Không ngừng đổi mới để đáp ứng người tiêu dùng thông minh

Phạm Sơn - 13:07, 20/01/2021

TheLEADERMuốn tồn tại trong cuộc chơi khi thị hiếu khách hàng không còn cố định, đổi mới sáng tạo là điều tất yếu.

Không ngừng đổi mới để đáp ứng người tiêu dùng thông minh
Những tác động từ đại dịch Covid-19 khiến năm 2020 trở thành năm bùng nổ của thương mại điện tử.

Thương mại điện tử, thanh toán phi tiền mặt là những từ khóa chính khi nhắc tới thị trường bán lẻ năm 2020, dưới sự vận động không ngừng của cách mạng công nghệ 4.0, xu thế chuyển đổi số cũng như chất xúc tác là đại dịch Covid-19.

Bình luận về xu thế tiêu dùng trong thời đại mới, ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho biết, người tiêu dùng ngày càng được tiếp cận với nhiều luồng thông tin từ mạng xã hội, internet.

Những thông tin này tạo ra ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định chi tiêu, đặt ra những cơ hội nhưng cũng là thách thức mới cho cộng đồng doanh nghiệp.

Người tiêu dùng “kết nối”

“Khách hàng là thượng đế” là phương châm, bí quyết được lưu truyền rộng rãi trong giới kinh doanh, mang ý nghĩa doanh nghiệp muốn thành công phải hướng tới người tiêu dùng, thay đổi để đáp ứng tối đa nhu cầu của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, điều này không phải dễ dàng khi xu hướng và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng đang biến đổi một cách nhanh chóng, thậm chí là chỉ “qua một đêm” như lời nhận xét của một số lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nielsen miền Bắc cho biết, theo những nghiên cứu gần đây, nhóm người tiêu dùng “kết nối” đang dần nắm vai trò chủ đạo, định hướng thị trường.

“Họ sử dụng mạng lưới kết nối thông qua internet, qua các phương tiện truyền thông hiện đại, nắm bắt được nhiều thông tin, trở nên thông minh hơn với mỗi lựa chọn chi tiêu”, bà Hà nhận định.

Ước tính, đến năm 2025, nhóm người tiêu dùng kết nối đạt tới 40 triệu người, chiếm 50% tiêu dùng xã hội, với xu hướng quan tâm và chi tiêu nhiều hơn cho những sản phẩm tốt cho sức khỏe, bên cạnh việc ưu tiên những dịch vụ, trải nghiệm mua sắm tiện ích, mua sắm trực tuyến.

Xu hướng này được minh chứng rõ nét qua những thông số của Tiki, một trong những sàn thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam. Theo tính toán, mỗi tháng có 40 triệu giao dịch được thực hiện trên Tiki, trong đó nhiều nhất là các tìm kiếm về sản phẩm sức khỏe, sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có xu hướng chịu tác động từ những thông tin được tiếp cận thông qua các phương tiện thông tin số, đặc biệt là mạng xã hội. Theo ông Trương Quang Việt, Phó tổng giám đốc Tổng công ty dịch vụ số Viettel, 61% người tiêu dùng trước khi ra quyết định mua sắm sẽ tham khảo thông tin trên mạng xã hội, bao gồm từ những thông tin cơ bản về công dụng, thành phần, giá cả, nơi sản xuất cho tới nhận xét, đánh giá hay so sánh với sản phẩm khác.

Trước thị trường ngày càng dễ tiếp cận thông tin, chúng tôi phải luôn cập nhật những sản phẩm tốt hơn, tiết kiệm điện hơn, hiệu năng cao hơn nhưng giá cũng phải rẻ hơn!
Ông Vũ Xuân Hiếu
Giám đốc điều hành Chương trình đầu tư công Intel

Ông Vũ Xuân Hiếu, Giám đốc điều hành Chương trình đầu tư công Intel Việt Nam nhận định, người tiêu dùng ngày càng tiếp cận với nhiều thông tin đặt ra áp lực rất lớn cho doanh nghiệp.

