Hà Nội công bố phương án chống dịch Covid sau ngày 6/9

Nhật Hạ - 21:17, 02/09/2021

TheLEADERSau đợt giãn cách thứ ba, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 ở ‘vùng đỏ’ và điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 với ‘vùng cam’ và ‘vùng xanh’.

Hà Nội công bố phương án chống dịch Covid sau ngày 6/9
Thành phố tăng cường kiểm soát các chốt nội bộ. Ảnh: Trang tin TP. Hà Nội.

Theo nội dung kết luận của Ban thường vụ thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác phòng, chống Covid-19 ngày 1/9, sau đợt giãn cách xã hội thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng theo nguyên tắc phân vùng phù hợp với mức độ nguy cơ của dịch và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất.

Ba vùng gồm: nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, khu vực có nguy cơ rất cao ‘vùng đỏ’ sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội ở mức cao hơn Chỉ thị 16 với nguyên tắc "ai đâu ở đó" để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để.

Tại các khu vực nguy cơ cao ‘vùng cam’ và nguy cơ thấp hơn ‘vùng xanh’, thành phố điều chỉnh biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 (15+) của Thủ tướng Chính phủ để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ ‘vùng đỏ’.

Ban Cán sự đảng UBND thành phố được giao chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức thực hiện phân vùng bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, khoa học, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, lương thực, trang thiết bị y tế... phục vụ phòng, chống dịch lâu dài.

Sở Xây dựng chủ trì lập các chốt cứng theo phương án phân vùng. Lực lượng liên ngành công an, quân đội, thanh tra giao thông tổ chức trực chốt 24/24/7, tổ chức quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm giãn cách xã hội đối với 23 chốt kiểm soát ra – vào thành phố và các phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện ‘được phép mới ra đường’, ‘ai ở đâu thì ở đó’.

Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã được phép áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn căn cứ tình hình dịch trên địa bàn và chịu trách nhiệm trước thành phố. Đồng thời giải thích, thuyết phục, yêu cầu các gia đình ký cam kết không ra khỏi nhà khi không thực sự cần thiết.

Thành phố tăng cường kiểm soát các chốt nội bộ; kiểm soát việc đi lại của người dân trong các khu vực, nhất là khu vực phong tỏa, khu cách ly tập trung, nơi có nguy cơ cao, không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”.

Về xét nghiệm, cách ly, điều trị, tiêm chủng, Ban thường vụ thành ủy chỉ đạo tiếp tục xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch trên toàn thành phố, nâng cao năng lực xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “nhóm đỏ" (tần suất 2-3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ cao “nhóm da cam” (tần suất 5-7 ngày/lần); song song với việc ưu tiên xét nghiệm theo hộ gia đình tại các “nhóm xanh” cũng cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ và dần mở rộng “nhóm xanh”.

Bộ Tư lệnh Thủ đô chủ trì đôn đốc các quận, huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu cách ly tập trung; triển khai ngay phần mềm quản lý F1; chủ động kích hoạt các khu cách ly tập trung bảo đảm khả năng cách ly trên 100.000 F1.

Ngành y tế khẩn trương chuẩn bị đầy đủ 20.000 giường và sẵn sàng lên 30.000 giường cho các cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị theo mô hình tháp 3 tầng của Bộ Y tế, bảo đảm đủ ô xy, trang thiết bị, vật tư, thuốc điều trị và nhân lực y tế cho các cơ sở y tế tại tất cả các tầng; nâng cao năng lực điều trị người nhiễm Covid-19 ngay từ tầng 1 để giảm tải cho tầng 2, tầng 3; tiếp tục đầu tư, củng cố nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, trọng tâm là các trạm y tế xã, phường, thị trấn.

30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều đã ghi nhận ca mắc mới trong đợt dịch thứ 4. Hiện, thành phố có 6 ổ dịch phức tạp gồm: ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai); chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình); phường Văn Miếu, Văn Chương (quận Đống Đa); phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và xã Tân Lập (huyện Đan Phượng).

Đây là những chuỗi lây nhiễm mới phát hiện đã ghi nhận lượng bệnh nhân lớn. Một số chuỗi lây nhiễm khác đã phát hiện thời gian khá lâu song đến nay vẫn rải rác có thêm ca bệnh.

Theo số liệu từ Sở Y tế Hà Nội, thành phố ghi nhận 3.366 ca mắc Covid-19, trong đó 1.553 ca ngoài cộng đồng, 1.813 ca tại khu cách ly. Riêng hôm nay (2/9), Hà Nội ghi nhận 39 ca mắc mới, trong đó 5 ca tại cộng đồng và 34 ca tại khu cách ly, phong tỏa.

Trước đó, tại buổi làm việc ngày 1/9 với 70 nhà khoa học trong lĩnh vực y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định không thể sử dụng biện pháp phong tỏa mãi, vì khó khăn cho người dân và nền kinh tế là rất lớn.

Theo Thủ tướng, phải đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh bằng tổng hòa các giải pháp. Mục tiêu của cả nước là không để dịch lây lan, có giải pháp thích nghi an toàn với dịch bệnh, giảm tỷ lệ tử vong bằng vaccine và thuốc.

Nhiều nước đã chuyển đổi chiến lược, xác định quan điểm "sống chung", thích ứng với dịch bệnh. Vaccine và thuốc điều trị là chiến lược lâu dài, công cụ quyết định. "Ứng dụng khoa học trong phòng chống dịch là chìa khóa cốt lõi của thành công, để chiến thắng dịch bệnh", Thủ tướng cho biết.

"Chúng ta đặt mục tiêu kiềm chế, kiểm soát, song cũng xác định cuộc chiến này còn lâu dài, phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp", Thủ tướng cho biết.