Go-Viet tuyển người tham gia mảng ví điện tử

Việt Hưng - 14:53, 11/07/2019

TheLEADERTại Việt Nam, Go-Pay của Go-Viet được dự đoán sẽ hoạt động tương tự ví điện tử GrabPay by Moca của Grab. Khách hàng có thể sử dụng Go-Pay để thanh toán tất cả các dịch vụ trên Go-Viet cũng như các tiện ích khác kèm theo.

Trên trang cá nhân, tân CEO ứng dụng gọi xe Go-Viet là bà Lê Diệp Kiều Trang mới đây đã đăng tuyển một loạt các vị trí cấp cao gồm nhiều mảng như: Marketing, Kinh doanh, Vận hành, Pháp chế, Phân tích...

Đáng chú ý, xuất một vị trí có mô tả là giám đốc phát triển kinh doanh Go-Pay Việt Nam. Mặc dù Go-Pay là một dịch vụ mới chưa được Go-Viet công bố, nhưng nhiều khả năng đây chính là ví điện tử mà công ty này sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Vai trò của vị trí này bao gồm xây dựng quan hệ hợp tác với các ngân hàng, NHNN, các định chế tài chính và các tập đoàn tại Việt Nam. Đồng thời phát triển các dịch vụ tài chính và thanh toán trực tuyến và phi trực tuyến.

Tại Indonesia, Go-Jek đã triển khai Go-Pay khá thành công, với mục đích tạo ra một hệ sinh thái cho khách hàng. Trong đó, Go-Pay phục vụ hoạt động thanh toán có thể xem là "huyết mạch" giúp các dịch vụ như gọi xe, giao đồ ăn, giao hàng vận hành trơn tru...

Tại Việt Nam, Go-Pay của Go-Viet được dự đoán sẽ hoạt động tương tự ví điện tử GrabPay by Moca của Grab. Khách hàng có thể sử dụng Go-Pay để thanh toán tất cả các dịch vụ trên Go-Viet cũng như các tiện ích khác kèm theo.

Dễ thấy, lượng người dùng internet đông đảo kéo theo sự xuất hiện của các siêu ứng dụng trải dài trên nhiều lĩnh vực đang thay đổi nền kinh tế Việt Nam. Tiêu biểu là các dịch vụ thanh toán trực tuyến như: thanh toán di động, cổng thanh toán trực tuyến, đặc biệt là ví điện tử... chiếm khoảng 89% thị trường Fintech Việt Nam.

Theo số liệu của Công ty tư vấn Solidiance, tính đến hết năm 2017, thị trường này đã cán mốc 4,4 tỉ USD, và sẽ tăng lên mức 7,8 tỉ USD vào năm 2020.

Tương tự các startup Fintech, Go-Viet phát triển theo chiến lược tập hợp lượng người dùng đủ lớn rồi từ đó tìm cách tạo ra lợi nhuận. Về cơ bản, phương pháp này tỏ ra khá rủi ro khi các công ty phải tốn một lượng chi phí rất lớn để quảng bá, khuyến mãi kích thích người dùng sử dụng dịch vụ.

Thực tế, nhiều startup áp dụng chiến lược này tại Việt Nam cũng đang loay hoay trong hành trình thu hút khách hàng sử dụng các công nghệ di động (ứng dụng, QR code...) và bài toán kinh tế, lợi nhuận.

Hay một hướng đi khác, đó là các doanh nghiệp đã có sẵn một lượng người dùng đủ lớn bổ sung thêm dịch vụ tài chính để khách hàng chỉ sử dụng sản phẩm của mình.

Minh chứng là rất nhiều ông lớn trong mảng công nghệ và các doanh nghiệp viễn thông cũng đã tham gia vào thị trường với các giải pháp của mình như VNG với Zalopay, FPT hay Viettel với ViettelPay, VTC với VTCPay...