Kịch bản giá điện khi giá LNG leo thang

Nguyễn Cảnh - 08:54, 11/07/2022

TheLEADERTheo Bộ Công thương, trong trường hợp giá LNG tăng cao trên thị trường thế giới, mức tăng giá sản xuất điện trung bình của hệ thống vẫn có thể chấp nhận được đối với Việt Nam.

Kịch bản giá điện khi giá LNG leo thang
Với cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII, khi giá LNG tăng 10% sẽ làm cho chi phí sản xuất điện trung bình của hệ thống tăng khoảng 1,1-1,5%.

Hiện tại có 2 hệ thống giá LNG trên thị trường là: giá giao ngay và giá hợp đồng. Đối với nhà máy điện tua-bin khí hóa hơi (TBKHH) sử dụng LNG, do nhu cầu sử dụng cao và ổn định nên thường sẽ sử dụng giá hợp đồng dài hạn để mua LNG. Bộ Công thương cho biết, giá hợp đồng cũng được điều chỉnh hàng năm theo thị trường nhưng tốc độ điều chỉnh chậm hơn và không có biến động lớn như giá giao ngay.

Giá giao ngay hiện tại tăng lên rất cao (khoảng 32USD/MMBTU tại khu vực Asean, quy về năm 2021), tuy nhiên giá hợp đồng chỉ khoảng 15USD/MMBTU.

Theo dự báo mới nhất của WorldBank vào tháng 4/2022, giá LNG về khu vực Đông Á năm 2022 khoảng 19USD/MMBTU, khoảng 14USD/MMBTU và khoảng 13USD/MMBTU (giá hiện hành). Về dài hạn từ sau 2025, giá LNG vẫn được dự báo giảm dần về 8,5USD/MMBTU vào năm 2030 và 7,5USD/MMBTU vào 2035 (giá hiện hành).

Cũng theo Bộ Công thương, theo dự báo giá LNG tại thời điểm tháng 3/2022 của HIS Market, giá LNG (hợp đồng dài hạn) tại khu vực Asean là 15USD/MMBTU năm 2022, giảm xuống 8,3USD/MMBTU năm 2025, 8,05USD/MMBTU năm 2030, 8,27USD/MMBTU năm 2045, 8,75USD/MMBTU năm 2050 (giá quy về năm 2021). Theo dự báo này, giá LNG hợp đồng sẽ giảm về mức giá năm 2020 từ năm 2024-2025.

Tại Quy hoạch điện VIII, dự báo giá LNG (giá quy về năm 2020, không tính trượt giá) đến VIệt Nam trung bình trong giai đoạn 2021-2045 khoảng 10,6USD/MMBTU, giá khí đến nhà máy điện trung bình khoảng 11,8USD/MMBTU.

Với cơ cấu nguồn điện trong Quy hoạch điện VIII, khi giá LNG tăng 10% sẽ làm cho chi phí sản xuất điện trung bình của hệ thống tăng khoảng 1,1-1,5%.

Đặc biệt, trong trường hợp có rủi ro về giá LNG tăng cao trên thị trường thế giới, thì mức tăng giá sản xuất điện trung bình của hệ thống vẫn có thể chấp nhận được đối với Việt Nam. 

Cụ thể, kiểm tra với mức tăng giá LNG cao nhất đã chứng kiến trong những năm vừa qua (khoảng 16,5USD/MMBTU tương đương tăng giá khoảng 40%), thì giá sản xuất điện trung bình của hệ thống sẽ tăng khoảng 5,9% so với mức giá cơ sở đã tính toán trong Quy hoạch điện VIII.

Mức tăng giá này có thể chấp nhận được, khi so sánh với tốc độ tăng giá điện trong những năm vừa qua (mức tăng giá điện bình quân giai đoạn 2010-2020 khoảng 5,5%/năm), Bộ Công thương nhận định.

Theo các dự báo nhu cầu LNG của BP Statistical Review of World Energy và Total, châu Á sẽ tiếp tục đứng đầu thế giới về nhu cầu LNG (chiếm trên 60% tổng sản lượng toàn cầu), châu Âu chiếm khoảng 20% còn lại là các khu vực khác.

Sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraina xảy ra, châu Âu đã bắt đầu thực hiện chính sách hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga và đẩy mạnh nhập khẩu LNG từ các nước khác. Do đó, thị trường LNG thế giới hiện nay có tính cạnh tranh cao. Australia hiện chủ yếu xuất khẩu LNG sang khu vực châu Á, nhưng sẽ dần mở rộng thị trường sang khu vực châu Âu. Hoa Kỳ dự kiến tiếp tục cung cấp khí đốt cho các thị trường châu Âu, châu Á, Nam và Trung Mỹ…

Trong ngắn và trung hạn, Việt Nam có thể nhập khẩu LNG từ các nước như Australia, Mỹ, Nga và Quatar do đây là những nước xuất khẩu LNG lớn nhất và có kế hoạch tăng thêm sản lượng xuất khẩu. Trong dài hạn, Bộ Công thương khuyến nghị cần xem xét đa dạng hóa khả năng nhập khẩu thêm LNG từ các nước khác như Mozambique, Turkmenistan và Iran.

Với nguồn cung ứng đa dạng như vậy, Bộ Công thương cho rằng, khả năng nhập khẩu LNG cho các nhà máy điện có quy mô công suất 23.900MW năm 2030 là khả thi.