Khối nợ khổng lồ hơn 1,5 triệu tỷ đồng của các 'ông lớn' nhà nước
An Chi
Thứ năm, 26/10/2017 - 06:23
Nhiều doanh nghiệp nhà nước ghi nhận mức lợi nhuận âm, nợ hàng nghìn tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp lợi nhuận âm
Chính phủ vừa có Báo cáo hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong phạm vi toàn quốc năm 2016 trình Quốc hội. Tính đến thời điểm kết thúc năm 2016, có 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó có 7 tập đoàn kinh tế và 67 tổng công ty nhà nước.
Tổng tài sản của các doanh nghiệp là 3.053.547 tỷ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015. Tỷ trọng tài sản cố định bình quân chiếm 36% tổng tài sản. Vốn chủ sở hữu là 1.398.183 tỷ đồng, tăng 4,3% so với năm 2015. Tổng doanh thu đạt 1.515.821 tỷ đồng, giảm 1% so với năm trước.
Riêng khối 7 tập đoàn đạt 934.721 tỷ đồng, giảm 2% so với thực hiện năm 2015, chiếm 62% tổng doanh thu của các doanh nghiệp toàn quốc.
Lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp Nhà nước đạt 139.658 tỷ đồng, giảm 14% so với thực hiện 2015. Trong đó, khối 7 tập đoàn đạt 78.870 tỷ đồng, giảm 25% so với thực hiện năm 2015, chiếm 56% tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp toàn quốc.
Đáng chú ý là Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam có số lợi nhuận năm 2016 là 26.517.266 triệu đồng, giảm 38% so với năm 2015 (năm 2015 lợi nhuận kế toán trước thuế của Tập đoàn là 42.892.206 triệu đồng).
Một số nguyên nhân chính là: giá dầu trung bình năm 2016 (43,69 USD/thùng) giảm so với 2015 (52,46 USD/thùng) dẫn đến giảm doanh thu, lợi nhuận trực tiếp tại các đơn vị khai thác, chế biến, kinh doanh xăng dầu và gián tiếp tại các đơn vị dịch vụ và các đơn vị khác. Tỷ lệ dầu trang trải chi phí tại Liên doanh Việt - Nga "Vietsovpetro" tăng từ 35% lên 45% áp dụng từ năm 2016 theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Nga dẫn đến lợi nhuận được chia từ Vietsovpetro giảm.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có số lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2016 là âm 335.078 triệu đồng, trong khi năm 2015 là 2.134.810 triệu đồng nguyên nhân chính do trong năm 2016 có 4 Công ty con bị lỗ: Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty CP DAP-Vinachem; Công ty Công ty cổ phần DAP số 2-Vinachem.
Các dự án, doanh nghiệp này nằm trong danh sách 12 dự án yếu kém, thua lỗ thuộc ngành Công Thương mà Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương tại Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 30/12/2016.
Hàng tồn kho tăng mạnh
Cũng theo Báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ - công ty con có tổng số hàng tồn kho là 190.852 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2015, chiếm 7%/Tổng tài sản (Công ty mẹ là 79.236 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2015, chiếm 4%/Tổng tài sản).
Trong đó, một số tập đoàn, tổng công ty có giá trị hàng tồn kho lớn như: Tổng công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp (26.270 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (21.105 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông quân đội (20.065 tỷ đồng); Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (17.748 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực Việt Nam(16.017 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (9.912 tỷ đồng);
Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị - HUD (8.815 tỷ đồng); Tổng công ty Thuốc lá VN (8.061 tỷ đồng); Tổng công ty Lương thực Miền Nam (3.654 tỷ đồng); TCT Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (3.092 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (2.840 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (2.679 tỷ đồng)...
Một số Công ty mẹ có giá trị tuyệt đối hàng tồn kho không lớn nhưng tỷ lệ hàng tồn kho/Tổng tài sản ở mức cao (trên 30%) như: Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (1.132 tỷ đồng, bằng 73%); Tổng công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị - HUD (6.301 tỷ đồng, bằng 65%); Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (17.861 tỷ đồng, bằng 41%); Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (2.011 tỷ đồng, bằng 34%)...
