Gốc rễ vấn nạn đánh bắt thủy sản trái quy định

Hoàng Đông - 14:53, 27/10/2023

TheLEADERNgư dân vừa phải lo cho gia đình, vừa phải trả nợ ngân hàng, trong khi nguồn lợi thủy hải sản ngày một cạn kiệt nên "dù không muốn vẫn phải đánh bắt thủy sản trái phép".

Gốc rễ vấn nạn đánh bắt thủy sản trái quy định
Ngư dân đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhưng lại chưa được hỗ trợ nhiều về chính sách. Ảnh: Hoàng Anh

Việc Ủy ban châu Âu (EC) đưa cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động đánh bắt thủy hải sản bất hợp pháp, không được báo cáo và không được quản lý (IUU) đã gây ra nhiều cản trở cho hoạt động xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam.

Cụ thể, nếu như trước đây thủ tục xuất khẩu thủy sản sang châu Âu chỉ kéo dài từ 1 – 3 ngày thì nay mất đến 2 – 3 tuần, khiến thủy sản giảm chất lượng, doanh nghiệp tăng chi phí, bà con ngư dân cũng khó khăn.

Tại phiên thảo luận tổ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cảnh báo, các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc cũng có thẻ áp dụng chính sách “thẻ vàng” tương tự.

Nếu điều này xảy ra, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản và bà còn ngư dân sẽ lại càng thêm phần khốn đốn.

Vừa qua, đoàn thanh tra của EC đã sang Việt Nam kiểm tra thực địa lần thứ 4. Dù đánh giá cao quyết tâm của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU nhưng đoàn thanh tra EC cho rằng việc thực hiện các công việc cụ thể vẫn chưa đúng tầm và chưa gỡ thẻ vàng cho Việt Nam.

Dự kiến, đoàn thanh tra của EC sẽ quay lại vào khoảng giữa năm 2024. Phó thủ tướng cho biết, nếu không tận dụng cơ hội gỡ thẻ vàng này, có thể Việt Nam sẽ phải đợi ít nhất khoảng 3 năm nữa mới có cơ hội và sẽ trở thành một trong những quốc gia lập kỷ lục về thời gian gỡ thẻ vàng lâu nhất.

Giải quyết từ gốc rễ

Thủ tướng Trần Lưu Quang nhìn nhận, một trong những lý do khiến việc gỡ thẻ vàng IUU còn vướng mắc là lực lượng chức năng, bao gồm cảnh sát biển, bộ đội biên phòng vẫn còn mỏng, cùng với việc quản lý hoạt động đánh bắt cá vẫn còn nhiều yếu kém.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng nhìn nhận, nguyên nhân lớn nhất của hành vi khai thác IUU xuất phát từ vấn đề lợi ích. Cụ thể, bà con ngư dân vừa phải trả nợ tiền đóng tàu, vừa trang trải cuộc sống bản thân và gia đình, trong khi nguồn lợi thủy sản thì ngày một cạn kiệt, do đó “dù không muốn vẫn phải khai thác bất hợp pháp”.

“Ngư dân đều là bà con của mình, toàn là những người khó khăn và mình phải có trách nhiệm với họ”, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trăn trở.

Thông tin thêm về nỗi khổ của bà con ngư dân, ông Nguyễn Chu Hồi, Đại biểu đoàn Hải Phòng, Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, cho biết, chính sách dành cho ngư dân và nghề cá đang gặp nhiều vấn đề.

Đơn cử như Nghị định 67 ban hành năm 2014 thúc đẩy việc đóng tàu to, phát triển ngư nghiệp nhưng không giải quyết được những vấn đề căn cơ là ngư trường đánh cá ở đâu, chuyển từ đánh cá bằng thuyền thúng sang tàu to có thích hợp hay không.

Ông Hồi nhìn nhận, ngư dân vừa gánh trên vai trách nhiệm nuôi sống bản thân, gia đình, làm giàu cho đất nước, vừa là lực lượng quan trọng trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, tuy nhiên lại không có chính sách nào mang tính đặc thù, đặc biệt để hỗ trợ bà con ngư dân.

Đại diện Hội Nghề cá đề nghị, cần phải xây dựng một nghị quyết của Trung ương, của Quốc hội hoặc ít nhất là của Ban cán sự Đảng Chính phủ về vấn đề ngư dân, ngư nghiệp, ngư trường để giải quyết tận gốc rễ không chỉ câu chuyện gỡ thẻ IUU mà còn đảm bảo quyền lợi, đảm bảo sinh kế cho bà con ngư dân.