Hai bí quyết giúp doanh nghiệp thực phẩm mê hoặc những nhà đầu tư thiên thần

Quỳnh Như - 09:24, 20/09/2018

TheLEADERĐể thành công khi gọi vốn, các doanh nghiệp thực phẩm phải sản xuất được sản phẩm sạch và buộc phải có một kế hoạch kinh doanh cụ thể trong dài hạn

Theo dự báo của VN Research, ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam ước đạt tăng trưởng khoảng 11% trong giai đoạn 2015 – 2020. Năm 2017, ngành thực phẩm chiếm 15% GDP Việt Nam, số liệu thống kê cho thấy, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến tăng trung bình 9,7%/năm, tiêu thụ đồ uống tăng 6,7%/năm. 

Về xuất khẩu, trong nhiều năm qua, Việt Nam luôn thuộc nhóm nước xuất khẩu gạo, điều, cà phê lớn nhất thế giới. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018, đối với các nhóm nông – thuỷ hải sản ước đạt 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, nhiều mặt hàng tăng trưởng tốt như: rau quả (20,9%) đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD; thuỷ sản tăng 11%. Các mặt hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Tại Diễn đàn xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư phát triển ngành thực phẩm do Bộ Công thương tổ chức ngày 19/9, các chuyên gia tham dự cho rằng, trước khi tính đến chuyện kêu gọi đầu tư hay bất cứ thứ gì khác, các doanh nghiệp thực phẩm cần sản xuất ra những sản phẩm sạch. Sau đó, bằng nhiều phương cách khác nhau như truy xuất nguồn gốc bằng cách sử dụng các công nghệ để thể hiện ra được, sản phẩm mình sạch và sạch như thế nào.

Hai bí quyết giúp doanh nghiệp thực phẩm mê hoặc những nhà đầu tư thiên thần
Các khách mời tham gia thảo luân tại diễn đàn xúc tiến thương mại và hợp tác đầu tư phát triển ngành thực phẩm

“Trong khoảng 10 năm trở lại đây, vệ sinh an toàn luôn là một vấn đề nóng bỏng trên mọi mặt trận. Lúc bắt đầu nhúng tay vào vấn đề này, chúng tôi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu, cái gì cũng thấy khó, sau đó bình tâm lại, quyết định đi từ từ. Trong vấn đề an toàn thực phẩm, đừng mơ lớn quá, đừng nghĩ chỉ trong một thời gian ngắn sẽ được sử dụng hoàn toàn sản phẩm sạch, hy vọng nhiều sẽ thất vọng nhiều”, PGS.TS Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam (Bộ Khoa học và công nghệ), nguyên Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia nhận định.

Theo ông Đà, chiến lược thực phẩm sạch cứ đi từ từ, kiểm soát bằng VietGap, GlobalGap sau đó dần dần thay thế bằng công nghệ 4.0 như IoT, AI… Tuy nhiên, dù doanh nghiệp dùng kỹ thuật nào để thể hiện thì nhất định phải kiểm soát được chuỗi bằng cách hệ thống hóa, tiêu chuẩn hoá, minh bạch hoá tất cả các khâu từ nuôi trồng, chế biến cho đến vận chuyển. Đặc biệt, trước khi làm truy xuất nguồn gốc, bạn phải có thực phẩm sạch và an toàn.

Để giúp các doanh nghiệp hình dung rõ hơn về vấn truy xuất nguồn gốc, TS. Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. HCM lưu ý 3 điểm sau:

Thứ nhất, các lãnh đạo doanh nghiệp đừng nghĩ việc truy xuất hàng hoá áp dụng công nghệ cao là đắt và khó thực hiện, ngược lại mới đúng. Kể cả các hệ thống truy xuất dùng  blockchain hay điện toán đám mây – icloud đều rất dễ áp dụng và rẻ. Tại TP. HCM, mỗi ngày tiêu thụ từ 12.000 đến 18.000 con lợn, tiền truy xuất của mỗi con chỉ 0,5 USD. Hội sẵn sàng bán lại công nghệ với giá rẻ hoặc có thể miễn phí cho các bạn trẻ startup.

