Tin vui cho du lịch cộng đồng Việt Nam

Nguyễn Văn Mỹ * - 08:00, 03/02/2020

TheLEADERGiữa bức tranh ảm đạm vì thua lỗ của homestay nhiều nơi mà báo chí phản ảnh, hệ thống homestay CBT không chỉ là điểm sáng mà là nét son của du lịch cộng đồng, làm ngạc nhiên các nhà học thuật quốc tế thế giới với nhiều bài học thú vị.

Năm 2006, Cục Phát triển Quốc tế Luân Đôn (London Department for International Development tổ chức nghiên cứu 150 homestay tại các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Năm 2008, ODI - Viện Phát triển các nước (Overseas Development Institude) tiếp tục nghiên cứu 200 homestay tại châu Mỹ La Tinh.

Cả hai đoàn đều có chung nhận định: “Đó là mô hình giúp người dân thoát nghèo, được các tổ chức phi chính phủ và nhà nước sở tại tài trợ. Khi nguồn tài trợ kết thúc, các homestay đều chững loại, hoạt động cầm chừng, thậm chí bị xóa sổ”.

Sau nhiều đợt khảo sát tại Việt Nam, năm 2017, mô hình homestay chuẩn ASEAN do Công ty Tư vấn, Dịch vụ và Phát triển Du lịch CBT (gọi tắt là CBT) tư vấn và huấn luyện, được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cùng Đại học Griffth (Úc) giới thiệu tại hội nghị và phát hành trong sách “Managing Growth and Sustainable Tourism Governance in Asia and the Pacific” (Quản lý tăng trưởng và Quản trị du lịch có trách nhiệm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - Bản quyền © 2017). 

Tại hội nghị, các đại biểu hẹn nhau đến Việt Nam tìm hiểu ngọn nguồn.

Tin vui cho du lịch cộng đồng Việt Nam
Đoàn các nhà học thuật về du lịch đến từ 9 quốc gia. Ảnh: Dương Minh Bình.

Đúng hẹn, từ ngày 10 - 16/1/2020, đoàn các nhà học thuật gồm 10 giáo sư, tiến sĩ chuyên về du lịch đến từ 9 quốc gia Mỹ, Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Việt Nam thuộc TEFI (Tourism Education Futures Initiative) đã tổ chức Walking Workshop Community Benefit Tourism , Social Entrepreurship & Sustainable Developmenh (tạm dịch - Hội thảo "Điền dã doanh nghiệp xã hội phát triển bền vững và phúc lợi du lịch cộng đồng") lần thứ nhất tại Hà Nội, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa.

Sau tọa đàm về du lịch cộng đồng tại khoa du lịch, trường đại học Khoa học xã hội & nhân văn Hà Nội vào ngày 10/1; sáng ngày 11/1 đoàn tiến hành Walking Workshop tại các homestay Minh Thơ (người Thái trắng), A Páo (người H’ Mong xanh), Bản Bước (người Thái trắng), Bản Lác (người Thái trắng) ở Mai Châu, Hòa Bình; A Chu (người H’mong đỏ) ở Vân Hồ Sơn La); Pu Luong retreat (người Việt) Bá Thước, Thanh Hóa. 

Đoàn có 2 buổi gặp gỡ chủ nhân, nghe giới thiệu về quá trình hình thành và phát tiển, tìm hiểu thực tế, chất vấn tại homestay Minh Thơ (hoạt động từ 2013, chồng học lớp 4, vợ mù chữ); A Chu (hoạt động từ 2015, chồng đại học, vợ trung cấp).

Chương trình Walking Wordshop còn có tham quan bản làng, đi bè tre dọc suối Xia (homestay Minh Thơ), đi chợ phiên Pà Cò và cơ sở dệt thổ cẩm Hoa Núi (homestay A Páo), trekking 10 km từ hang Kia về Cun Pheo (homestay Bản Bước)… 

Tối 12/1, tại homestay A Chu; các “nghệ sĩ nhân dân” bước ra từ ruộng đồng, nhà bếp; đại diện các homestay ở Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An đã diễn hết mình với những tiết mục văn nghệ độc đáo.

Sau 7 năm hoạt động, hệ thống homestay CBT do công ty CBT tư vấn, thiết kế xây dựng, huấn luyện và bảo hành đã có mặt tại 9 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Đồng Tháp, Quảng Ngãi, Đà Nẵng; gồm 20 điểm du lịch cộng đồng với 49 homestay, 828 chỗ ngủ. Năm 2019, hệ thống homestay CBT đón 510.083 khách lưu trú (71% là khách nước ngoài), vượt chỉ tiêu trước 1 năm.

Tin vui cho du lịch cộng đồng Việt Nam 4
Xuôi bè tre theo dòng suối Xia ở Homestay Minh Thơ. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Giữa bức tranh ảm đạm vì thua lỗ của homestay nhiều nơi mà báo chí phản ảnh, hệ thống homestay CBT không chỉ là điểm sáng mà là nét son của du lịch cộng đồng, làm ngạc nhiên các nhà học thuật quốc tế thế giới với nhiều bài học thú vị. Đó là :

Đầu tiên, sự phá cách, sáng tạo theo thực tế dân tộc, vùng miền. Từ thiết kế, trang trí đến văn hóa, ẩm thực và sản phẩm du lịch đặc trưng.

