Grab mở dịch vụ giao nhận đồ ăn cạnh tranh với Now và Loship

Việt Hưng - 19:52, 02/10/2018

TheLEADERDù bước chân vào thị trường đặt món trực tuyến muộn hơn các đối thủ, nhưng GrabFood có những lợi thế cạnh tranh về dữ liệu và công nghệ cùng nền tảng hơn 175.000 tài xế dịch vụ gọi xe hiện hữu.

Sau 5 tháng triển khai tại TP.HCM, Grab Việt Nam đã tiếp tục ra mắt dịch vụ giao nhận thức ăn GrabFood tại Hà Nội. Với dịch vụ này, các tài xế có thể gia tăng thu nhập, bên cạnh dịch vụ chở hàng và vận tải hành khách thông thường. Trong khi khách hàng có thể đặt món ăn yêu thích, tài xế sẽ đến tận nơi lấy đồ ăn và chuyển tận tay khách.

Ngoài phí trả cho món ăn tại quán (tài xế Grab ứng trước), khách sẽ chịu thêm phí vận chuyển trung bình 15.000 đồng. Với mỗi đơn hàng như vậy, GrabFood sẽ giao nhận đồ ăn trong khoảng 30 phút. 

Hiện GrabFood chỉ đang đóng vai trò thu tiền hộ, nên chỉ cho thanh toán tiền mặt, khách hàng sẽ trả khi nhận hàng và chưa cho thanh toán thẻ.

Trên địa bàn Hà Nội đã có khoảng 200 quán ăn tham gia vào hệ thống của GrabFood. Thực đơn mà dịch vụ cung cấp cũng khá đa dạng, từ các món bình dân như: bánh mỳ, bún, miến, xôi phở; cho tới Dimsum, gà rán, mỳ Ý, đồ chay...

Giám đốc Grab tại Việt Nam: Chúng tôi cạnh tranh Now và Loship bằng công nghệ
Giám đốc Grab tại Việt Nam: Chúng tôi cạnh tranh Now và Loship bằng công nghệ

Theo báo cáo của Euromonitor, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam trong năm 2018 sẽ đạt khoảng 33 triệu USD và đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020, với tốc độ tăng trưởng trung bình 11%/năm.

Thị trường này tuy nhỏ so với mảng F&B nói chung, nhưng lại thu hút các doanh nghiệp theo đuổi bởi tính trung thành đối với loại hình dịch vụ này khá cao.

Now.vn (trước đây là DeliveryNow) của Foody, Loship.com của Lozi và Vietnammm.com (từng thâu tóm Foodpanda vào tháng 12/2015) là 3 công ty đang cung cấp dịch vụ trên thị trường này. Trong đó, Now.vn đang dẫn đầu thị trường về số lượng đơn hàng giao hằng ngày.

Các chuyên gia trong lĩnh vực nhận định, dư địa thị trường còn nhiều, tốc độ tăng trưởng hàng tháng nhanh là lý do Grab quyết định tham gia vào lĩnh vực đặt món trực tuyến.

Đại diện Grab Việt Nam cho biết, trong thời gian ngắn triển khai, số lượng đơn hàng GrabFood tại liên tục tăng. Tại Hà Nội, GrabFood được thử nghiệm vào ngày 05/09/2018 và số lượng đối tác kinh doanh đã tăng gấp 8 lần.

Ông JerryLim, Giám đốc Grab tại Việt Nam cho biết, khi đặt chân vào thị trường đã có các đối thủ kinh nghiệm, thử thách với Grab là không hề nhỏ. Nhưng phía Grab cũng có những lợi thế nhất định như: dữ liệu, công nghệ...

Theo thời gian, khi số lượng các đơn đặt món tăng lên, GrabFood có thể định hình được khẩu vị của người Việt, từ đó đưa ra các gợi ý phù hợp hơn các công ty đối thủ. Mục tiêu cuối cùng mà Grab hướng đến là chất lượng dịch vụ vượt trội.

Với số lượng đối tác tại Việt Nam lên tới 175.000 người, cùng thói quen sử dụng Grab đã định hình, dịch vụ GrabFood cũng sẽ nhanh chóng được khách hàng đón nhận.

Ông Jerry Lim tự tin nói: "Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy mô thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam lớn hơn nhiều so với con số 33 triệu USD, và sẽ còn tăng rất nhanh trong thời gian tới. Do đó GrabFood rất tiềm năng ở thị trường Việt Nam".

Tương tự Grabbike, GrabTaxi, ông Jerry Lim đặt kì vọng, GrabFood sẽ thay đổi được thói quen người tiêu dùng, nhanh chóng trở nên phổ biến như dịch vụ gọi xe. Tất nhiên, vị này không phủ nhận, để thay đổi thói quen người tiêu dùng, GrabFood cần một nền tảng công nghệ mạnh, cùng nguồn lực tài chính dồi dào - vốn đang là bài toán đau đầu của các ứng dụng dịch vụ đa nền tảng hiện nay.

Tính đến cuối năm ngoái, Công ty TNHH Grab - đơn vị vận hành Grab Việt Nam đã lỗ lũy kế hơn 1.700 tỷ đồng. Trước đó, theo thông tin từ Bộ Tài Chính, trong 3 năm đầu hoạt động ở Việt Nam, Grab lỗ 938 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng một năm, số lỗ lũy kế của Grab đã tăng gần gấp đôi.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hoạt động kinh doanh lỗ là do chi phí bán hàng của Grab luôn chiếm tỷ trọng lớn. Riêng năm 2017, công ty đã chi gần 600 tỷ đồng chi phí này, gấp 4 lần so với các năm trước đó. Con số này phản ánh việc Grab đã phải chi rất nhiều cho các chương trình quảng bá, tiếp thị để thu hút đối tác và khách hàng.

Việc mở rộng quy mô nhanh cũng khiến chi phí quản lý của doanh nghiệp này tăng chóng mặt trong năm ngoái, lên hơn 200 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2015.

Chi phí hoạt động lớn trong khi doanh thu chưa đủ bù đắp, Grab phải vay nợ để duy trì hoạt động. Đến cuối năm 2017, khoản nợ ngắn hạn của công ty là hơn 1.500 tỷ đồng. Trước đó, Grab Việt Nam từng vay công ty mẹ tại Malaysia 50 triệu USD.