Kiến trúc hạnh phúc

Trương Ngọc - 16:02, 12/02/2021

TheLEADERMột trong những đặc điểm của kiến trúc hạnh phúc là tạo nên những công trình ngạc nhiên bền vững. Đó không đơn thuần là những ngôi nhà, toà tháp, tổ hợp tiện nghi, mà quan trọng hơn, là không gian sinh hoạt đem lại niềm vui sống cho mỗi cá nhân cũng như cộng đồng.

Kiến trúc hạnh phúc
Kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào. Ảnh: Hội Kiến trúc sư Việt Nam

“Tôi muốn đi về phía nông thôn...”

Thường mỗi thời điểm khác nhau, người ta chọn cho mình một bến bờ khác, nhưng với kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào, anh luôn nhất quán với riêng mình trên con đường khám phá kiến trúc hạnh phúc. Bởi theo anh, kiến trúc sư chỉ có thể hạnh phúc bền vững khi theo đuổi đến cùng mục tiêu vì con người, vì tương lai văn hoá của vùng đất mình đã sinh ra và trưởng thành.

Con đường ấy bắt nguồn từ những năm tháng sinh viên, khi lần đầu tiên anh đưa ảnh hưởng xã hội, văn hoá, lịch sử của kiến trúc vào quy hoạch cải tạo làng gốm Bát Tràng năm 1990. Lúc ấy, tỷ lệ mắc bệnh ho lao, ung thư của làng cao nhất thời điểm ấy, phải làm sao cân bằng sinh thái và bảo tồn giá trị truyền thống, để người dân sống được trong hiện tại bằng tổ hợp kiến trúc. Năm 1994, anh đã nghĩ ra giải pháp kiến trúc để “Trả lại cho đất những gì của đất”, giải quyết những bi kịch của hoàn cảnh con người đương đại từ quy hoạch làng gốm Bát Tràng, làm ra môi trường trong lành, tiết kiệm năng lượng vừa giữ được cổ vừa làm mới một ngôi làng nằm trong lòng đô thị Hà Nội.

Hồi đó, người ta đổ hết xỉ thải nung gốm bằng than xuống ao hồ, lấp hết diện tích mặt nước. Nhiên liệu thừa của lò trong các hộ dân rất lớn, làm sao tận dụng nhiên liệu thừa ấy? Phải nâng ống khói cao lên, tính lại cấu trúc nung lò để làm sao cho nhiệt đốt hết… Mỗi nhà có bí quyết nung gốm khác nhau, từng lò riêng nhưng chung ống khói, trả lại mặt nước, đào con sông mắt rồng thông với sông Hồng, đưa nước vào cải thiện môi trường, khí hậu… Đồ án của anh đã được giải thưởng Kiến trúc quốc tế Sofia 1994.

Năm 1996, anh theo đuổi quy hoạch biến nhà tù Hoả Lò thành “Quảng trường khoan dung”, và đã đạt giải thưởng của hội Kiến trúc sư quốc tế UIA – Paris. Thế kỷ 21 nhưng trong lòng đô thị vẫn tồn tại một hoả lò, xung quanh trường học, chùa, đại sứ quán… không đồng nhất về đô thị và văn hoá. Biến nó thành không gian của hoà bình, của nghệ thuật sắp đặt bằng chính những bức tường ấy. Quá khứ đau thương chỉ phản chiếu trên mặt nước… Tiếp theo là quy hoạch Hồ Gươm, biến thành chuỗi không gian cộng đồng liên hoàn cho người dân cả nước.

Tiếp nối mạch nguồn kiến trúc hạnh phúc cho những không gian cộng đồng của những ngôi làng Việt như Nhà cộng đồng Suối Rè, ngôi trường đẹp như đoá hoa ở Lũng Luông, Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh… Những yếu tố bản địa ngày càng giúp anh tạo nên sự “ngạc nhiên bền vững”.

“Sau rất nhiều giải thưởng, chúng tôi muốn làm những công trình thật”, anh chia sẻ với niềm ưu tư khi kiến trúc thành tác phẩm phải tốn tiền tỉ thì làm sao chọn phương án nhỏ, rẻ tiền. Sẵn có mảnh đất của riêng mình để không ba năm nay ở Suối Rè, anh muốn đi về phía nông thôn, vì nông thôn nắm giữ văn hoá Việt. Mảnh đất nằm trên lưng chừng núi, xung quanh là rặng tre, tầm nhìn đẹp, nơi người Mường chung sống với người Kinh hàng trăm năm nay, hội tụ đủ yếu tố thử nghiệm kiến trúc xã hội, văn hoá, thế đất, vật liệu thú vị.

Tìm hiểu xã đó anh mới thấy cần làm công trình cộng đồng, dễ có tính biểu tượng, hiện đại. Nhà cộng đồng thường là nơi sinh hoạt nhưng với Suối Rè, anh muốn chuyển lớp mẫu giáo về đấy. Mảnh đất nằm trên lưng chừng núi, cao ráo, tầm nhìn mát mẻ, có cả sân đất chơi bóng chuyền, vì phụ nữ ở đây chơi bóng chuyền rất giỏi. Sắp tới ở đây còn có xưởng thủ công làm giấy dó, thỉnh thoảng các trường đại học lên làm hội thảo.