Thứ hai, các nhà tư vấn thực tiễn, đồng hành, cầm tay chỉ việc, hỗ trợ tìm nguồn khách và bảo hành dự án.

Thứ ba, chính quyền chịu thay đổi, chỉ hỗ trợ chính sách, tạo điều kiện chứ không bao cấp, cho tiền.

Thứ tư, người dân chủ động, tin tưởng, dám bỏ vốn , không làm theo lối cũ, bám sát qui chuẩn tư vấn, tương tác, cùng chia sẻ lợi nhuận với các hộ tham gia.

Thứ năm, minh bạch mọi giá cả và chất lượng dịch vụ để bảo vệ quyền lợi của người dân.

Thứ sáu, làm du lịch cộng đồng là làm kinh tế, không theo kiểu phong trào. Tính hiệu quả là ưu tiên số một.

Thực tiễn đã chứng minh, du lịch cộng đồng không chỉ xóa đói giảm nghèo mà còn làm giàu chính đáng. Làm giàu cho người người dân và cả nhà nước. Du lịch cộng đồng với các homestay đúng quy chuẩn là du lịch trách nhiệm, bền vững, góp phần thay đổi diện mạo địa phương và xây dựng nông thôn mới. Đây là cách tốt nhất để bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa từng dân tộc.

Nếu bản Lác tiêu biểu cho sự thất bại của quản lý vì xô bồ, bát nháo thì các homestay CBT ngược lại. Không chỉ được Tổng cục Du lịch vinh danh là “Điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu 2018”, được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo nhân rộng tại “Hội thảo quốc gia về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới” ở Lào Cai vào tháng 12/2018. Hệ thống homestay CBT còn được các nhà học thuật quốc tế đánh giá là “mô hình hiệu quả, hoàn hảo so với thực trạng homestay thế giới”.

Tin vui cho du lịch cộng đồng Việt Nam 7
Múa vui mừng lúa mới của người Thái (dự án 2020) Homestay Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Vũ Mộc Thiêng.

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Sơn La, tiến sĩ Dianne Dredge đề nghị: “Các homestay CBT phải giữ được chất lượng theo quy chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế và tiến tới không có rác thải nhựa. Các bạn cần đúc kết thành hệ thống lý thuyết để nhân rộng và có thể nhượng quyền thương hiệu”. 

Dianne Dredge là Nhà sáng lập và giám đốc điều hành của doanh nghiệp xã hội về giáo dục The Tourism CoLab (Úc); đồng thời là giáo sư du lịch tại đại học Lund (Thụy Điển) - một trong những đại học lâu đời nhất của Châu Âu; trưởng đoàn các nhà học thuật đến Việt Nam lần này.

Là người có dịp khảo sát homestay ở các nước Asean, Ấn Độ, Trung Quốc… và qua phát biểu của đoàn học thuật, tôi có thể khẳng định “Du lịch Việt Nam còn thua kém nhiều nước nhưng du lịch cộng đồng Việt Nam chuẩn quốc gia mới, có thể tự hào trong top đầu của thế giới”.

Theo tiến sĩ chuyên ngành quản trị du lịch đại học Griffith (Úc) Phí Thị Linh Giang “Sắp tới sẽ có các đoàn học giả quốc tế tiếp tục đến Walking Workshop về du lịch cộng đồng CBT. Từ thực tiễn Việt Nam, các nhà học thuật quốc tế sẽ điều chỉnh lại những lý thuyết về homestay. Ngày 16/1, đoàn tổng kết tại Hà Nội, trao đổi thêm các nội dung viết bài về homestay CBT và những phát hiện mới”. 

Tiến sĩ Linh Giang hiện là giảng viên đại học Aalborg, Đan Mạch; đồng thời là thành viên ban cố vấn của công ty CBT, một doanh nghiệp xã hội về phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam; đồng tác giả : Social entrepreneur ship in Vietnam trong sách Managing Growth and Sustainable Tourism Governance in Asia and the Pacifc Copyright © 2017, World Tourism Organization (UNWTO) and Griffth University.

GS.TS Dianne Dredge chúc mừng: “Từ những khởi xướng sáng tạo đơn độc, bảy năm sau, hệ thống homestay CBT đã khẳng định vị thế, là điểm đến nghiên cứu, thực địa lý tưởng của các trường đại học quốc tế về du lịch cộng đồng”.

Năm 2020, CBT sẽ đẩy tiếp tục mở rộng du lịch cộng đồng đến 7 tỉnh Tây Nguyên, Trung bộ và Tây Nam bô với dự báo đón 750.000 lượt khách lưu trú trọn gói.

Tin vui cho du lịch cộng đồng Việt Nam 10
Selfie khi walking chợ phiên Pà Cò của người H'Mong ở Mai Châu, Hòa Bình. Ảnh: Dương Minh Bình.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Lửa Việt Tours.