Leader talk
'Kinh tế Việt Nam sẽ không đối diện một cuộc khủng hoảng'
TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, nếu tăng cung tiền đủ để đáp ứng được sự tăng trưởng kinh tế theo giá hiện hành, Việt Nam sẽ thực sự không có vấn đề gì lớn trong nỗ lực phục hồi kinh tế, thị trường chứng khoán, bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.
Trong bức tranh u ám của thị trường tài chính, tiền tệ từ đầu năm 2022, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, mặc dù bối cảnh hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng tín hiệu tích cực trên thị trường là điều có thể nhận thấy rõ.
Những thách thức mà thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam đang phải đối mặt không phải một cuộc khủng hoảng mà chỉ là “tai nạn” do chiến tranh, dịch bệnh - những yếu tố chịu tác động từ bối cảnh thế giới.
Ông Nghĩa tin tưởng, sức khỏe của hệ thống ngân hàng hiện đang rất tốt. Và quan trọng hơn, nếu đã là “tai nạn” thì sẽ sớm qua đi, không có gì đáng ngại đối với tiến trình phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Rủi ro lạm phát không đáng sợ!
Ông đánh giá như thế nào về bức tranh tổng quát của thị trường tài chính, tiền tệ Việt Nam trong năm 2022 trước các diễn biến như lãi suất, tỷ giá tăng cao, trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt và tác động của nó tới tăng trưởng kinh tế?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Trước rủi ro lạm phát tăng cao dưới tác động của tỷ giá, Ngân hàng nhà nước đã ngay lập tức thắt chặt tiền tệ. Năm 2022, tăng trưởng kinh tế 10 tháng đầu năm đạt khoảng 8%, lạm phát đạt 2,89%. GDP danh nghĩa hay còn gọi là GDP tính theo giá hiện hành (bằng tốc độ tăng trưởng của GDP thực cộng với tốc độ tăng lạm phát) đạt khoảng 11%.
Trong khi đó, về nguyên tắc, lượng cung tiền ra thị trường phải bằng với GDP theo giá hiện hành. Với tăng trưởng GDP danh nghĩa 10 tháng đầu năm 2022 đạt 11%, lượng cung tiền cũng phải đạt tương ứng. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 10/2022, tăng trưởng cung tiền mới (M2) chỉ đạt khoảng 3%.
Như vậy, có thể thấy, vấn đề lớn nhất của thị trường hiện nay là thiếu cung tiền. Rất may mắn là năm ngoái, lượng cung tiền còn dư thừa để bù đắp cho những tháng đầu năm. Theo đó, năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 2,58%, lạm phát 1,84%, GDP danh nghĩa đạt khoảng 4,4%. Tuy nhiên, cung tiền lại lên tới 11%, như vậy, nền kinh tế của năm 2021 còn dư ra 6,6% tiền tồn tại trong lưu thông và kéo dài luân chuyển trong năm nay.
Tuy nhiên, lượng cung tiền dư thừa này cũng chỉ có thể bù đắp cho những tháng đầu năm 2022, bắt đầu từ quý III trở đi, vấn đề khan hiếm tiền trong nền kinh tế đã ngày càng trở nên rất nghiêm trọng.
Chính việc thiếu hụt nguồn cung tiền trong khi nhu cầu vốn rất lớn đã khiến các ngân hàng thương mại thắt chặt việc cho vay. Cộng thêm chính sách thắt chặt tiền tệ trước lo ngại lạm phát càng khiến lãi suất tăng cao. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến các thị trường tài sản, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản. Từ đầu năm 2022, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, bất động sản rơi vào trầm lắng, không có thanh khoản. Các nhà đầu tư hiện đang bị mất lòng tin vào thị trường.
Bên cạnh lãi suất tăng cao thì room tín dụng cũng là vấn đề với ngành ngân hàng và các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp có nhu cầu vốn lớn như bất động sản. Theo ông, cần giải quyết việc này như thế nào? Có nên bỏ room tín dụng?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Trong điều kiện thiếu nguồn cung tiền như vừa phân tích ở trên, nới room tín dụng đang trở nên vô nghĩa, bởi các ngân hàng không có nguồn tiền để nới room. Muốn nới room các ngân hàng sẽ buộc phải tăng lãi suất huy động để lấy tiền thực hiện cho vay.
