Leader talk
Khát vọng doanh nhân Sao Đỏ thế hệ mới
Là một doanh nhân thời hội nhập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Khoáng sản và xây dựng Bình Dương (KSB) Phan Tấn Đạt đang trở thành một trong những gương mặt nổi bật trong cộng đồng doanh nhân trẻ với triết lý phát triển bền vững luôn được đặt lên hàng đầu.
Anh cảm nhận như thế nào khi trở thành một trong mười doanh nhân Sao Đỏ năm 2019?
Anh Phan Tấn Đạt: Tôi rất vui và tự hào vì những thành quả đã đạt được sau một thời gian dài cố gắng song trách nhiệm đi kèm cũng không hề nhỏ. Đó là trách nhiệm giữ vững thành công, tiếp tục cố gắng phấn đấu thay vì tự mãn với thành quả đạt được. Đó còn là trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm hỗ trợ và tiếp lửa cho các thế hệ doanh nhân trẻ khác.
Doanh nhân ở các thời đại khác nhau sẽ có những con đường khác nhau để đạt được thành công nhưng điều quan trọng là các thế hệ đi trước cần truyền cảm hứng cho lớp trẻ, khơi dậy và giữ vững tinh thần kinh doanh trong cộng đồng doanh nhân. Các thế hệ doanh nhân lớp sau giỏi nhưng còn thiếu kiến thức và kinh nghiệm về vốn sống nên cần học hỏi và được đàn anh, đàn chị dẫn dắt và định hướng với những chương trình cụ thể như hỗ trợ khởi nghiệp, ươm mầm thế hệ trẻ tài năng…
Đâu là những bài học anh rút ra từ các thế hệ doanh nhân đi trước?
Anh Phan Tấn Đạt: Tôi học được các anh chị đi trước rất nhiều về năng lực quản trị, bài học về giữ chữ tín trong làm ăn, cách hoạch định mục tiêu, chiến lược, nhìn nhận khả năng của bản thân và những câu chuyện kết nối.
Chẳng hạn, nhân sự chủ chốt ở KSB từng lo rằng liệu những giá trị truyền thống có bị thay đổi bởi các nhà quản trị, điều hành mới hay không. Khi nắm quyền điều hành tại KSB, tôi luôn đề cao chữ tín, đó là cam kết của ban điều hành với người lao động, cổ đông và đối tác. Những kết quả mà KSB đạt được trong ba năm qua đã chứng mình một điều: lợi nhuận phải hài hòa giữa lợi ích của cổ đông và người lao động. Tại KSB những đóng góp đều được ghi nhận và các cá nhân đóng góp vào thành công chung của công ty đều được tưởng thưởng xứng đáng.
Vậy theo anh, các tố chất mà doanh nhân thế hệ trẻ cần có là gì?
Anh Phan Tấn Đạt: Tôi cho rằng, thế hệ đi sau trước hết cần trang bị về nền tảng kiến thức và nhân cách, đạo đức. Người đi sau có nhiều điều kiện hơn, nhưng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, doanh nhân càng cần trang bị các kiến thức và kỹ năng mới.
Sức trẻ và nhiệt huyết thì doanh nhân sinh ra ở giai đoạn nào cũng có nhưng mỗi giai đoạn sẽ có cách làm, cách quản trị khác nhau. Doanh nhân thế hệ mới cần biết ứng dụng các sản phẩm khoa học công nghệ mới vào kinh doanh, quản trị.
Một điểm nữa cần nhấn mạnh là thế hệ doanh nhân trẻ cần biết áp dụng những kỹ thuật quản trị hiện đại. Ví dụ, thay vì thiếu tin tưởng vào cấp dưới hay lo lắng về sự thất bại của những người thiếu kinh nghiệm để rồi “ôm việc” thì tôi luôn giữ nguyên tắc “trao quyền”. Trao quyền là trao sự tin tưởng nhưng đòi hỏi trách nhiệm đi kèm. Mình phải tin vào cấp dưới và giao việc cho họ thì mới có thể nghĩ xa, nghĩ lớn.
