Kinh tế ngầm dù có tính toán được cũng khó thu được

Minh Anh - 08:29, 14/02/2019

TheLEADERTheo ông Jonathan Dunn Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam đã có sự thay đổi lớn thời gian qua, do đó, khi cập nhật lại cách tính, GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể.

Kinh tế ngầm dù có tính toán được cũng khó thu được
Làng nghề làm mây tre đan

Liên quan đến việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát (khu vực kinh tế phi chính thức) vào quy mô của nền kinh tế, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã mong muốn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ Việt Nam trong việc rà soát, đánh giá, cập nhật thông tin, thống kê về khu vực kinh tế chưa được quan sát. Đây được xem là khu vực kinh tế chiếm tỉ lệ không nhỏ trong GDP. 

Thủ tướng đề nghị, với chuyên môn và kinh nghiệm của mình, IMF giúp Việt Nam trong việc tính toán khu vực kinh tế này một cách khách quan, chặt chẽ, trung thực, khoa học.

Về vấn đề này, ông Jonathan Dunn, Trưởng Đại diện thường trú của Văn phòng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho biết ông sẽ báo cáo lãnh đạo IMF về đề nghị của Thủ tướng trong việc hỗ trợ Việt Nam tính toán, thống kê khu vực kinh tế không chính thức và ông tin rằng, IMF sẽ giúp Việt Nam đo lường tốt hơn sản lượng quốc gia.

Bởi theo ông, ngay cả số liệu thống kê khu vực kinh tế chính thức trong GDP của Việt Nam cũng chưa được phản ánh một cách đầy đủ khi GDP của Việt Nam có các trọng số, quyền số mà 10 năm mới cập nhật một lần, lần gần đây nhất là vào năm 2012. 

Trong khi đó, cấu trúc của nền kinh tế Việt Nam có sự thay đổi lớn thời gian qua. Vì vậy, ông Jonathan tin rằng, khi cập nhật lại quyền số tính GDP thì GDP danh nghĩa của Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể. Ông Jonathan cho biết, khi công tác tại Nhật Bản thì ông sẽ có dịp quan sát những thay đổi này ở Việt Nam.

Trước đó, từ đầu năm 2018, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm năm thành tố: Hoạt động kinh tế ngầm (underground), hoạt động kinh tế bất hợp pháp, hoạt động của các đơn vị sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, hoạt động kinh tế hộ gia đình, tự sản tự tiêu và hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản.

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tính thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô GDP là cần thiết. Dù khó nhưng vẫn phải quyết tâm thực hiện để có được một nhận định rõ và đầy đủ hơn về quy mô của nền kinh tế.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ, đề xuất của Chính phủ về việc thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được vào quy mô của nền kinh tế là hoàn toàn đúng đắn.

“Khu vực kinh tế này chiếm một tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế. Lâu nay chúng ta đều biết đến việc này, song hiện chưa có cách nào làm được. Bởi muốn thống kê được khu vực kinh tế này cần phải có các hệ thống quản lý, quy định xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương”, ông Hồ nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, việc tính thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế sẽ giúp giảm được việc trốn thuế, lậu thuế, giảm hàng giả hàng nhái trên thị trường hiện nay.

Theo ông Doanh, hiện kinh tế hộ gia đình chiếm một tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế nhưng không có thương hiệu, không có năng lực cạnh tranh quốc tế, không được thống kê trong GDP.

Do đó, cần khuyến khích các hộ gia đình phát triển lớn mạnh để trở thành các doanh nghiệp. Tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh này nộp thuế, đóng góp vào năng lực cạnh tranh quốc gia.

Dưới góc nhìn khác, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách lại lo ngại về việc tính thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế để từ đó làm cơ sở để tăng nợ công.

Mặt khác, theo ông Thành, khu vực kinh tế ngầm, dù có tính toán được cũng khó lòng thu được, việc đưa ra "ánh sáng" của khu vực kinh tế này là không có gì thay đổi. Trong khi đó, nền kinh tế "thực" sẽ phải gánh tác động lớn hơn rất nhiều lần từ việc tăng nợ công.

Nếu tính cả những hoạt động kinh tế không quan sát được, không thu thuế được để từ đó tăng nợ công là không khoa học, có thể dẫn đến nguy cơ mất cân đối rất lớn của nền kinh tế cũng như khả năng trả nợ. Điều này cần cân nhắc và thận trọng.