Hợp tác xã chuyển mình tích cực

Hoàng Đông - 09:37, 03/02/2024

TheLEADERTrong giai đoạn 2012 – 2023, hơn 70% hợp tác xã mới thành lập có các thành viên sáng lập là người trẻ, có nhiều nhiệt huyết cũng như kiến thức, trình độ về khởi nghiệp, thổi một luồng sinh khí mới vào mô hình kinh tế tập thể.

Hợp tác xã chuyển mình tích cực
Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã giải quyết tốt vấn đề việc làm, thu nhập cho một bộ phận người lao động. Ảnh: Hoàng Anh

Gần 80 năm về trước, mô hình kinh tế hợp tác xã chính thức xuất hiện tại Việt Nam, sau đó nhanh chóng phát triển và góp phần quan trọng vào công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế ở miền Bắc và tri viện cho kháng chiến tại miền Nam.

Theo suốt tiến trình lịch sử phát triển kinh tế, có những lúc mô hình hợp tác xã không theo kịp với sự biến chuyển của nền kinh tế, rơi vào khó khăn, thua lỗ. Tính đến hiện nay, dù có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ nhưng theo nhiều chuyên gia, kinh tế hợp tác xã vẫn là thành phần “yếu” nhất nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, trong giai đoạn vừa qua, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có những chuyển biến tích cực. Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2023, hơn 70% hợp tác xã thành lập mới có thành viên sáng lập là những người trẻ, trong độ tuổi từ 27 – 40.

Bà Vân cho biết, những người trẻ này không chỉ tràn đầy nhiệt huyết mà còn sở hữu kiến thức, trình độ về các lĩnh vực khởi nghiệp. Nhờ đó, các hợp tác xã thành lập mới đã mạnh dạn áp dụng những giải pháp về công nghệ, nguồn nhân lực, vốn, tín dụng để tạo ra những phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Tiêu biểu phải kể đến Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh ở tỉnh Bến Tre, đã liên kết chặt chẽ với Công ty TNHH Chế biến dừa Lương Quới trong việc xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu dừa hữu cơ. Nhờ đó, hơn 40 thành viên trong hợp tác nhận được lợi nhuận trực tiếp cao hơn 15 – 20% so với phương thức canh tác thông thường.

Hay như Hợp tác xã Khiết Tâm ở TP. Cần Thơ, nhờ hợp tác với doanh nghiệp, viện nghiên cứu, đã thành công sản xuất lúa, gạo đạt chuẩn GlobalGAP, bán được với giá cao 500 nghìn – 700 nghìn đồng mỗi tấn.

Tại Yên Bái, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Thắng Lợi thành công ứng dụng kinh tế tuần hoàn, tái chế rác thải cao su thành dầu đốt, khí đốt, than carbon. Không chỉ giải quyết bài toán môi trường, hợp tác xã này còn tạo ra lợi nhuận khoảng 2 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho gần 150 lao động tại địa phương.

Một số hợp tác xã như Ba khía Đầm Dơi, Vườn nhà Đà Lạt tích cực ứng dụng các mạng xã hội, đặc biệt là Tik Tok, từ đó thổi hồn vào những sản phẩm hữu cơ, truyền thống, vừa nâng cao doanh số, vừa góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc.

Thành công của những hợp tác xã kể trên đã góp phần tích cực cải thiện bức tranh chung của mô hình kinh tế tập thể. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến năm 2022, doanh thu bình quân của mỗi hợp tác xã đạt gần 3,6 tỷ đồng mỗi năm, tăng 35% so với năm 2021.

Trung bình mỗi hợp tác xã lãi khoảng hơn 360 triệu đồng mỗi năm, tăng 71% so với năm 2021, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong hợp tác xã đạt 56 triệu đồng mỗi năm.