Trong thời gian gần đây, hai chữ “khát vọng” được nhắc đến rất nhiều, anh nhìn nhận như thế nào về khát vọng trong cộng đồng doanh nhân trẻ hiện nay?
Anh Phan Tấn Đạt: Với doanh nhân, ai cũng có sẵn trong mình một khát vọng đưa doanh nghiệp phát triển mạnh hơn, quy mô ngày càng lớn, không chỉ thành công trong nước mà còn vươn tầm quốc tế; ngày càng thành công để rồi gia tăng đóng góp cho xã hội. Không chỉ phát triển mạnh mà còn phải mang khát vọng trường tồn, để doanh nghiệp phát triển liên tục, bền vững.
Khát vọng không chỉ của từng cá nhân mà còn phải đặt trong một sự kết nối, nhiều người phải cùng một khát vọng thì mới thành công được. Nhiều doanh nghiệp góp lại sẽ tạo thành khát vọng của cả một xã hội, của cả một dân tộc.
Có nhiều cách để kết nối như: kết nối về tư tưởng, tầm nhìn, chiến lược; kết nối khát vọng, kết nối các doanh nhân. Câu lạc bộ Sao Đỏ cũng chính là một sự kết nối để cùng nhau đưa ra ý tưởng, chiến lược, mục tiêu; vẽ ra những bức tranh trong 5 - 10 năm tới và xác định vị trí, vai trò của các doanh nhân trong bức tranh chung đó. 107 doanh nhân Sao Đỏ được công nhận qua 20 năm hiện đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại các công ty lớn nên khi đi cùng nhau sẽ tạo ra sự kết nối rất mạnh mẽ.
Vậy đâu là khát vọng của riêng anh?
Anh Phan Tấn Đạt: Với tư cách chủ doanh nghiệp, tôi muốn xây dựng một doanh nghiệp phát triển theo đúng nghĩa bền vững; tuân thủ các mục tiêu, chiến lược phát triển bền vững theo tiêu chuẩn của Liên Hợp Quốc; phát triển quy mô, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận. Tại KSB chúng tôi đưa ra sứ mệnh: phát triển bền vững và hài hòa lợi ích. Tôi mong từng cá nhân của công ty đều khát khao thành công và ý thức về trách nhiệm với gia đình, tổ chức và cộng đồng, xã hội.
Còn với tư cách Sao Đỏ, tôi cũng muốn đóng góp một phần cho sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước để tạo ra bức tranh của nền kinh tế tươi sáng hơn trong tương lai, làm nên một đất nước hùng cường. Sao Đỏ là những con người ưu tú đại diện cho các doanh nghiệp ưu tú, khi kết nối lại sẽ tạo ra một bức tranh có tính chiều sâu. Doanh nhân Sao Đỏ sẽ là những con sếu đầu đàn, dẫn dắt các doanh nghiệp khác cùng phát triển.
Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu quan trọng ở KSB. Theo anh, câu chuyện phát triển bền vững ở doanh nghiệp cần bắt đầu từ đâu?
Anh Phan Tấn Đạt: Tôi cho rằng cần xuất phát từ ý chí của lãnh đạo doanh nghiệp để từ đó có chiến lược và hành động cụ thể, phù hợp bởi có những doanh nghiệp bỏ qua các yếu tố về phát triển bền vững mà đặt chiến lược tập trung vào tăng trưởng về quy mô, doanh số.
Đương nhiên khi đưa ra ý kiến sẽ cần tạo được sự ủng hộ của tập thể nhưng người đứng đầu phải lựa chọn chiến lược cho doanh nghiệp của mình. Phát triển bền vững chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian hơn.
Phát triển bền vững, đi chậm mà chắc liệu có mâu thuẫn với ý kiến “trong bối cảnh hiện nay, ai đi nhanh người đó thắng”?