Hơn 1.500.000 tỷ đồng nợ phải trả
Theo báo cáo hợp nhất của các Tập đoàn, Tổng công ty có tổng số nợ phải trả là 1.537.292 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2015. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,22 lần (có 18 Tập đoàn, Tổng công ty có tỷ lệ Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần; Công ty mẹ là 20 đơn vị ).
Trong đó, báo cáo hợp nhất của một số Tập đoàn, Tổng công ty có nợ phải trả lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nợ phải trả 486.981 tỷ đồng (Công ty mẹ: 313.578 tỷ đồng); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nợ phải trả 338.586 tỷ đồng (Công ty mẹ: 87.483 tỷ đồng); Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, nợ phải trả 100.729 tỷ đồng (Công ty mẹ: 64.510 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, nợ phải trả 75.111 tỷ đồng (Công ty mẹ: 39.674 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, nợ phải trả 37.471 tỷ đồng (Công ty mẹ: 8.500 tỷ đồng); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam, nợ phải trả 25.848 tỷ đồng (Công ty mẹ: 19.117 tỷ đồng); …
Báo cáo của các Công ty mẹ, nợ nước ngoài là 265.298 tỷ đồng. Trong đó, Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 206.324 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là 24.066 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (19.276 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất là 4.558 tỷ đồng; Công ty mẹ - Tổng Công ty Sông Đà là 3.802 tỷ đồng.
Về lỗ phát sinh, theo báo cáo hợp nhất của 4 Tập đoàn,Tổng công ty (bao gồm số lỗ phát sinh của công ty mẹ và công ty con của Tập đoàn,Tổng công ty) là 1.305,026 tỷ đồng. Lỗ phát sinh theo báo cáo của 01 Công ty mẹ là 650,019 tỷ đồng .
Lỗ lũy kế: Báo cáo hợp nhất có 17 Tập đoàn,Tông công ty còn lỗ lũy kế là 12.504 tỷ đồng và 06 Công ty mẹ còn lỗ lũy kế là 4.595 tỷ đồng.
Nhận định từ Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Bộ Tài chính cho biết tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước hiện đang chậm. Như vậy, nhiều khả năng kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm nay sẽ khó hoàn thành.
Mới có 250 doanh nghiệp trong tổng số khoảng 800 doanh nghiệp nhà nước được các đơn vị quản lý vốn rà soát và báo cáo Bộ KH&ĐT, trong số này 72 dự án có dấu hiệu đầu tư không hiệu quả.
Từ việc “nhỏ giọt” công bố danh sách doanh nghiệp nhà nước cổ phần hoá hay thoái vốn thì Chính phủ sẽ công bố một Danh mục bao gồm tổng thể các doanh nghiệp của tất cả các bộ, ngành, địa phương cần bán vốn từ nay tới năm 2020 để các nhà đầu tư tiện theo dõi, tính toán đầu tư vào các lĩnh vực phù hợp.
Với chủ đề “Vật liệu cho tương lai bền vững”, tọa đàm của Quỹ VinFuture với các nhà khoa học hàng đầu thế giới, mang tới góc nhìn sâu sắc về vật liệu bền vững.
SeABank triển khai chương trình cho vay mua nhà lãi suất 0% tại dự án NewTown Diamond với mức lãi suất cho vay 0% và ân hạn trả nợ gốc lên tới 36 tháng.
Công ty CP Mù Cang Chải Discovery vừa ký kết thỏa thuận để Radisson Hotel Group quản lý vận hành khu nghỉ dưỡng ở địa danh nổi tiếng với ruộng bậc thang.
SHB lần thứ tư được vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất nhóm ngành tài chính, minh chứng cho những nỗ lực về phát triển bền vững.
Bamboo Capital được vinh danh là doanh nghiệp có báo cáo thường niên và tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tốt nhất tại cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết 2024.