Khủng hoảng nợ đang đè nặng nhiều doanh nghiệp

Phương Linh - 14:16, 19/10/2022

TheLEADERCác doanh nghiệp đang phải đối mặt với thách thức chưa từng có do doanh thu giảm sút, chi phí tăng cao khiến lợi nhuận giảm sụt giảm, trong khi tỷ lệ nợ lại tăng mạnh.

Khủng hoảng nợ đang đè nặng nhiều doanh nghiệp
Cuộc khủng hoảng nợ đang đè nặng các doanh nghiệp.

Theo TS. Đinh Ngọc Dương, Trưởng ban đào tạo tài chính quản trị (Viện Kinh tế và pháp luật quốc tế), các doanh nghiệp trong nước đang lâm vào bối cảnh hết sức khó khăn.

Minh chứng là trong tháng 9/2022 ghi nhận tỷ lệ số doanh nghiệp đã giải thể tăng cao so với cùng kỳ năm 2021, tăng hơn 150%. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể cũng có mức tăng rất mạnh 66,9%.

Trong tháng 9/2022, có 4.187 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.516 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại.

Theo ông Dương, tính đến hết tháng 8 đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã tăng gần 40% so với năm 2021, nhiều hơn cả trước khi xảy ra đại dịch. Điều này cho thấy khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải là rất lớn.

Trong đó, những nguyên nhân khách quan đến từ tình hình thế giới, Trung Quốc vẫn áp dụng chính sách zero Covid, chiến tranh giữa Nga – Ukraine, khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, lạm phát trên quy mô toàn cầu..., gây ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp.

Đối với trong nước, nguy cơ lạm phát cũng đang cận kề, người dân thắt chặt chi tiêu, thị trường tiêu dùng thu hẹp, thanh khoản bị hạn chế. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp ngày càng khó khăn. Doanh nghiệp thiếu dòng tiền để đưa vào vận hành, kinh doanh, phát triển dự án.

Ngành dịch vụ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 1,8 triệu khách, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 5 triệu khách. Khách du lịch Mỹ, Châu Âu giảm đáng kể, khách Nga đóng băng, cùng với đó, khách du lịch Châu Á, Đông Bắc Á cũng chỉ mở cửa cầm chừng.

Trước bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động và thu hẹp quy mô xuất kinh doanh.

Đơn cử như Công ty cổ phần Thép Pomina (Mã: POM) đã thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022 và đồng thời cắt giảm một số nhận sự để đảm bảo tình hình kinh doanh. Lợi nhuận quý II của doanh nghiệp này âm 62 tỷ đồng do chi phí tài chính tăng lớn. Giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được.

Trong khi đó, giá các sản phẩm từ thép, phôi thép quay đầu giảm liên tiếp từ đầu năm. Nhà máy phải đương đầu với khủng hoảng trong bối cảnh suy thoái kinh tế đang diễn trên toàn cầu với mức độ trầm trọng, phải tạm dừng hoạt động, kéo theo quyết định cho một số cán bộ nhân viên nghỉ việc.

Tại toạ đàm "Tăng cường các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19" do Đảng bộ quận Ba Đình tổ chức, ông Dương cho rằng, chi phí tăng cao trong khi thanh khoản xuống thấp cũng là thách thức chung của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Điều này đã làm thay đổi cấu trúc tài chính của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tăng tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần.

Đơn cử như Vietnam Airlines, vốn góp chủ sở hữu là hơn 20.000 tỷ đồng, một con số rất lớn nhưng do hoạt động kinh doanh liên tục thua lỗ do dịch bệnh, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp này không những mất vốn chủ sở hữu mà còn âm 5 nghìn tỷ đồng vốn chủ sở hữu.

Tỷ lệ nợ trên vốn quá lớn khiến doanh nghiệp không còn vốn góp chủ sở hữu. Điều này có nghĩa, 100% các hoạt động hiện nay của doanh nghiệp đều được tài trợ bằng vốn nợ.

Ông Dương cho rằng, các doanh nghiệp hiện đang đối mặt với thách thức chưa từng có. Doanh thu giảm, chi phí tăng cao khiến lợi nhuận giảm doanh nghiệp giảm sút, trong khi tỷ lệ nợ lại tăng mạnh. 

Cuộc khủng hoảng nợ đang đè nặng các doanh nghiệp. Cùng với đó là nguồn vốn tín dụng ngân hàng ngày càng thắt chặt, đang khiến doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn.

Trước bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc chờ đợi những chính sách hỗ trợ từ nhà nước, ông Dương cho rằng, trước hết các doanh nghiệp cần "tự cứu mình", thay đổi mô hình quản trị và tái cấu trúc để ứng phó với những thách thức đang hiện hữu.

Các mục tiêu ngắn hạn của doanh nghiệp cần được ưu tiên như mục tiêu về lợi nhuận, doanh số, cắt giảm chi phí, tinh gọn bộ máy làm việc. Các lĩnh vực ngành nghề kinh doanh không hiệu quả có thể bị đóng cửa, giải thể.

Cuộc tái cấu trúc các doanh nghiệp cần được diễn ra liên tục và kịp thời để thích nghi và vượt qua khó khăn.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra 4 dấu hiệu để doanh nghiệp phải tái cơ cầu. Thứ nhất là doanh số sụt giảm, thị phần thu hẹp, hoạt động trì trệ, mất dần tính cạnh tranh. Thứ hai là chất lượng sản phẩm không ổn định, khách hàng khiếu nại nhiều, công nợ lớn, hàng tồn kho tăng cao, không có thanh khoản. 

Thứ ba là nhân sự yếu kém, sự chồng chéo trong các bộ phận, bộ máy hoạt động kém hiệu quả. Thứ tư là doanh nghiệp hoạt động thiếu giá trị cốt lõi và mục tiêu dài hạn, khó có thể phát triển bền vững. 

Khi thấy rõ những dấu hiệu này, theo ông Dương, doanh nghiệp cần tái cơ cấu theo ba bước. Bước một là dự báo những thay đổi có thể xảy ra, ví dụ như sự thay đổi về chính sách, pháp luật.

Bước hai là mô tả rõ cấu trúc quản trị của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các quyết định quản trị phù hợp, linh hoạt, thích ứng với bối cảnh hiện tại. Và thứ ba là phân tích các yếu tố hiện tại và dự báo tương lai để tái cấu trúc phù hợp. 

Ông Dương cho rằng, tái cấu trúc để tinh gọn bộ máy, tập trung vào lĩnh vực hoạt động chính, mang lại lợi nhuận, thay đổi cơ cấu sản phẩm là điều rất cấp bách với các doanh nghiệp hiện nay. Doanh nghiệp cần sắp xếp lại doanh nghiệp của mình, cơ cấu lại sản phẩm, cấu trúc tài chính và quản trị nếu muốn tồn tại và vượt qua giai đoạn khó khăn này.