Hà Nội xử lý 100% chất thải nguy hại từ các làng nghề đến năm 2025

Phạm Sơn - 16:59, 04/01/2022

TheLEADERTheo kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, đến năm 2025, 100% làng nghề trên địa bàn thành phố sẽ được công nhận đáp ứng các điều kiện bảo vệ môi trường.

Hà Nội xử lý 100% chất thải nguy hại từ các làng nghề đến năm 2025
Làng nghề truyền thống sở hữu nhiều giá trị văn hóa, tiềm năng phát triển dịch vụ, du lịch.

Theo Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia được Bộ Tài nguyên và môi trường công bố vừa qua, cả nước có gần 5.000 làng nghề, trong đó gần 2.000 làng nghề được công nhận.

Các làng nghề là một phần quan trọng gắn liền với văn hóa, truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng tạo ra sinh kế cho người dân, sở hữu những tiêm năng to lớn về phát triển kinh tế với các giá trị văn hóa, cộng đồng, du lịch.

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường của các làng nghề lại là thực trạng gây nhức nhối. Theo Bộ Tài nguyên và môi trường, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom rác thải, quản lý chất thải rắn, xử lý nước thải.

Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều làng nghề nhất, với hơn 1 nghìn làng nghề, trong đó có những làng nghề sở hữu giá trị văn hóa đặc biệt quan trọng như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng nón Chuông, làng quạt Chàng Sơn…

Khảo sát trong giai đoạn 2017 – 2020 với 292 làng nghề, có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng và 95 làng nghề ô nhiễm về nguồn nước. Tỷ lệ nước thải được xử lý ở các làng nghề chỉ đạt 5%.

Đặt vấn đề “giải cứu” các làng nghề khỏi ô nhiễm, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, các khu, cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Theo kế hoạch, năm 2025 là thời điểm để Hà Nội hoàn thành các chỉ tiêu: 100% chất thải nguy hại ở làng nghề, cụm, khu công nghiệp được xử lý; 100% làng nghề có trạm xử lý nước thải; 100% làng nghề được công nhận đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường; 100% làng nghề được đánh giá và phân loại.

Để thực hiện các mục tiêu trên, 2 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra bao gồm tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành; tăng cường công tác bảo vệ môi trường thông qua kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm từng bước.

Trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường 2020 chính thức có hiệu lực, thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh đầu tư xây dựng các dự án xử lý rác thải, trong đó có 8 dự án xử lý rác thải tại các làng nghề trên địa bàn huyện Quốc Oai, Mê Linh, Hoài Đức, Thường Tín với tổng vốn đầu tư khoảng 570 tỷ đồng; các dự án xử lý môi trường tại 48 cụm công nghiệp làng nghề với quy mô 9 nghìn tỷ đồng.