Kinh doanh homestay tại Việt Nam tạo doanh thu 130 triệu USD

Việt Hưng - 15:39, 11/06/2019

TheLEADERTheo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, kinh doanh homestay tại Việt Nam đang tăng trưởng gần 5 lần về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua.

Theo báo cáo mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường AirDNA, kinh doanh homestay tại Việt Nam tăng trưởng gấp 5 về số lượng nguồn cung chỗ ở trong một năm qua,  cao hơn rất nhiều so với ngành khác sạn truyền thống chỉ tăng trưởng 40% về nguồn cung.

Việt Nam đang là một trong 3 quốc gia có ngành du lịch tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với nhiều chính sách khuyến khích phát triển, giảm đáng kể các thủ tục, điều kiện về cấp thị thực (visa) cho du khách quốc tế khiến cho Việt Nam trở thành một điểm nóng thu hút khách du lịch.

Báo cáo của AirDNA chỉ rõ các khu vực thành phố có doanh thu lớn nhất về homestay hiện nay như: TP. HCM (41,6 triệu USD), Đà Nẵng (19 triệu USD), Hà Nội (13,3 triệu USD), Lâm Đồng (2,2 triệu USD).

Người Việt Nam nhanh chóng nắm bắt cơ hội kinh doanh trong ngành du lịch đặc biệt là tham gia vào thị trường kinh doanh homestay tạo ra doanh thu vào khoảng 130 triệu USD trong năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.

Với sự xuất hiện của các nền tảng như Luxstay hay Airbnb đang góp phần tạo ra một thị trường tiềm năng, thay đổi thói quen và tạo ra lựa chọn mới cho người dùng. Công nghệ đang có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Còn theo khảo sát xu hướng du lịch toàn cầu trong năm 2018 do Visa thực hiện với sự tham gia của hơn 15.000 người đến từ 27 quốc gia trong đó có Việt Nam, khách du lịch hiện nay thường mong muốn đạt được cả hai mục tiêu "khám phá" và "tận hưởng" trong những chuyến đi của mình.

Cũng chính sự thay đổi này mà homestay với không gian mở, giàu tính nghệ thuật và bản sắc văn hóa địa phương đã trở thành một sự lựa chọn tối ưu cho các tín đồ đam mê xê dịch hiện nay. Về Việt Nam một thời gian, homestay được đánh giá là dịch vụ mới lạ, kênh đầu tư tiềm năng so với hình thức cho thuê nhà thời hạn dài truyền thống.

Bên cạnh đó, homestay là loại hình lưu trú ngắn hạn nên doanh thu có thể cao hơn cho thuê truyền thống trung bình 20-30%, nếu ở các khu du lịch có thể cao hơn gấp 2-3 lần. Không chỉ có vậy, chủ nhà còn được chủ động, linh hoạt hơn trong thời gian sử dụng nhà khi cần.

Một yếu tố khác khiến homestay trở thành cơ hội kinh doanh, đầu tư hấp dẫn là bởi số vốn ban đầu bỏ ra không nhiều, linh hoạt nhưng lại nhanh thu hồi vốn. Chính vì thế, loại hình này vô cùng thích hợp cho cá nhân hoặc các bạn trẻ có mong muốn "tập tành" thử sức kinh doanh.

Kinh doanh homestay tại Việt Nam tạo doanh thu 130 triệu USD
Doanh thu kinh doanh homestay một số tỉnh thành phố ở Việt Nam. Nguồn: AirDNA

Bà Cản Phương Hà, đại diện Luxstay nhận định: "Việt Nam đặc thù dân số trẻ chiếm tỷ trọng cao, đối tượng tiếp cận các xu hướng mới rất nhanh chóng, đặc biệt là các dịch vụ trên nền tảng công nghệ. Mảng home sharing tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh và sẽ phát triển bùng nổ trong những năm tới, đạt quy mô tối thiểu 10%-20% tổng chi tiêu thị trường lưu trú vào khoảng 15 tỷ USD năm 2025".

Đại diện Luxstay cũng chia sẻ thêm mục tiêu của công ty không chỉ tập trung phát triển sản phẩm tại các khu vực trung tâm, thành thị. "Luxstay sẽ xây mong muốn sẽ khai phá các điểm đến mới góp phần phát triển du lịch cho Việt Nam, chúng tôi đặc biệt quan tâm các khu vực nông thôn, chưa phát triển du lịch nhưng có tiềm năng, cảnh quan đẹp để gây dựng thị trường. Qua đó tạo ra các trải nghiệm mới mẻ cho người dùng cũng như thu nhập cho người dân bản địa", bà Hà cho biết.

Trong đó, lợi thế của thị trường homestay là Việt Nam có nguồn cung khổng lồ từ thị trường bất động sản. Có hàng trăm nghìn đơn vị (căn hộ, kỳ nghỉ, biệt thự, condotel) có sẵn cho thuê và đang phát triển nhanh chóng trong vài năm tới. Đó là một điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp cho thuê địa điểm lưu trú ngắn hạn bùng nổ ở Việt Nam.

Việt Nam với bờ biển dài trên 3.400 km, núi rừng nhiệt đới tươi tốt và di sản ẩm thực văn hoá phong phú. Tiềm năng trỗi dậy phát triển du lịch có thể xảy ra ở khắp mọi nơi trên khắp Việt Nam chứ không chỉ tập trung tại các thành phố lớn là một trong những ưu thế cho sự phát triển của đất nước.

Ngoài ra, người Việt Nam tích luỹ đầu tư vào bất động sản và quyền sở hữu nhà, bên cạnh hình thức truyền thống cho thuê dài hạn thì cho thuê ngắn hạn, trung hạn đang trở thành một xu hướng. Điều này sẽ tạo ra thu nhập thụ động tốt và hiệu quả hơn.

Mặc dù nguồn cung homestay dồi dào, nhưng để kinh doanh hiệu quả không phải chuyện đơn giản. Thời gian qua, nhiều chủ nhà kinh doanh homestay than phiền gặp khó khăn đến từ phía khách hàng, từ đối tác, và thậm chí đến từ chính những chính sách không phù hợp trong phương thức kinh doanh.

Theo các chuyên gia, để kinh doanh homestay hiệu quả, chủ nhà trước hết cần đưa ra chiến dịch thu hút khách hàng, thông qua việc kết hợp cùng các nền tảng uy tín, am hiểu khách hàng bản địa, có khả năng mang lại quyền lợi và hạn chế tối đa rủi ro.