Phục hồi thời ‘bão giá’ với kinh tế tuần hoàn

Phạm Sơn - 16:13, 09/05/2022

TheLEADERKinh tế tuần hoàn giúp doanh nghiệp giảm chi phí, giảm phụ thuộc vào nguồn cung quốc tế, đồng thời xây dựng thương hiệu bền vững, đáp ứng quy định về xã hội và môi trường ngày càng nghiêm ngặt ở các thị trường tiên tiến.

Bước ra từ những cao trào của đại dịch Covid-19, nhiều dự báo được đưa ra về một “siêu chu kỳ tăng giá”, khi các quốc gia ban hành những gói tài khóa, tiền tệ “siêu nới lỏng” để phục hồi kinh tế.

Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn với cuộc xung đột chưa có hồi kết tại Ukraine. Mặt khác, bất ổn địa chính trị vẫn là vấn đề nan giải và khó lường, là một rủi ro tiềm ẩn với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tại Việt Nam, giá xăng dầu tăng mạnh, đạt mức gấp 3 lần so với thời điểm cách đây 2 năm là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất của “bão giá”. Giá nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành kinh tế như phân bón, gỗ, kim loại… cũng chứng kiến mức tăng giá mạnh.

Chi phí đẩy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) nhưng là một mối đe cho tiến trình phục hồi kinh tế. Kết hợp với yếu tố cầu kéo khi nền kinh tế từng bước mở cửa trở lại, nhiều chuyên gia nhận định về giai đoạn khó khăn cho công tác điều hành chính sách trên quan điểm “duy trì ổn định vĩ mô”.

Từ tháng 2, thuế VAT của một số mặt hàng được điều chỉnh từ mức 10% về 8% nhưng nhiều người dân cho biết “không cảm nhận được mức giảm”. Tương tự, thuế bảo vệ môi trường cho xăng dầu đã được giảm nhưng cũng không cản được đà tăng giá. Rõ ràng, cần một giải pháp vẹn toàn hơn các công cụ tài khóa để giải quyết nguy cơ lạm phát tăng cao.

Kinh tế tuần hoàn thời “bão giá”

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 mới bắt đầu lan ra toàn cầu và gây đứt gãy nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng. Tìm kiếm giải pháp bền vững hóa chuỗi cung ứng được đưa ra làm nhiệm vụ hàng đầu cho các nền kinh tế trong và sau Covid-19.

Kinh tế tuần hoàn khi đó đã được nêu tên như một “giải pháp vẹn toàn”. Theo bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), kinh tế tuần hoàn giúp các nền kinh tế bớt đi sự phụ thuộc, nhờ vào tận dụng tài nguyên tại chỗ là các phế phẩm, phụ phẩm trong quá trình sản xuất, từ đó tạo ra chuỗi cung ứng ngắn và tại chỗ.

Ví dụ như trong ngành nông nghiệp vốn đang phải vật lộn với giá phân bón tăng cao. Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, do không tự chủ được nguồn cung phân bón nên dù giá phân bón cao ngất ngưởng, có loại tăng hơn 100% nhưng “tàu hàng chưa cập bến mà đã bán hết sạch”.

Gồng mình chịu “bão giá” phân bón, nhiều nông hộ đang chuyển sang sử dụng phân bón chế biến từ phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi.

Theo nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, phân bón ủ từ rơm rạ và chế phẩm sinh học giúp tiết giảm được đến 30% lượng phân bón sử dụng, đồng thời giảm cả lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn giữ được chất lượng cây lúa. Như vậy vừa hạ giá thành, vừa giúp nông sản sạch hơn, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các thị trường tiên tiến.

Bên cạnh phân ủ từ rơm rạ, phân chuồng cũng là giải pháp được bà con nông dân tích cực áp dụng. Mô hình vườn – ao – chuồng đem lại nhiều hiệu quả về chi phí cho canh tác nông nghiệp suốt hàng chục năm nay được chuyên gia nhận định là “hình thức sơ khai của kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Ngành xây dựng cũng đang chịu ảnh hưởng của bão giá khi xi măng, cát, đá, sắt thép… đều leo thang với tốc độ “chóng mặt”. Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, khi vật liệu tăng giá, chủ đầu tư là người phải bù lỗ do hầu hết đều ký kết hợp đồng đơn giá cố định không điều chỉnh.

Một giải pháp được áp dụng bởi công ty VICEM Bút Sơn là sử dụng bùn thải làm đầu vào sản xuất xi măng. Công ty này đã được phê duyệt vận hành thử nghiệm xử lý chất thải nguy hại theo phương pháp này kể từ năm 2021, bước đầu cho thấy kết quả khả quan.

Ngành công nghiệp ô tô “khốn khổ” suốt cả năm qua vì khủng hoàng chất bán dẫn cùng sự tăng giá mạnh của các kim loại cần thiết như niken, coban. Khủng hoảng chất bán dẫn dự kiến còn kéo dài cùng với sự trỗi dậy mạnh mẽ của ngành công nghiệp xe điện.

Nhiều hãng xe điện đang thiết lập các liên minh và triển khai hạ tầng công nghệ thu gom, định giá và tái chế pin xe điện, thay vì tăng cường khai thác khoáng sản. Đây được xem là bước “đầu tư vào tương lai” khi xe điện được dự đoán sớm muộn sẽ thay thế xe xăng.

Nhựa là vật liệu tăng giá “đều đều” trong năm 2022 do chí phí đầu vào và nhu cầu sử dụng đều tăng cao. Tuy nhiên, nhựa cũng lại là vật liệu có tiềm năng tái chế vô hạn. Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội nhựa tái sinh, từng nhiều lần khẳng định, nếu khai thác được lượng rác thải nhựa làm đầu vào cho tái chế, Việt Nam có thể tiết kiệm được hàng tỷ USD.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), mô hình kinh tế tuần hoàn cũng có thể được áp dụng để giải quyết bài toán của nhiều ngành, lĩnh vực khác như điện tử, hàng tiêu dùng, năng lượng…

Không chỉ giảm chi phí đầu vào, bớt phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, đầu tư kinh tế tuần hoàn từ sớm còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí để tuân thủ những quy định mới về môi trường, cùng với việc xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững. Như vậy, đây là giải pháp mang lại hiệu quả lâu dài cho tiến trình phục hồi kinh tế.