Hoạt động mua bán sáp nhập sẽ bùng nổ trong 2017 và 2018

Tiêu Phong - 06:20, 21/07/2017

TheLEADERĐiều này đòi hỏi một cú hích lớn từ các doanh nghiệp và của chính phủ để tận dụng được cơ hội từ các dòng vốn ngoại.

Hoạt động mua bán sáp nhập sẽ bùng nổ trong 2017 và 2018
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Báo cáo tổng hợp của Nhóm nghiên cứu MAF (Diễn đàn M&A Việt Nam) cho biết, theo thống kê của Viện Mua bán - sáp nhập Thụy Sỹ (IMAA), tổng giá trị M&A năm 2016 tại Việt Nam đạt mốc kỷ lục 5,8 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015.

Điểm sáng của hoạt động M&A Việt Nam 2016 đến từ các thương vụ lớn trong ngành bán lẻ như thương vụ nhà đầu tư Thái Lan mua lại Big C và Metro và các thương vụ thoái vốn nhà nước mà điển hình là SCIC thoái tiếp vốn nhà nước tại Vinamilk cho F&N.

Tuy nhiên, các thương vụ lớn tập trung chủ yếu vào giai đoạn nửa đầu năm 2016. Từ cuối năm 2016 đến nay, thị trường bắt đầu có dấu hiệu chững lại khi chưa có nhiều thương vụ lớn và có chất lượng được công bố. Tổng giá trị M&A tại Việt Nam quý I/2017 theo IMAA mới đạt 1,1 tỷ USD (bằng 75,6% mức bình quân quý của 2016).

Theo IMAA, xét về quy mô thị trường, tăng trưởng của thị trường M&A tại Việt Nam là đáng ghi nhận, tuy nhiên quy mô thị trường vẫn ở mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. 

Cụ thể, tổng giá trị M&A năm 2016 của thị trường Singapore đạt 62,3 tỷ USD, vượt xa so với mức 11 - 16 tỷ USD của các nước Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Thị trường Việt Nam có quy mô bằng 86,22% so với thị trường Phillippines, quốc gia có tổng giá trị M&A 2016 đạt 6.75 tỷ USD.

Xét về quy mô thương vụ, thị trường Việt Nam vẫn chủ yếu là các giao dịch nhỏ với quy mô 3 - 4 triệu USD (tương đương 60 - 80 tỷ VND), các giao dịch quy mô nhỏ chiếm tới 64,16% về giá trị và chiếm tới trên 90% về số lượng thương vụ.

Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô lớn từ 20 – trên 100 triệu USD. Trong những năm qua đã xuất hiện những thương vụ chuyển nhượng những công ty hoặc hệ thống có tài sản lớn, quy mô trên 1 tỷ USD tại thị trường Việt nam. 

Nếu xét các thương vụ M&A theo ngành, về giá trị các ngành bán lẻ, công nghiệp tiêu dùng, bất động sản tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam. Đây cũng là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước.  

Tuy nhiên, số lượng thương vụ lại tập trung nhiều nhất trong các ngành: công nghiệp, nguyên vật liệu và sản xuất hàng tiêu dùng. Các ngành này chiếm 53% số lượng thương vụ M&A tại Việt Nam.

Tính theo quốc gia đầu tư, các yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm qua là làn sóng tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực mà điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam. 

Trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại, và Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ và vật liệu - hóa chất với mục tiêu mở rộng thị trường. Hàn Quốc thực hiện một số thương vụ trong lĩnh vực thực phẩm và tài chính – ngân hàng.

Theo đánh giá của các chuyên gia M&A từ IMAA Thụy Sỹ, có nhiều thách thức đối với tăng trưởng M&A tại Việt Nam năm 2017. Những thách thức có thể kể đến như: Sự cạnh tranh trong việc thu hút dòng vốn ngoại với các quốc gia trong khu vực, những trở ngại từ cổ phần hóa tại Việt nam, chất lượng doanh nghiêp và quy mô nền kinh tế. 

Để giá trị M&A đạt được ít nhất như 2016, đòi hỏi sự mạnh mẽ của nhà nước trong việc thoái vốn các tập đoàn, tổng công ty lớn. Theo đánh giá của Chính phủ cũng như của các nhà đầu tư thì tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 còn chậm. Đồng thời, thị trường cần có một cú hích mới và những nhân tố đột phá.

IMAA dự báo năm 2017, nếu không có những yếu tố đột phá, giá trị M&A sẽ không dễ vượt qua con số 5,8 tỷ USD của 2016. Điều này đòi hỏi một cú hích lớn từ các doanh nghiệp và của chính phủ để tận dụng được cơ hội từ các dòng vốn ngoại.