“Trước thị trường ngày càng dễ tiếp cận thông tin, chúng tôi phải luôn cập nhật những sản phẩm tốt hơn, tiết kiệm điện hơn, hiệu năng cao hơn nhưng giá cũng phải rẻ hơn”, ông Hiếu cho biết.

Đồng quan điểm với ông Hiếu, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc đối ngoại cấp cao Tiki miền Bắc nhận định, để đáp ứng được người tiêu dùng thông minh, doanh nghiệp cũng phải trở nên thông minh để tối ưu hóa không chỉ sản phẩm mà còn là cả trải nghiệm của khách hàng.

Miếng bánh to cho cuộc chơi lớn

Không ngừng đổi mới để đáp ứng người tiêu dùng thông minh 1
Bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc Nielsen miền Bắc.

Những tác động từ đại dịch Covid-19 khiến năm 2020 trở thành năm bùng nổ của thương mại điện tử. Người tiêu dùng bắt đầu “mua mọi thứ qua mạng”, từ quần áo, mỹ phầm, đồ gia dụng, nhu yếu phẩm cho tới đồ điện tử và các mặt hàng xa xỉ.

Tuy nhiên, có sự phân bố không đồng đều về tỷ lệ sử dụng thương mại điện tử giữa khu vực thành thị và nông thôn. Cụ thể, đa số người dùng thương mại điện tử tập trung tại 5 thành phố lớn nhất cả nước.

“80% doanh thu thương mại điện tử đến từ 20% dân số, 80% dân số còn lại đang là thị trường tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ. Như vậy, cuộc chơi này là miếng bánh đủ lớn cho các doanh nghiệp”, ông Quyền nhận xét.

Đồng quan điểm với ông Quyền, bà Hà nhận định, cơ hội lớn đang mở ra đối với doanh nghiệp Việt Nam để khai thác thị trường trong nước khi hàng nội địa ngày càng được ưa chuộng. Theo nghiên cứu của Nielsen, 58% người tiêu dùng cho biết sẽ dùng hàng nội địa nhiều hơn trong tương lai, cao hơn nhiều so với những quốc gia trong khu vực.

Bên cạnh đó, đại diện Nielsen chỉ ra 3 xu thế trong tương lai sẽ trở thành cơ hội, nhưng cũng là thách thức của doanh nghiệp.

Đầu tiên, người tiêu dùng không còn trung thành với thương hiệu. Theo khảo sát mới đây, 47% người tiêu dùng Việt Nam cho biết có nhu cầu “thử cái mới”, tiếp tục tìm kiếm để trải nghiệm những sản phẩm, dịch vụ chưa từng sử dụng.

Điều này là thách thức không hề nhỏ đối với các doanh nghiệp, thương hiệu đã phát triển nhưng cũng mở ra cơ hội lớn để doanh nghiệp mới, doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup “chen chân” vào thị trường. Muốn tồn tại trong cuộc chơi khi thị hiếu khách hàng không còn cố định, đổi mới sáng tạo là điều tất yếu.

Thứ hai, tính tiện lợi ngày càng được ưa chuộng, bao gồm tiện lợi về không gian, thời gian cũng như phương thức thanh toán. Mô hình hệ sinh thái cung cấp tích hợp các tiện ích cho người tiêu dùng sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Thứ ba, tính cá nhân hóa. Theo bà Hà, không chỉ đáp ứng nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp cần phải “đi trước khách hàng một bước”, đoán được khách hàng cần gì. Để làm được điều này, công nghệ dữ liệu lớn (big data) sẽ là nền tảng vô cùng quan trọng.

Tuy nhiên, tầm quan trọng của dữ liệu khách hàng gia tăng cũng đặt ra những thách thức về bảo mật và an ninh mạng.