 14:50, 08/12/2019

TheLEADERMỹ đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu thịt gà, lợn, táo, nho tươi,... trong năm 2020 và có lộ trình giảm về 0% ở các năm tiếp theo.

Giảm thuế nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp theo đề nghị từ Mỹ
Bộ Tài chính sẽ giảm thuế suất nhập khẩu nhằm cân bằng cán cân thương mại với Mỹ. Nguồn ảnh: TTXVN.

Bộ Tài chính vừa xin ý kiến các bộ, ngành về sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017 biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi. 

Theo đó, đầu tháng 11/2018, phía Mỹ đề nghị giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nông sản như thịt gà, sản phẩm chế biến từ thịt gà; hạnh nhân, táo, nho tươi, lúa mỳ, thịt lợn, khoai tây, ethanol... 

Như thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà được đề nghị giảm thuế từ 20% về 14,5% vào năm 2020 và còn 0% vào năm 2028. Táo tươi, nho tươi nhập từ nước này về 0% ngay trong năm 2020; lúa mỳ, khoai tây chế biến... xuống 6% vào năm 2020 và 0% năm 2021. Thịt lợn nhập khẩu được Mỹ đề nghị giảm thuế từ 25% xuống 18,9% vào 2020 và 0% vào 2027, hay giảm thuế nhập khẩu mặt hàng ethanol về 15%.

Trước đề nghị từ phía Mỹ, Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế suất nhập khẩu các mặt hàng trên nhằm cân bằng cán cân thương mại với Mỹ, song mức giảm sẽ thấp hơn con số Mỹ đưa ra.

Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến giảm mức thuế nhập khẩu thịt gà và sản phẩm chế biến từ thịt gà từ 20% xuống 18% (thấp hơn mức 14,5% do Mỹ đề nghị). Theo đó, mức 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong hiệp định CPTPP.

Bộ Tài chính tính toán, phương án này sẽ làm giảm thu từ thuế khoảng 3 triệu USD, tương đương 69% tỷ đồng/năm. Đồng thời, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng của gà nhập khẩu không chỉ từ Mỹ, Braxin, Ba Lan mà còn có các thị trường khác chưa xuất khẩu vào Việt Nam.

Trong các nhóm hàng nông nghiệp, thịt gà là nhóm Việt Nam thực hiện bảo hộ cao, trong các hiệp định thuế quan hoặc trong quá trình đàm phán, nhóm này luôn trong nhóm nhạy cảm cao, không cam kết cắt giảm hoặc nếu buộc phải cắt giảm sẽ vào giai đoạn cuối cùng khi thực hiện cam kết.

Do vậy, các biểu thuế hiện hành cũng cơ bản giữ mức trần cam kết khi chưa đến thời gian cắt giảm cuối cùng do thịt gà là nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, kể cả theo thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam.

Đồng thời, mặt hàng của người nông dân, các gia đình, hộ dân đều có thể tăng gia sản xuất tại nhà nên qua đó đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Với mức thuế nhập khẩu 20% như hiện nay, giá gà nhập khẩu vẫn thấp hơn so với giá thành người dân sản xuất.

Thuế với táo, nho tươi từ Mỹ dự kiến giảm từ 10% về 8%; thuế nhập khẩu quả hạnh nhân, chưa bóc vỏ giảm từ 15% xuống 10% (bằng với mức thuế suất quả hạt nhân đã bóc vỏ); thuế nhập khẩu lúa mỳ giảm từ 5% về 3%; khoai tây từ 13% xuống 12% (bằng cam kết EVFTA năm 1); thịt lợn giảm từ 25% về 22% - mức thuế tiệm cận theo cam kết trong CPTPP; giảm thuế nhập khẩu ethanol (dùng để phối trộn xăng E5 – xăng sinh học) xuống 15%.

Trong các mặt hàng chuẩn bị giảm thuế suất nhập khẩu trên, theo tính toán của Bộ Tài Chính, mặt hàng lúa mỳ dự kiến sẽ tác động giảm thu ngân sách nhiều nhất với 5,4 triệu USD, tương đương 124 tỷ đồng/năm.

Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, Việt Nam xuất siêu sang Mỹ trong 11 tháng năm 2019 đạt mức gần 43 tỷ USD.