Anh Phan Tấn Đạt: Phát triển bền vững không có nghĩa là đi chậm, chỉ là mình chọn cách đi khác hơn. Trong ngắn hạn, một năm, hai năm có thể chậm, nhưng nếu vạch ra chiến lược 5 năm, 10 năm thì chưa chắc đã chậm. Ví dụ, doanh nghiệp sẽ có khả năng cao thu hút các nhà đầu tư, quỹ đầu tư nước ngoài hay các tổ chức tài chính quốc tế rất quan tâm đến các tiêu chí về phát triển bền vững được thực hiện trong doanh nghiệp.
Nếu làm được, các nhà đầu tư này sẽ hợp tác và hỗ trợ doanh nghiệp rất nhiều, doanh nghiệp chắc chắn sẽ đi nhanh hơn. Cần phải biết “dựa thế kẻ mạnh”, “đi trên vai người khổng lồ”, để đi nhanh nhưng chắc chắn mà không hề chộp giật. Có thể sẽ không đạt được mục tiêu trong một năm, hai năm nhưng chiến lược của doanh nghiệp không thể trong vòng một năm, hai năm mà phải 5 năm, trong dài hạn. Thành công phải được tính toán trong một giai đoạn lâu dài.
Theo anh, liệu Việt Nam có thể có các doanh nghiệp quốc gia như Samsung của Hàn Quốc hay Sumitomo của Nhật Bản…?
Anh Phan Tấn Đạt: Samsung, Mitsubishi… là các tập đoàn đa ngành với xu thế mở cửa và quy mô thị trường khác so với các doanh nghiệp Việt Nam. Xu hướng hình thành những tập đoàn như vậy đã có ở Việt Nam rồi. Việt Nam cũng đã có các tập đoàn lớn, đã có các thương hiệu quốc gia nhưng không được thế giới nhắc đến là doanh nghiệp quốc gia vì quy mô kinh tế nước mình còn nhỏ. Sự phát triển của Việt Nam trong vòng mười năm gần đây chưa thể nói lên được mình sẽ xây dựng được tương đương với họ, nhưng xu hướng hình thành thì đã có rồi.
Nếu có thể bắt tay nhau cùng tiến ra nước ngoài thì tương lai của các tập đoàn đa quốc gia mang thương hiệu Việt Nam mới có thể chạm đến; còn nếu chỉ ở trong phạm vi Việt Nam, quy mô quá nhỏ bé và không được nói đến nhiều.
Anh có khát vọng đưa KSB trở thành một doanh nghiệp quốc gia hay không?
Anh Phan Tấn Đạt: Ai cũng có khát vọng, ước mơ, hoài bão đạt được mục tiêu đó, tuy nhiên cần phải nằm trong một dự định, chiến lược rất lâu dài chứ không thể xây dựng thương hiệu doanh nghiệp quốc gia một sớm một chiều. Có thể 10 năm, 20 năm, 30 năm nữa, nếu doanh nghiệp tiếp tục phát triển mạnh thì biết đâu mình sẽ có một thương hiệu như vậy!
Có những ý kiến cho rằng khởi nghiệp gần đây chủ yếu theo phong trào, số doanh nghiệp lập mới rất nhiều và số doanh nghiệp giải thể cũng không hề ít. Anh nghĩ gì về điều này?
Anh Phan Tấn Đạt: Số liệu doanh nghiệp mới thành lập hay doanh nghiệp giải thể chỉ mang tính chất của con số quản lý, không nói lên được gì về sự phát triển. Chẳng hạn, để làm tăng số lượng doanh nghiệp hoạt động, chỉ cần thay đổi một điều khoản trong quy định trong khi không ảnh hưởng đến giá trị nền kinh tế.
Ví dụ, có những hộ gia đình mỗi năm thu nhập hàng nghìn tỷ đồng. Nếu Chính phủ yêu cầu tất cả các hộ gia đình phải lên doanh nghiệp thì mỗi năm sẽ có cả triệu doanh nghiệp nhưng nền kinh tế sẽ không có gì đột biến.
