Hàng Việt vẫn rộng cửa vào châu Mỹ

An Chi - 12:56, 28/04/2021

TheLEADERTrong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Hiệp định CPTPP vẫn mở rộng đường cho hàng Việt sang châu Mỹ với kim ngạch xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.

Hàng Việt vẫn rộng cửa vào châu Mỹ
CPTPP đã mở rộng đường cho hàng Việt sang châu Mỹ

Hiệp định CPTPP chính thức được phê chuẩn vào 30/12/2018 và có hiệu lực với Việt Nam kể từ ngày 14/1/2019, được coi là bước ngoặt quan trọng tạo ra xung lực mới để thúc đẩy hợp tác thương mại – đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác nói chung và các nước châu Mỹ nói riêng. 

Trong số 11 quốc gia thành viên tham gia CPTPP, có bốn nước thuộc khu vực châu Mỹ là Canada, Mexico, Chile và Peru; và trong số này, Canada, Mexico và Peru là ba nước mà lần đầu tiên Việt Nam có quan hệ FTA. 

Đây cũng là những quốc gia có cam kết cắt giảm tỷ lệ thuế quan rất cao cho hàng hóa Việt Nam ngay khi CPTPP có hiệu lực, như Chile (95%), Canada (94,9%), Peru (81%) và Mexico (77%).

Năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh cả thế giới đang trải qua một năm đặc biệt với nhiều biến động và suy thoái, dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới toàn cầu, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang khu vực châu Mỹ vẫn đạt được nhiều kết quả khả quan, trở thành điểm sáng trong trao đổi thương mại của Việt Nam với các nước trên thế giới.

Cụ thể, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và châu Mỹ đạt gần 111,5 tỷ USD, tăng 16 % so với năm 2019; trong đó xuất khẩu đạt 89,7 tỷ USD, tăng 21,7% và chiếm tỷ trọng 31,7% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam.

Đáng chú ý là xuất khẩu sang hai nước Canada và Mexico tiếp tục có mức tăng trưởng dẫn đầu trong khối thị trường CPTPP (đạt 4,4 tỷ USD tại Canada và 3,17 tỷ USD tỷ USD tại Mexico), tăng 12% - cao hơn nhiều so với mức tăng xuất khẩu chung 7%. Những con số này khẳng định, CPTPP đã mở rộng đường cho hàng Việt sang châu Mỹ, vốn rất mới mẻ và tiềm năng.

Bốn quốc gia châu Mỹ thành viên của CPTPP gồm Canada, Mexico, Chile và Peru đều là thành viên của những Khối thương mại, FTA và Liên minh thuế quan có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việt Nam có thể xem xét thông qua việc xuất khẩu và đầu tư sản xuất tại các nước nêu trên để mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang khu vực thị trường hơn 1 tỷ dân của Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi, tại hội thảo “CPTPP – Cơ hội mở rộng thị trường châu Mỹ cho hàng xuất khẩu Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công thương, Đỗ Thắng Hải cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác trong CPTPP, đặc biệt là khu vực châu Mỹ vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức trong hợp tác kinh doanh.

Đơn cử như việc khoảng cách địa lý xa xôi, chưa có tuyến vận tải hàng hóa và hành khách trực tiếp, sự khác biệt về ngôn ngữ, và việc thiếu thông tin cập nhật về tiếp cận thị trường.

Bên cạnh đó, để có thể hưởng thuế ưu đãi xuất khẩu sang thị trường thành viên CPTPP, doanh nghiệp vẫn đang gặp một số khó khăn lớn như vấn đề đáp ứng tiêu chuẩn xuất xứ, vấn đề chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường. Đặc biệt, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã tác động mạnh đến kinh tế, xã hội của Việt Nam và các nước châu Mỹ cũng như trên phạm vi toàn cầu.

Mặt khác, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam cần đưa ra những giải pháp tăng cường kết nối với các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu nước ngoài, tận dụng những ưu đãi đang có với các nước thành viên CPTPP, đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu tại khu vực châu Mỹ, nhất là trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và ưu tiên phục hồi, duy trì phát triển kinh tế trong và sau đại dịch của các quốc gia hiện nay.

Việt Nam cần đa dạng hóa mặt hàng và thị trường xuất khẩu tại khu vực châu Mỹ, đặc biệt trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu và ưu tiên phục hồi, duy trì phát triển kinh tế trong và sau đại dịch của các quốc gia hiện nay. 

Bởi, theo ông Lưu Vạn Khang, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mexico cho hay, thời gian qua, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico vẫn là chủ yếu vẫn là điện thoại di động, máy vi tính, sản phẩm điện tử hàng thủy sản, giày dép dệt may. Việt Nam nhập khẩu chủ yếu từ Mexico linh kiện điện tử, sắt thép, máy móc. 

Do đó, để các doanh nghiệp hai nước tận dụng được những cơ hội do CPTPP mang lại, về lâu dài các doanh nghiệp của Việt Nam phải tính toán để có thể phát triển các kênh phân phối trong khu vực châu Mỹ.

Đồng quan điểm, bà Đỗ Thị Thu Hương, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Canada cũng cho rằng, để tăng cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu vào châu Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt những ưu đãi trong khuôn khổ của CPTPP. Đặc biệt là những ưu đãi thuế nhập khẩu có thể tác động trực tiếp đến cơ chế giá giữa người mua và người bán nên coi đó là cơ sở để đàm phán với đối tác.

Ngoài ra, các quy tắc xuất xứ hàng hóa trong CPTPP cũng rất mới và rất phức tạp, nên các doanh nghiệp cần đầu tư nhân lực để tìm hiểu quy tắc, thủ tục chứng minh xuất xứ để có thể được hưởng ưu đãi thuế quan. Các cơ quan quản lý cần thúc đẩy thêm các công cụ trực tuyến, những hội thảo và hướng dẫn chuyên sâu vào từng lĩnh vực, từng ngành hàng để các doanh nghiệp đều có thể tìm hiểu và tra cứu thông tin

Về phía Bộ Công thương, theo ông Hải, Chính phủ và Bộ Công thương, cùng với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước châu Mỹ sẽ nỗ lực để hỗ trợ các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về thông tin thị trường, làm cầu nối với các đối tác nước ngoài, hỗ trợ giải quyết khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thâm nhập thị trường và kinh doanh.