TS. Bùi Trinh: 'Kinh tế ngầm sống được là do tham nhũng'

An Chi - 13:46, 22/01/2018

TheLEADERViệc thống kê thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế sẽ không dễ dàng bởi đây là một khu vực rất phức tạp và khó kiểm soát, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhìn nhận.

Như TheLEADER đã đưa trong bài viết trước, Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát vẫn tiếp tục là chủ đề được dư luận hết sức quan tâm trong những ngày đầu năm 2018.

Trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư khẩn trương hoàn thiện Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát để biên soạn số liệu thống kê phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn quy mô của nền kinh tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/1/2018.

Có khá nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quyết định thống kê toàn bộ khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế, trong đó nhiều chuyên gia kinh tế uy tín đều cho rằng, sẽ không dễ để thống kê được. 

TS. Bùi Trinh: 'Nguồn gốc của kinh tế ngầm là do tham nhũng, tiêu cực'
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh.

TheLEADER đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Bùi Trinh xung quanh câu chuyện làm thế nào để đưa kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp ra ánh sáng.

Ông nhận định như thế nào về chỉ đạo của Chính phủ đối với việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế?

TS. Bùi Trinh: Theo tài liệu của OECD xuất bản năm 2002 và Hệ thống tài khoản quốc gia phiên bản 2008 (SNA, 2008), khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm các hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế phi pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức, hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, các hoạt động kinh tế chưa được thống kê cũng được coi là các hoạt động kinh tế chưa được quan sát.

Trước hết phải thừa nhận rằng, khu vực kinh tế chưa được quan sát là một bộ phận của nền kinh tế quốc gia. Khu vực kinh tế này cần được đo lường vào hệ thống tài khoản quốc gia, trong đó có chỉ tiêu GDP. 

Tuy nhiên, việc đo lường khu vực kinh tế này là không hề dễ dàng. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều có kinh tế ngầm. Song ngay cả ở những nước có nền quản trị tốt, tính minh bạch cao cũng rất khó khăn và không thể định lượng chính xác được khu vực kinh tế này.

Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến khu vực kinh tế này khó có thể tính toán, thống kê như vậy?

TS. Bùi Trinh: Không thể đưa ra một con số chính xác để đánh giá quy mô của khu vực kinh tế chưa quan sát tại Việt Nam. Bởi lẽ, hiện nay Chính phủ chưa có các xác nhận bằng văn bản coi các hoạt động kinh tế bất hợp pháp như mại dâm, buôn lậu, cờ bạc thuộc phạm trù sản xuất (SNA của Liên hiệp quốc quy định những hoạt động này thuộc phạm trù sản xuất). 

Do đó, cơ quan thống kê của Việt Nam chưa có cơ sở để tính khu vực này vào phạm trù sản xuất của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, cái “ngầm” lớn nhất của nền kinh tế là tại khu vực doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào cũng có hai quyển sổ, sổ hạch toán nội bộ và sổ kế toán thuế. Doanh thu của hai quyển sổ đó chênh nhau rất nhiều lần. 

Tại sao doanh nghiệp lại làm được như vậy? Trên thực tế, cách tiếp cận thông tin của cơ quan thống kê từ báo cáo quyết toán đã có con dấu của cơ quan thuế đã bỏ sót rất nhiều doanh thu thực tế của doanh nghiệp. Nói cách khác là do cơ quan thuế để sót khi quyết toán thuế đối với doanh nghiệp.

Chưa kể đến việc buôn lậu, trốn thuế là rất khó kiểm soát. Ví dụ cụ thể nhất là câu chuyện chênh lệch giữa xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc và nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam lên tới 20 tỉ đô la Mỹ trong năm 2014.

Vậy theo ông có cách nào để đánh giá, thống kê một cách đầy đủ các hoạt động kinh tế chưa quan sát?

TS. Bùi Trinh: Muốn tính toán được khu vực kinh tế này, trước hết, Chính phủ phải công nhận tất cả các khu vực kinh tế chưa quan sát được, các hoạt động bất hợp phát như mại dâm, buôn lậu. Từ đó, các cơ quan thống kê mới có cơ sở để tính toán vào quy mô nền kinh tế.

Thứ hai, cần phải tính GDP từ phía cầu, tức phương pháp tính GDP dựa trên chi tiêu cuối cùng. GDP mà Tổng cục Thống kê công bố là GDP tính từ phía cung, bằng tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + thuế sản phẩm.

Trong khi đó, bản chất của GDP là tính từ phía cầu. GDP bằng tổng cầu cuối cùng, bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình (C), chi tiêu dùng cuối cùng của Chính phủ ( G), đầu tư/ tích lũy gộp tài sản (I) và chênh lệch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ (E – M). 

Thứ ba, sở dĩ kinh tế ngầm sống được là do tham nhũng. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật đối với các hoạt động nhạy cảm có nguy cơ "ngầm", ngăn chặn nạn tham nhũng, bảo kê của một đội ngũ không nhỏ cán bộ, công chức hiện nay đang tạo điều kiện cho kinh tế ngầm phát triển. 

Tuy nhiên, những giải pháp này là rất phức tạp và không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Theo ông, việc thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát vào GDP sẽ gây những tác động như thế nào đến nền kinh tế?

TS. Bùi Trinh: Việc thống kê thêm khu vực kinh tế chưa được quan sát vào quy mô của nền kinh tế hoàn toàn chỉ mang tính chất thành tích ảo. Cùng với đó là kỳ vọng tăng nợ công của Chính phủ.

Điều này sẽ có tác động mạnh tới nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô bởi nợ công của Việt Nam hiện đang rất lớn, nếu tiếp tục tăng nợ công sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế. Trong khi đó, giả sử có thống kê được khu vực kinh tế ngầm cũng rất khó có thể quản lý và thu thuế do tính chất rất phức tạp của khu vực này.

Nên có cơ chế nào để quản lý một cách tốt nhất khu vực kinh tế chưa quan sát nhằm giúp mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, thưa ông?

TS. Bùi Trinh: Nền kinh tế càng có nhiều kinh tế ngầm, kinh tế chưa được quan sát càng không có lợi. Bởi nguồn gốc của kinh tế ngầm chính là do tham nhũng, tiêu cực. Do đó, muốn quản lý tốt nền kinh tế thì Chính phủ phải đẩy mạnh chống tham nhũng hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!