Còn khởi nghiệp là câu chuyện tốt, không phải là phong trào. Đừng nhìn số lượng doanh nghiệp thành lập mới hay số doanh nghiệp ra đi để đánh giá câu chuyện khởi nghiệp. Càng nhiều người khởi nghiệp, càng nhiều người có ước mơ, càng nhiều khát vọng làm giàu thì đó càng là tín hiệu tốt cho nền kinh tế đất nước trong tương lai.
Nếu chỉ là phong trào theo cách nghĩ đơn thuần và có phần tiêu cực như hiện nay thì sẽ nổi lên một thời gian ngắn rồi tắt, nhưng phong trào khởi nghiệp được phát động, kéo dài liên tục và được hỗ trợ liên tục từ các cơ quan quản lý nhà nước hay các tổ chức, doanh nghiệp đi trước. Chính xác thì đó là một xu thế khởi nghiệp. Phong trào là một thứ rất cần thiết để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp.
Và theo tôi, khởi nghiệp nên là một chương trình hành động của Chính phủ như đã nêu trong những chiến lược hành động gần đây. Chẳng hạn, trên thế giới đã có nhiều quốc gia thành công với chương trình như vậy, nổi bật là Israel. Chỉ bản thân doanh nghiệp nỗ lực là chưa đủ, cần có sự hỗ trợ và quyết tâm của Chính phủ. Samsung hay Sumitomo sẽ khó thành thương hiệu toàn cầu nếu không được trợ lực từ Chính phủ Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Anh có quan điểm như thế nào về đạo đức trong kinh doanh?
Anh Phan Tấn Đạt: Đạo đức trong kinh doanh là một điều quan trọng, môn đầu tiên các trường đại học về kinh tế cần dạy phải là môn Đạo đức trong kinh doanh. Là doanh nhân, phải có đạo đức, biết giữ chữ tín thì mới thành công được.
Đạo đức trong kinh doanh được thể hiện qua rất nhiều câu chuyện, hành động khác nhau; từ việc tạo ra sản phẩm và dịch vụ chất lượng tương xứng với thông điệp doanh nghiệp truyền đạt đến người tiêu dùng, tuân thủ đúng pháp luật và đóng góp cho xã hội. Đạo đức trong kinh doanh rất rộng, nhưng có thể gói gọn lại bằng tính trung thực, tôn trọng lợi ích khách hàng, đối tác, môi trường và xã hội như triết lý win-win-win gần đây chúng ta vẫn nói.
Việc giữ đạo đức trong kinh doanh liệu có khó hay không trong bối cảnh ai cũng phải gồng mình tínhchuyện cơm áo gạo tiền cho gia đình mình và cho gia đình hàng chục, hàng trăm, hàng nghìn người lao động?
Anh Phan Tấn Đạt: Đạo đức kinh doanh mới là yếu tố giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững. Kinh doanh đặt mục tiêu thu lợi nhuận cao bằng mọi giá thì có thể thành công trong ngắn hạn nhưng chắc chắn đổ vỡ về sau. Dù có nhiều áp lực khác nhau nhưng nếu mỗi doanh nhân có ý thức xây dựng và hoàn thiện nhân cách thì việc giữ được nhân cách tốt sẽ không phải là chuyện khó. Đạo đức kinh doanh phải xuất phát từ ban đầu, phải có ý chí xây dựng từ đầu và thực hiện qua thời gian.
Ý chí của lãnh đạo đã có nhưng làm sao có thể thông suốt các giá trị và tư tưởng đó xuống các cấp dưới và lan tỏa ra xã hội?
Anh Phan Tấn Đạt: Người lãnh đạo phải biết truyền đạt ý tưởng và khơi dậy cảm hứng cho những người cùng tổ chức, từ hội đồng quản trị đến ban điều hành và các cấp ở dưới; để họ hiểu được rằng chiến lược và đường đi như vậy là tốt và phù hợp với doanh nghiệp trong tương lai.
