Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6/9, tăng cường các biện pháp chống dịch

Nhật Hạ - 19:15, 21/08/2021

TheLEADERChủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh, đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đến 6/9, tăng cường các biện pháp chống dịch
Kiểm tra giấy đi đường tại chốt kiểm soát trên địa bàn quận Ba Đình.

Trong 28 ngày giãn cách xã hội tại Hà Nội vừa qua, lượng người ra đường vẫn đông, nhiều trường hợp vi phạm đã bị xử lý. Thành phố liên tiếp ghi nhận những ca nhiễm mới trong cộng đồng tại các khu vực có mật độ dân cư đông, địa bàn phức tạp, các cơ sở sản xuất, cung cấp dịch vụ thiết yếu đang hoạt động đan xen tại khu vực.

Qua việc xét nghiệm diện rộng, TP. Hà Nội đã xác định được một số địa bàn và đối tượng nguy cơ rất cao (vùng đỏ và nhóm đỏ), tiềm ẩn rủi ro và nguy cơ lớn có thể hình thành những ổ dịch phức tạp, khó kiểm soát. Bên cạnh đó, tại các tỉnh phía Nam dịch bệnh đang lây lan mạnh trong cộng đồng, một số tỉnh lân cận dịch bệnh đang có dấu hiệu bùng phát trở lại.

Do đó, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh vừa có công điện về việc tăng cường các biện pháp thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 trong thời gian tới.

Cụ thể, Hà Nội tiếp tục cách ly toàn xã hội thêm 2 tuần nữa, tức đến 6h ngày 6/9/2021.

Người dân, cơ quan, doanh nghiệp được yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch tại Chỉ thị số 17 của UBND thành phố ban hành ngày 23/7 theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố; thôn xóm cách ly với thôn xóm; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; thành phố cách ly với tỉnh; kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.

Chủ tịch thành phố nhấn mạnh, đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch, mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm, cơ quan, doanh nghiệp… là một pháo đài chống dịch.

Chỉ một hành động chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong lúc này sẽ ảnh hưởng đến việc phòng chống dịch, có thể phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, an ninh trật tự của thành phố và sinh kế, sức khỏe, tính mạng của người dân và cộng đồng.

Do đó, ông đề nghị mọi người người dân và tổ chức, doanh nghiệp chấp hành nghiêm; tham gia đồng hành thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phòng chống dịch của thành phố.

Các cơ quan, doanh nghiệp cần siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường cho nhân viên, đảm bảo đúng đối tượng và quy định của thành phố. Đồng thời chịu trách nhiệm trước chính quyền thành phố và pháp luật trong trường hợp vi phạm quy định nêu trên gây lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Căn cứ diễn biến dịch bệnh trên địa bàn, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã có thể quyết định các biện pháp cao hơn phù hợp thực tiễn của từng địa phương để kịp thời ngăn chặn, bóc tách nguồn lây trong thời gian ngắn nhất; đồng thời phải đảm bảo việc cung ứng đầy đủ các nhu yếu phẩm thiết yếu, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Các địa phương tiếp tục huy động sự tham gia hiệu quả của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị ở cơ sở; đồng thời kêu gọi mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp cùng chia sẻ, đồng hành, nỗ lực vượt qua khó khăn, tích cực hưởng ứng, tham gia phòng chống dịch; huy động mọi nguồn lực.

Các chợ đầu mối, chợ dân sinh, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích… cần siết chặt việc quản lý phòng chống dịch, nhất là trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, ngày cuối tuần.

Các địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ di biến động của người dân, các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn gồm hoạt động tham gia giao thông, hoạt động của các cơ quan, công sở, sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; chỉ được hoạt động trong các khung giờ quy định; tuân thủ việc khai báo bằng mã QR Code; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội công bố đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý kịp thời những kiến nghị của người dân; giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ, an sinh xã hội; chăm lo, chia sẻ những khó khăn, đặc biệt là đối với những người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, đảm bảo không để người dân nào bị thiếu ăn, thiếu mặc, bị bỏ lại phía sau.

Sở Lao động, thương binh và xã hội được giao đẩy nhanh việc triển khai các chính sách xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện các chính sách hỗ trợ tại các địa phương; tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục; đề xuất bổ sung kịp thời các chính sách phù hợp.

Sở Thông tin và truyền thông phối hợp Công an thành phố xử lý nghiêm các đối tượng đăng tải, chia sẻ thông tin sai sự thật về công tác chỉ đạo điều hành và tình hình dịch bệnh; vận hành hiệu quả Tổng đài 1022 tiếp nhận, giải đáp các kiến nghị và phản ánh, tư vấn liên quan trong công tác phòng, chống dịch theo khung thời gian 24/7 và chuyển các cơ quan đơn vị kịp thời xử lý.

Sở Y tế được giao chuẩn bị sẵn sàng các phương án cao để tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; nâng cao năng lực xét nghiệm, tổ chức xét nghiệm diện rộng và trả mẫu trong 12 giờ với các đối tượng nguy cơ cao (F1) và trong 24 giờ với các mẫu còn lại; đảm bảo khả năng thu dung điều trị 30.000 F0.

Các tầng điều trị được tổ chức phù hợp, hiệu quả để giảm thiểu các trường hợp chuyển nặng và tử vong; bố trí năng lực phù hợp với điều kiện của từng khu vực, từng tầng điều trị đảm bảo khả năng chống dịch lâu dài; triển khai phương án đáp ứng điều trị y tế gồm: nhân lực y tế, oxy y tế, các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết...

Các bệnh viện Trung ương và y tế tư nhân tham gia dây chuyền tiêm vaccine. Sở Y tế cần sẵn sàng để tiêm quy mô lớn, đảm bảo an toàn ngay khi tiếp nhận thêm vaccine.

Công an thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành của người dân khi ra đường và các phương tiện tham gia giao thông; việc cấp giấy đi đường của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không đúng quy định.

Bộ tư lệnh Thủ đô phối hợp Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội, các địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội và sẵn sàng tham gia hỗ trợ người dân trong sinh hoạt, công tác thu hoạch mùa màng; nâng công suất, khả năng cách ly tập trung đáp ứng 70.000 chỗ cho đối tượng F1; kiểm soát chặt các khu cách ly tập trung nhằm hạn chế tối đa việc lây nhiễm chéo trong cơ sở cách ly và từ cơ sở cách ly ra ngoài cộng đồng.

Sở Giáo dục và đào tạo tổ chức lễ khai giảng truyền hình, phát thanh trực tiếp; triển khai công tác giảng dạy năm học mới 2021 – 2022.

Chính quyền các cấp, các ngành được yêu cầu chủ động phương án tổ chức thực hiện để bảo đảm không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, bình ổn giá; đảm bảo an toàn lưu thông và cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho mọi người dân, đặc biệt các khu vực cách ly, phong tỏa, bảo đảm không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc.

Bên cạnh đó, quan tâm, hỗ trợ các điều kiện về tinh thần và vật chất cho lực lượng tuyến đầu đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe, tinh thần cho người dân ở mọi lúc, mọi nơi khi cần thiết, đảm bảo công tác an sinh xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn.

Các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ thiết yếu tổ chức hoạt động sản xuất phải tuyệt đối an toàn, phù hợp với tình hình diễn biến dịch trên địa bàn theo phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Theo Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 29/4 đến nay, thành phố ghi nhận 2.554 ca mắc Covid-19, trong đó 1.305 ca ngoài cộng đồng và 1.249 ca trong khu cách ly. Riêng ngày 21/8, Hà Nội có 64 ca mắc mới trong đó 28 ca tại cộng đồng và 36 ca tại khu cách ly.