Kịch bản nào vực dậy nền kinh tế Việt Nam sau dịch Corona?

Hứa Phương - 09:54, 13/02/2020

TheLEADERNhững ảnh hưởng và một số giải pháp hỗ trợ đối với nền kinh tế trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp do Covid-19 gây ra vừa được Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất.

Tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc thời điểm khống chế dịch

Đánh giá những ảnh hưởng của dịch virut corona gây ra đối với phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam vừa được Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa ra tại phiên họp thường trực Chính phủ ngày 12/2.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định dịch viêm đường hô hấp do Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu, làm gián đoạn chuỗi cung ứng nhiều sản phẩm hàng hóa của thế giới, đình trệ trong sản xuất kinh doanh, suy giảm nhu cầu tạm thời từ Trung Quốc đối với các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ.

Điều này ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của toàn cầu và khu vực. Trong đó Việt Nam có độ mở của nền kinh tế lớn và có đường biên giới dài với Trung Quốc nên sẽ chịu những ảnh hưởng không nhỏ.

Cụ thể đối với ngành công nghiệp điện - điện tử là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc (máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện) khoảng 37,5 tỷ USD năm 2019 (xuất khẩu 17,8 tỷ USD và nhập khẩu là gần 19,7 tỷ USD).

Trong đó, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.

Đối với nông, lâm nghiệp và thủy sản ngoài gặp khó khăn do dịch Covid-19 còn chịu tác động của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dịch cúm gia cầm H5N6...

Với ngành dệt may, da giày, Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Do vậy, nếu dịch kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí sản xuất.

Riêng ngành dệt may, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,2 tỷ USD (đứng thứ 5 sau Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc), chiếm 10,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng trực tiếp tới khu vực sản xuất nên hoạt động đầu tư cũng sẽ bị giảm trong ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực ngoài nhà nước. Các nhà đầu tư mới dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư, nhất là đầu tư FDI, ảnh hưởng tới thu hút đầu tư trong thời gian tới. Đối với các dự án đã đầu tư có khả năng sẽ hoãn lại việc tăng vốn đầu tư.

Các lĩnh vực sản xuất bị ảnh hưởng kéo theo kim nghạch xuất, nhập khẩu giảm. Trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I/2020 ước tính quý I kim ngạch xuất khẩu đạt 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 14,0 tỷ USD, giảm 13,6%.

Trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II/2020 thì ước tính quý II đạt kim ngạch 58,5 tỷ USD, giảm 8,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 61,0 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ. 

Không chỉ vậy, dịch Covid-19 còn tác động lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Nếu như trong năm 2019, bình quân 1 quý có khoang 1,45 triệu khách Trung Quốc đến nước ta. Trong tháng 1/2020, lượng khách Trung Quốc đến nước ta là 644 nghìn lượt nhưng ngay sau đó với các biện pháp hạn chế tạm thời thì không có khách Trung Quốc đến trong giai đoạn có dịch. Lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước đã có người nhiễm virut Corona.

Bên cạnh đó dịch Covid-19 còn ảnh hưởng đến ngành vận tải, bán lẻ, các ngành dịch vụ khách như kinh doanh nhà hàng, dịch vụ giao hàng...

Từ đó Bộ kế hoạch và đầu tư đưa ra hai kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế. Cụ thể trong trường hợp khống chế được dịch trong quý I/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 6,08%; quý III tăng 6,92% và quý IV tăng 6,81%.

Trường hợp dịch được khống chế trong quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020, trong đó quý I tăng 4,52%; quý II tăng 5,1%; quý III tăng 6,70% và quý IV tăng 6,81%.

Giải pháp vực dậy nền kinh tế

Ngoài việc nêu những tác động, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành thực hiện sáu giải pháp hỗ trợ, duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động của dịch bệnh.

Cụ thể thứ nhất, ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch như: hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay ...

Thứ hai, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng trong tháng 2 các vấn đề là đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cân đối thu chi trong năm 2020.

Nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất, chế biến hàng nông lâm thủy sản, dịch vụ, du lịch như: gia hạn thời hạn nộp thuế TNCN, miễn tiền phạt chậm nộp thuế khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp phục vụ công tác chống dịch, khấu trừ thuế…; miễn, giảm tiền thuê đất, kéo dài thời gian, giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát...

Thứ ba, giao các Bộ Công thương, Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng với các đơn vị liên quan nghiên cứu trình Thủ tướng các giải pháp cụ thể để tiếp tục bảo đảm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu; giải pháp về thủ tục, quy trình, giấy phép thông quan bảo đảm an toàn cho các lao động phục vụ công tác vận tải tại các cửa khẩu tiếp giáp với Trung Quốc.

Các giải pháp cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ giảm mức phí điện, nước cho các doanh nghiệp đang phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh do dịch; kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm khắc các hành vi lạm dụng chính sách kiểm soát dịch để gây khó dễ cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa để loại bỏ chi phí không chính thức của doanh nghiệp Các giải pháp tăng cường truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản để xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước khác.

Thứ tư, Bộ Lao động thương binh và xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát ngay tình hình sử dụng lao động của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang thiếu hụt nhân công do lao động Trung Quốc chưa quay trở lại làm việc, đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời.

Thứ năm, các bộ, cơ quan như: Kế hoạch và đầu tư, Thông tin và truyền thông, Khoa học và công nghệ, Công thương và ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy mạnh doanh nghiệp phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ trong thương mại điện tử, giao vận, chuyển phát, thanh toán điện tử trên môi trường số.

Thứ sáu, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan, một số tỉnh biên giới tiếp tục đẩy mạnh công tác đối thoại với các đối tác, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản do tác động của việc áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19.

Ngoài ra, để hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng sau khi kiểm soát, dập dịch thành công, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhấn mạnh đến việc đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài.

Trong đó, các bộ, ngành và địa phương rà soát các thiệt hại về kinh tế - xã hội do dịch gây ra, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp hỗ trợ nhằm phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời cần tiếp tục điều hành đồng bộ, linh hoạt các chính sách vĩ mô, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phù hợp chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.