Hàng loạt dự án điện gió ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên, quốc phòng

Văn Cảnh - 18:22, 26/05/2021

TheLEADERNhiều dự án điện gió quy mô lớn được đề xuất đầu tư tại tỉnh Lâm Đồng thời gian gần đây đều có ảnh hưởng đến đất rừng, quốc phòng.

Hàng loạt dự án điện gió ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên, quốc phòng
Tỉnh Lâm Đồng đã từ chối không ít đề xuất nghiên cứu làm điện gió của nhà đầu tư do liên quan tới đất rừng và yếu tố quốc phòng. Ảnh minh họa

Công ty Wind Power Development xin nghiên cứu đầu tư điện gió tại xã Tà Năng, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng với công suất 150MW. 

Sản lượng điện dự kiến 580 triệu kWh/năm, đấu nối vào thanh cái trạm biến áp 220kV huyện Đức Trọng. Diện tích khảo sát khoảng 2.770ha, diện tích chiếm đất có thời hạn khoảng 50ha.

Sau khi xem xét vị trí đề xuất của nhà đầu tư, Sở Công thương Lâm Đồng xác định, khu vực nghiên cứu đầu tư dự án này có ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, một phần ảnh hưởng đến quốc phòng và khả năng đấu nối về trạm 220kV Đức Trọng không khả thi. 

Do đó, sở này đề nghị chủ đầu tư xem xét các khu vực khác có tiềm năng về gió nhưng không ảnh hưởng đến rừng, đất rừng, đất quốc phòng.

Đề xuất vị trí để nghiên cứu dự án điện gió của Công ty Pondera cũng không được tỉnh Lâm Đồng chấp thuận. Ba khu vực công ty đề nghị đã có nhà đầu tư (khu vực 1 trùng với dự án điện gió Cầu Đất), khu vực 2 và 3 ảnh hưởng đến đất rừng, lâm nghiệp và có một phần ảnh hưởng đến quốc phòng.

Trong số các dự án đang xin triển khai, ghi nhận hai trường hợp do Công ty CP Đầu tư HLP (HLP Invest) đề xuất với tổng mức đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Cụ thể, nhà máy điện gió Tà Năng 1 (tại xã Tà Năng và xã Đà Loan, huyện Đức Trọng) có công suất khoảng 113MW, sản lượng điện phát lên lưới khoảng 339MWh/năm. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 3.950 tỷ đồng (trong đó vốn vay chiếm 80%).

Nhà máy điện gió Tà Năng 2 (huyện Đức Trọng) có tổng công suất khoảng 185MW, tổng diện tích đất đề xuất sử dụng khoảng 28ha, sản lượng điện phát lên lưới khoảng 653MWh/năm với tổng mức đầu tư khoảng 6.430 tỷ đồng (vốn vay chiếm 80%).

Cả hai dự án đều do Công ty TNHH HSP Năng lượng xanh lập hồ sơ bổ sung quy hoạch. Sở Công thương đã gửi hồ sơ đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét trình Bộ Công thương thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, có xét đến năm 2045.

Khu vực hai dự án do HLP Invest đề xuất, lập điều chỉnh bổ sung quy hoạch điện quốc gia đều ảnh hưởng đến khoảng 541ha diện tích rừng tự nhiên và hơn 104ha rừng trồng.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, không phù hợp với Luật Lâm nghiệp và các quy định khác có liên quan. 

Gần đây, sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung theo góp ý từ các sở ngành của tỉnh, dự án đã được Sở Công thương báo cáo, đề xuất tới UBND tỉnh Lâm Đồng. 

Một nội dung đáng chú ý là phạm vi sử dụng đất cho hai nhà máy điện gió nêu trên không ảnh hưởng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quốc phòng… 

Tuy nhiên, đối với tuyến đường dây 220kV liên quan đến 2 nhà máy có khoảng 3.000m đi qua quy hoạch rừng phòng hộ, rừng sản xuất có rừng tự nhiên.

HLP Invest thành lập từ năm 2017, vốn điều lệ 3 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện. 

Đến cuối năm 2019, HLP Invest có 7 cổ đông sáng lập gồm ông Nguyễn Mạnh Cường nắm 38%, ông Trương Việt Hùng (35%), ông Trần Văn Hải (10%), bà Đỗ Thu Trang (7%), ông Nguyễn Như Nam (3%), ông Bùi Xuân Huy (3%), bà Phạm Thị Đông (2%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa (2%).

Doanh nghiệp này mới đây đã gây chú ý với hoạt động đầu tư vào dự án điện gió Biển Cổ Thạch quy mô hơn 4,4 tỷ USD tại Bình Thuận. Dự án này đang ở khâu quy hoạch điện lực, trước khi tiến tới lập dự án triển khai cụ thể. 

Điều đáng quan tâm là dấu hỏi về khả năng dự án này (cùng 2 dự án đang xin ở Lâm Đồng) có bị ứng xử tương tự như trường hợp dự án điện mặt trời VSP Bình Thuận II – đặt trong mối liên hệ với HLP Invest (sau khi dự án được cấp phép đã được chuyển nhượng cổ phần và thay đổi quyền kiểm soát dự án).

Tại tỉnh Lâm Đồng, các dự án đang triển khai trong quy hoạch phát triển điện lực gồm: Điện gió Cầu Đất (chủ đầu tư Công ty CP Năng lượng tái tạo Đại Dương), điện gió Đức Trọng (Công ty CP Đầu tư năng lượng ADN Đức Trọng), điện gió Xuân Trường 1 và 2 (Công ty TNHH MTV Năng lượng gió Xuân Trường).

Các dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư gồm: Điện gió Cầu Đất (giấy chứng nhận đầu tư đăng ký lần đầu năm 2009, thay đổi lần thứ 5 vào tháng 12/2020), điện gió Đức Trọng (phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 3/2020).