Khám… sức khỏe tài chính FLC

Lam Giang - 10:00, 06/04/2022

TheLEADERViệc cấu trúc lại các khoản vay ngân hàng đã giảm áp lực chi phí tài chính cho Tập đoàn FLC. Cụ thể, năm ngoài tập đoàn chỉ phải trả 375 tỷ đồng chi phí lãi vay so với con số hơn 560 tỷ đồng của năm 2020.

Khám… sức khỏe tài chính FLC
Một dự án bất động sản du lịch của FLC tại Bình Định.

Ngay sau khi ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị tạm giam để phục vụ công tác điều tra, các ngân hàng cung cấp vốn lớn cho tập đoàn này đã đồng loạt lên tiếng khẳng định các khoản cho vay đều đúng quy định và có tài sản bảo đảm.

Ngân hàng nói gì?

Tính đến cuối năm 2021, Sacombank là ngân hàng có dư nợ lớn nhất tại Tập đoàn FLC với hai hợp đồng tín dụng dài hạn (5 năm và 10 năm). Thông báo phát đi tối 30/3, ngân hàng này nhấn mạnh rằng, FLC Group đang hoạt động bình thường và thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng.

Trong khi ông Nguyễn Đình Tùng, CEO của ngân hàng OCB, trả lời báo chí cho biết, các tài sản bảo đảm là bất động sản mà FLC Group đang thế chấp tại OCB có giá trị cao hơn nhiều giá trị các khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng. Ông Tùng cho biết thêm từ trước đến nay FLC luôn trả nợ đúng hạn, chưa bao giờ xảy ra nợ xấu.

OCB là ngân hàng đã đồng hành nhiều năm với Tập đoàn FLC. Đầu năm 2019, hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm gia tăng việc hợp tác thông qua các sản phẩm dịch vụ của hai bên. Khi đó, ban lãnh đạo của OCB đánh giá FLC Group là một doanh nghiệp đang có nhiều triển vọng phát triển, đặc biệt khi tập đoàn ra mắt hãng hàng không Bamboo Airways.

Còn với NCB, ngân hàng này cho biết FLC hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hai lĩnh vực kinh doanh là du lịch nghỉ dưỡng và hàng không bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong suốt hai năm vừa qua. Giai đoạn khó khăn nhất đã qua, các hoạt động du lịch và hàng không đều đã dần khởi sắc, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường, doanh nghiệp có nguồn thu và dòng tiền để tự tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ với ngân hàng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, tổng các khoản vay ngân hàng của FLC Group đến cuối năm ngoái khoảng 6.200 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2020.

Mức nợ vay tài chính này bằng 18,36% so với tổng tài sản và bằng 63,5% so với vốn chủ sở hữu của FLC vào cuối 2021.

Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và các hoạt động tài chính của FLC dương, cho thấy các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn được duy trì ổn định. Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động đầu tư tăng mạnh do việc mở rộng quy mô đầu tư trong năm 2021.

Cấu trúc kỳ hạn vay nợ của FLC đã thay đổi tích cực trong năm ngoái với việc tỷ trọng nợ vay ngắn hạn giảm xuống 32% từ mức 67% năm 2020. Ngược lại phần lớn các khoản nợ vay là dài hạn, cá biệt có khoản vay kỳ hạn 10 năm tại Sacombank, hay 12 năm và 16 năm tại BIDV.

Việc cấu trúc lại các khoản vay ngân hàng đã giảm áp lực chi phí tài chính cho Tập đoàn FLC. Cụ thể, năm ngoài tập đoàn chỉ phải trả 375 tỷ đồng chi phí lãi vay so với con số hơn 560 tỷ đồng của năm 2020.

Nguồn thu có gì mới?

Theo BCTC kiểm toán của FLC, trong khi giảm nhẹ quy mô vay nợ, FLC Group đã tăng thêm gần 1.000 tỷ đồng nguồn vốn từ các khoản người mua cá nhân trả tiền trước. Cụ thể, đến cuối năm 2021, người mua cá nhân đã trả trước cho tập đoàn hơn 4.644 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các khoản tiền nộp theo tiến độ mua các sản phẩm bất động sản của tập đoàn.

Hiện FLC Group đang phát triển một loạt dự án bất động sản tại Hạ Long, Quảng Bình, Bình Định, Sầm Sơn, Đồng Tháp, Kon Tum, Gia Lai, Hà Nội…. với tổng giá trị xây dựng dở dang khoảng 7.245 tỷ đồng, tăng thêm gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2020. Đồng thời các sản phẩm bất động sản hoàn thiện đang tồn kho của FLC Group hiện còn ghi nhận gần 1.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, FLC cho biết, tập đoàn đang ghi nhận các khoản phải thu, đặt cọc hợp tác đầu tư vào nhiều dự án khác trên cả nước. Theo FLC, tập đoàn có khoảng 300 dự án đang được xúc tiến pháp lý trên hơn 40 tỉnh thành. Ban lãnh đạo tập đoàn đặt mục tiêu sẽ hoàn thành pháp lý để tiếp tục triển khai hàng loạt dự án trong năm nay.

Trong một động thái khác, FLC đã giảm tỷ lệ sở hữu tại hãng hàng không Bamboo Airways xuống 21% và không còn hợp nhất số liệu tài chính của hãng bay này vào báo cáo tài chính.

Soi sức khỏe tài chính của FLC
Nguồn nhân lực hoạt động của Bamboo Airways chưa bị ảnh hưởng.

Trước đó ông Trịnh Văn Quyết là cổ đông lớn nhất sở hữu hơn 50% của Bamboo Airways. Số cổ phần này cùng với cổ phần tại FLC đã được ông Quyết ủy quyền cho bà Đặng Vũ Hải Yến, Phó tổng giám đốc của FLC.

Văn bản mới đây của Cục hàng không Việt Nam cho biết, vụ việc của ông Quyết chưa ghi nhận sự xáo trộn, thay đổi có ảnh hưởng đến nguồn nhân lực hoạt động của Bamboo Airways.

Hãng bay cam kết duy trì hoạt động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với hành khách, các hợp đồng với các nhà cung cấp dịch vụ hàng không, hợp đồng thuê tàu bay, hợp đồng liên quan đến khai thác bảo dưỡng tàu bay; đồng thời tiếp tục phát triển mở rộng đường bay, đội bay theo định hướng, kế hoạch.

Cục Hàng không cũng cho biết chưa nhận được bất kì văn bản nào của các chủ tàu bay yêu cầu thanh toán và dừng khai thác tàu bay cho Bamboo Airways thuê.

Để hỗ trợ Bamboo Airways hoạt động an toàn, Cục Hàng không sẽ chủ động theo dõi, lập danh mục các hạng mục công việc bảo dưỡng, khai thác và kế hoạch huấn luyện của Bamboo Airways trong 6 tháng tới.

Hiện nay, Bamboo Airways đang khai thác đội tàu bay gồm 29 máy bay, bao gồm các dòng tàu bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, máy bay thân hẹp Airbus A320/A321 và phản lực Embraer. Các tàu bay của Bamboo Airways được thuê từ các công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới như GECAS của Mỹ.