Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM

Phạm Sơn - 11:28, 02/06/2022

TheLEADERSự hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp lớn và sự hợp tác, kết nối chặt chẽ là chìa khóa để các sáng kiến, dự án kinh tế tuần hoàn ở quy mô vừa và nhỏ có thể phát huy tác dụng, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi tuần hoàn của đất nước.

Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai kinh tế tuần hoàn tại TP.HCM
Sự kiện của WasteAid quy tụ sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Thành lập từ năm 2021 bởi 2 doanh nhân trẻ là anh Bùi Thế Bảo và chị Đỗ Thị Minh Trang, VECA là ứng dụng số hóa hoạt động thu gom ve chai, phế liệu của khu vực phi chính thức.

Thông qua công nghệ số, VECA tạo ra các tiện ích giúp người hành nghề đồng nát, ve chai có thể tối ưu hóa quãng đường di chuyển, minh bạch về giá, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động thu gom, một mắt xích đặc biệt quan trọng của kinh tế tuần hoàn.

Là một cơ sở giáo dục có uy tín và kinh nghiệm, Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) triển khai thí điểm tạo ra khuôn viên trường học không rác thải như một trong những trụ cột của chiến lược đại học bền vững.

VECA và dự án trường học không rác thải của UEH là 2 dự án kinh tế tuần hoàn giành chiến thắng trong cuộc thi Thành phố không rác thải do WasteAid tổ chức. Thông qua giải thưởng của chương trinh, 2 dự án đã có những bứt phá đáng ghi trong hoạt động.

Thông qua khoản tài trợ hạt giống của cuộc thi, VECA đã mở rộng dịch vụ ra 12 quận của TP.HCM, tăng số lượng phế liệu thu gom lên khoảng 40 tấn. Cùng với đó, VECA bắt đầu triển khai hợp tác thu gom với tập đoàn sản xuất bao bì Tetra Pak, tổ chức hoạt động nâng cao nhận thức về rác thải cho trẻ em tại các khu dân cư.

UEH, với sự hỗ trợ của WasteAid, đã kết nối được với nhiều bên liên quan, đặc biệt là tìm kiếm đầu ra cho lượng phế liệu, rác thải bao bì đã được thu gom tại trường. Với vai trò là một trường đại học, UEH cũng tích cực truyền tải thông điệp, truyền cảm hứng lối sống xanh và tư duy tuần hoàn tới sinh viên, tạo ra tác động lan tỏa và lâu dài.

Sự chuyển biến tích cực của VECA và dự án trường học không rác thải của UEH sau khi nhận được gói tài trợ trị giá 10.000euro cùng với khoảng thời gian tập huấn kinh doanh đã cho thấy tầm quan trọng của những hỗ trợ ban đầu dành cho các dự án nhỏ về kinh tế tuần hoàn.

Cũng chính vì lý do đó, ngày 26/5 vừa qua, WasteAid đã tổ chức sự kiện Hiện thực hóa nền kinh tế tuần hoàn tại Thành phố Hồ Chí Minh, đánh dầu mốc kết thúc hơn 2 năm triển khai chương trình Mạng lưới kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, đồng thời tạo diễn đàn để các bên liên quan thảo luận những giải pháp hỗ trợ dự án kinh tế tuần hoàn quy mô vừa và nhỏ.

Sự kiện quy tụ sự tham gia của nhiều doanh nhân, doanh nghiệp, tổ chức và dự án trong các lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên đều có điểm chung là hướng tới xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.

Một số đơn vị tham dự sự kiện có thể kể đến như Chương trình cải thiện năng lực tư nhân của Cơ quan Phát triển Mỹ (USAID IPSC); Bitis; IKEA; Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam); Coca Cola; Pizza 4P’s; Huhtamaki…

Tại đây, các đại biểu đã đưa ra đề xuất, Chính phủ có thể khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ xây dựng nền kinh tế tuần hoàn thông qua gói hỗ trợ về tài chính cũng như ban hành các hành lang pháp lý liên quan.

Doanh nghiệp lớn là chủ thể quan trọng cho kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp lớn có thể hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách tài trợ về vốn hoặc thúc đẩy hợp tác trong hoạt động nghiên cứu phát triển.

Một yếu tố đặc biệt quan trọng để xây dựng kinh tế tuần hoàn là sự kết nối và hợp tác lẫn nhau giữa Chỉnh phủ, các tổ chức và doanh nghiệp. Thông qua sự kết nối và hợp tác, những chuỗi cung ứng tuần hoàn sẽ được hình thành, với cốt lõi là các sáng kiến như thiết kế bao bì, sản phẩm dễ thu gom, tái chế hơn…

Bên lề sự kiện là triển lãm về kinh tế tuần hoàn, với sự tham gia của một số startup đang tích cực triển khai sáng kiến kinh tế tuần hoàn như Dòng Dòng Sài Gòn; Refill; Ve chai chú Hỏa; Lagom; Limart; Greenjoy…