Thứ hai, Việt Nam đã có thể sản xuất những sản phẩm thực phẩm cao cấp vừa chất lượng vừa an toàn, chứng minh bằng công nghệ trong nước. Bằng công nghệ truy xuất nguồn gốc, khách hàng có thể biết được các sản phẩm của Việt Nam có nguồn gốc từ đâu, được chăm sóc như thế nào, ai là người chăm sóc, qua tay bao nhiêu doanh nghiệp. Hệ thống truy xuất nguồn gốc TE-Food sử dụng công nghệ blockchain của hội có thể liên thông với Anh, Pháp, Mỹ.

Thứ ba, truy xuất nguồn gốc qua tem không chỉ biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm mà phải biết được toàn bộ hoạt động của chuỗi tạo ra sản phẩm.

Hai điều kiện tiên quyết các doanh nghiệp thực phẩm nhất định phải có khi muốn gọi vốn
Một sản phẩm nông nghiệp áp dụng hệ thống truy suất nguồn gốc TE-Food.

Tuy nhiên, theo ông John G.Keogh, chuyên gia về tính minh bạch của chuỗi thực phẩm toàn cầu, blockchain không phải là công nghệ duy nhất mà chúng ta có thể áp dụng vào làm hệ thống truy xuất, nó chỉ là công nghệ tối ưu nhất mà thôi.

“Có nhiều cách để chứng minh sản phẩm của mình là an toàn, không chỉ mỗi blockchain. Có nhiều doanh nghiệp không cần blockchain, chỉ nên áp dụng blockchain khi nào doanh nghiệp đã tương đối lớn, có khả năng tài chính dồi dào, kế hoạch kinh doanh cụ thể. Trước khi quyết định dùng công nghệ gì cho hệ thống truy xuất, bạn phải biết mình đang có gì và cần gì”, ông John nói.

Còn theo ông Võ Sáng Xuân Vinh, chuyên gia quản lý đầu tư, Chủ tịch cộng đồng CFA Việt Nam, song song với việc có sản phẩm sạch cùng hệ thống truy xuất phù hợp, các doanh nghiệp phải lên được kế hoạch kinh doanh cụ thể.

“Nếu không có một bảng kế hoạch kinh doanh thật cụ thể trong vòng 5 năm, rất khó để doanh nghiệp có thể thu hút được các nhà đầu tư. Thế nên, các ông chủ cần phải có mô hình - kế hoạch kinh doanh cụ thể cho doanh nghiệp của mình, đừng chỉ để trong đầu. Bản kế hoạch đó phải liên tục được điều chỉnh sao cho khoa học – logic – thực tế nhất có thể. Mà muốn có một kế hoạch kinh doanh như thế, doanh nghiệp cần hiểu mình đang ở đâu trong vòng đời một doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME)”, ông Vinh cho biết.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm của mình cũng ghi được rất nhiều điểm trong mắt nhà đầu tư. Một doanh nghiệp có khâu chế biến, kiểm soát hoạt động chế biến, có hệ thống phân phối, kiểm soát được cả đầu ra và đầu vào sẽ được nhận tiền đầu tư lớn hơn nhiều so với doanh nghiệp chỉ chế biến đơn thuần.

Tất nhiên, không phải tất cả SME trong ngành thực phẩm ở Việt Nam đều có thể làm tốt 2 công việc trên. 

“Samsung lớn như thế không phải do một mình họ làm ra mà nhờ rất nhiều SME hỗ trợ. Ngành nông nghiệp – thực phẩm Việt Nam cần những doanh nghiệp dẫn đầu, SME, startup phối hợp cùng nhau mới có thể nhanh chóng tiệm cận trình độ thế giới.

Chúng ta có 3 thứ mà người khác không thể lấy được: thức ăn trong dạ dày, mơ ước và kiến thức trong đầu. Các startup cứ mạnh dạn mơ ước nhưng sau đó nhớ nghiên cứu ra cách làm đúng. Nếu mình không tìm ra đường, cứ đi hỏi, đừng ngại. Công cuộc startup suy ra cũng chỉ là một trò chơi bình thường”, Shark Nguyễn Thanh Việt, Chủ tịch HĐQT Intracom nhấn mạnh.