Ý tưởng cũng cần được cụ thể hoá về phương pháp luận, dùng các cơ sở lý luận chặt chẽ để chứng minh được sự đúng đắn của chiến lược đối với sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai, phải giải thích được vì sao chiến lược này tốt cho doanh nghiệp mà không phải chiến lược khác.
Bên cạnh đó, cũng phải cho họ thấy định hướng rõ ràng, cụ thể, những lộ trình và bước đi mà họ sẽ thực hiện. Ví dụ, trong một kế hoạch với lộ trình 5 năm thì cần có lựa chọn hướng phát triển nào, nhanh, hài hòa hay không quá nhanh nhưng bền vững.
Chiến lược cũng phải nằm trong khả năng và nguồn lực của doanh nghiệp, không nên đưa ra những thứ quá cao siêu, viển vông, tập thể cũng sẽ thấy mơ hồ và chắc chắn không đồng ý. Chiến lược được thông qua sẽ được cụ thể hóa, không cụ thể hóa được thì coi như chiến dịch thất bại, phải thay đổi.
Xin cảm ơn anh!
Hành trình 20 năm Sao Đỏ
Chủ tịch Deloitte Hà Thu Thanh: Thế hệ doanh nhân Sao Đỏ sẽ bứt phá
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng cùng với sự bùng nổ của công nghệ, các doanh nhân trẻ của Việt Nam sẽ cần nhiều yếu tố để có thể lớn mạnh xây đất nước hùng cường. Trong đó, tinh thần sẵn sàng kết nối cũng như minh bạch trong quản trị là những giá trị cốt lõi.
Chân dung 10 doanh nhân Sao Đỏ 2019
Mười doanh nhân Sao Đỏ 2019 sau ba vòng tuyển chọn nghiêm túc và chất lượng vừa được vinh danh tối ngày 18/12/2019.
Sao Đỏ 2019: Hình mẫu doanh nhân trẻ thời đại mới
Mười doanh nhân Sao Đỏ thế hệ mới vừa được vinh danh tối ngày 18/12/2019 đều là những cái tên ấn tượng, là những tấm gương tiêu biểu của thế hệ doanh nhân trẻ mới, năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết.
Hành trình 20 năm Sao Đỏ
Doanh nhân Sao Đỏ với sứ mệnh là những con sếu đầu đàn đang mãi toả sáng và không ngừng tiếp lửa cho các thế hệ doanh nhân Việt để cùng chinh phục giấc mơ thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Gen Z: Làn gió mới của thị trường bất động sản và cách hoá giải thách thức quản trị
Thấu hiểu con người và tâm tư của nhân sự trẻ để tạo môi trường giúp họ phát huy tối đa tiềm năng là chìa khóa giúp doanh nghiệp vươn xa.
Bộ quy tắc đạo đức mới quyết định tương lai môi giới bất động sản
Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản vừa được công bố đã đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc xây dựng ngành môi giới chuyên nghiệp, bền vững.
Nhiều đổi mới ở Giải thưởng Sách Quốc gia lần VII
Giải thưởng Sách Quốc gia, sự kiện văn hóa thường niên khởi xướng từ năm 2017, đã lan tỏa tri thức và giá trị văn hóa đến với độc giả.
Điểm mới của dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi
Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi bổ sung quy định thuế tối thiểu toàn cầu, ưu đãi thuế mới, tạo tác động lớn đến doanh nghiệp.
Vingroup và PV Power hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh
Vingroup và PV Power ký thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy hệ thống điện mặt trời áp mái.
Sandoz khởi động chương trình cộng đồng phòng, chống đề kháng kháng sinh
Sáng ngày 22/11/2024, công ty Sandoz đã chính thức phát động chương trình cộng đồng về phòng, chống kháng kháng sinh (AMR) tại Việt Nam.
Chúng ta đã đi bao xa trên con đường phát triển bền vững
Có lẽ đã đến lúc thay đổi góc nhìn về triển vọng và thực tiễn của sự phát triển bền vững tại Việt Nam.