Kiến trúc hạnh phúc
Trường Mầm non và Tiểu học Dạ Hợp, Hòa Bình.

Với Lũng Luông, anh muốn làm một ngôi trường tương đối điển hình cho những vùng nghèo, vùng xa. Dự án thú vị, đầy cảm hứng, vừa đủ tiện nghi, ấm về đông, mát về hè, có chỗ ở lại cho các cháu nội trú, nơi phát triển thêm những kỹ năng sống khác. Dự án gợi ý về kiến trúc bền vững bằng vật liệu địa phương. Loay hoay 7 – 8 tháng, nhóm của anh đã thử nghiệm thành công viên gạch bằng đất tại chỗ kết hợp với phụ gia và máy móc. “Đất đồi hoang hoá ở đây có chất thép rất lý tưởng để làm gạch. Cũng có người cho rằng dùng nhiều màu trên mái như vậy có ăn vào với núi rừng không? Tôi thấy các đồng bào dân tộc ăn mặc xanh đỏ tím vàng hàng ngàn năm nay có vấn đề gì đâu! Vào ngày đông lạnh, mái trường như những bông hoa rừng sưởi ấm các cháu. Người dân tộc thích màu sắc rực rỡ, đường đến trường từ núi cao đổ xuống, ở bất cứ góc nào các em cũng có thể nhìn thấy mái trường rực rỡ thân yêu”, anh chia sẻ.

Do công việc cứ cuốn đi, đến mỗi vùng đất mới anh đều cảm thấy thú vị. Anh không thích làm những kiến trúc hiện đại. Kế thừa truyền thống với anh là lạ mà quen, bất ngờ nhưng bền vững, đó là gợi ý hay cho kiến trúc vùng miền có bản sắc. Bối cảnh khác, văn hoá khác, kiến trúc phải khác, không lặp lại.

Mới đây nhất, dự án homestay sinh thái Làng Mít của anh đã đoạt sáu giải thưởng kiến trúc trong nước và quốc tế.

Kiến trúc hạnh phúc 1
Dự án homestay sinh thái Làng Mít

Trong cuộc đối thoại giữa kiến trúc sư Emily Bonin (Hội Kiến trúc sư thế giới) nhân dịp Đại hội Hội kiến trúc sư thế giới sắp diễn ra tại Rio de Janeiro - Brazil (2021), kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào tâm sự: “Phần lớn quả đất, nhất là những khu vực thiểu số, nơi nắm giữ trữ lượng văn hóa quan trọng nhưng lại không có kiến trúc do kiến trúc sư chuyên nghiệp thiết kế.

Phần lớn các khu vực nông thôn, thiểu số, người dân kế thừa kinh nghiệm hàng ngàn năm của ông cha, tự làm kiến trúc. Họ nắm giữ trữ lượng văn hóa khổng lồ, đóng góp vào sự đa dạng của loài người. Câu chuyện này biểu hiện rõ nét ở Việt Nam - 54 dân tộc với kiến trúc truyền thống độc đáo nhưng chưa có kiến trúc hiện đại xứng tầm.

Kiến trúc là hoa của đất, mỗi vùng đất có một “loài” hoa đặc trưng. Chúng tôi tìm hiểu, nghiên cứu, mong ước gìn giữ các di sản văn hoá đất nước mình, góp phần bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa kiến trúc trên thế giới.

Văn hóa làng là độc nhất, nhưng lại rất mong manh trước sự tấn công ồ ạt của các trào lưu kiến trúc “thời thượng”. Không chỉ ở Việt Nam, thế giới cũng đối mặt với thách thức này. Kiến trúc nông thôn đòi hỏi sự tinh tế, kiên trì, nhất là khi ứng xử với không gian văn hóa và phong tục bản địa. Quá trình thiết kế của chúng tôi đặc trưng bởi quan hệ mật thiết với những giá trị địa văn hóa, chính trị của cộng đồng, bao hàm trực tiếp trong tất cả các giai đoạn của quy trình thiết kế.”

Để thoát khỏi tình trạng tiến thoái lưỡng nan cùng sự khủng hoảng về giá trị của kiến trúc đương đại, để bảo vệ tính đa dạng kiến trúc và khắc phục sự bất bình đẳng giữa các cộng đồng, sự đơn điệu và mất mát bản sắc văn hoá và những giá trị nhân văn trong đời sống công nghiệp, kiến trúc sư Hoàng Thúc Hào đề cao vai trò của cá nhân kiến trúc sư trong việc xây dựng một triết lý kiến trúc hạnh phúc. Anh đưa ra công thức: Kiến trúc Hạnh phúc = Kiến trúc sư Hạnh phúc + Người sử dụng Hạnh phúc + Công trình Hạnh phúc.

“Chúng tôi luôn mongmuốn kiến trúc nên được thực hành mang lại hạnh phúc cho cộng đồng, và đồng thời,cho phép kiến trúc sư đạt được hạnh phúc của chính mình thông qua hoạt động nghềnghiệp có trách nhiệm xã hội và nhân văn”, anh nói và lý giải từng về của côngthức này.