Lãi suất huy động tăng, sẽ kéo theo lãi suất cho vay tăng, gây khó cho doanh nghiệp. Vòng luẩn quẩn sẽ tiếp tục lặp lại mà không có cách nào tháo gỡ. Lạm phát năm 2022 đạt 3,15%, nhưng lãi suất cho vay hiện đang ở mức 9 - 10%, cao gấp 3 lần lạm phát. Mức lãi suất cho vay rất cao này đang khiến doanh nghiệp gặp khó khăn rất lớn. Toàn bộ nền tảng tài chính của doanh nghiệp bị xói mòn rất nhanh. Tình trạng các doanh nghiệp chiếm dụng vốn lẫn nhau diễn ra ngày càng phổ biến và nghiêm trọng.
Do vậy vấn đề cốt tử hiện nay không phải room tín dụng mà là tăng cung tiền cho nền kinh tế. Nếu vướng mắc này không sớm được tháo gỡ, doanh nghiệp sẽ ngày càng khó khăn, kéo theo đó là sự suy giảm của cả nền kinh tế, phá tan mọi nỗ lực phục hồi tăng trưởng sau đại dịch
Theo ông, làm cách nào để tăng cung tiền cho nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Thời gian vừa qua, Ngân hàng nhà nước đã bán trên 20 tỷ USD ngoại tệ để cân bằng thị trường ngoại hối, hút về 600 nghìn tỷ đồng tiền Việt. Bên cạnh đó, hơn 850 nghìn tỷ đồng tiền đầu tư công từ trái phiếu Chính phủ đã bán ra, giờ treo ở đó, không được cho vay. Như vậy gần 1,5 triệu tỷ đồng vẫn nằm trong ngân sách, tiền ngoài lưu thông thiếu là điều dễ hiểu.
Để tăng cung tiền, Ngân hàng Nhà nước cần phải mua vào trái phiếu Chính phủ và cho vay các ngân hàng thương mại, thế chấp chấp bằng hồ sơ tín dụng. Mặt khác, muốn tăng cung tiền thì lãi suất sẽ phải giảm, nhưng tỷ giá hối đoái sẽ tăng lên. Lãi suất, cung tiền và tỷ giá là bộ ba bất khả thi. Chúng ta không thể cùng lúc vừa lãi suất thấp mà tỷ giá thấp đuợc.
Vấn đề quan trọng nhất của thời gian tới là cần tăng cung tiền để đảm bảo lưu thông, Ngân hàng Nhà nước cần chấp nhận tỷ giá hối đoái tăng và lạm phát ở mức nhất định, không còn cách nào khác. Chính phủ có thể bán bớt ngoại tệ trong một chừng mực nào đó để trung hoà tiền tệ.
Thời gian vừa qua, lạm phát của Việt Nam hiện chủ yếu chịu tác động từ thị trường quốc tế, tình hình vĩ mô trong nước vẫn được giữ ổn định. Lạm phát trong nước tăng rất thấp. Đây là dư địa rất lớn cho việc cung tiền, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi dòng tiền trong nền kinh tế đang thiếu nghiêm trọng cho lưu thông.
“Chúng ta thực sự không có khủng hoảng”
Với nguồn cung tiền hiện đang thắt chặt, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp? Doanh nghiệp nên thích ứng như thế nào với bối cảnh tín dụng thắt chặt, lãi suất tăng cao, trái phiếu tiếp tục ách tắc…?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Hiện đang có những rủi ro lớn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là vấn đề về trái phiếu đáo hạn, nợ xấu tăng cao. Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần tránh nguy cơ vỡ nợ trái phiếu bằng các giải pháp như đàm phán với các nhà đầu tư, tìm kiếm các nguồn tiền huy động từ khách hàng.
Các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục kế hoạch kinh doanh theo hướng bền vững, hạn chế đầu tư dàn trải, thay vào đó, cần hướng tới những sản phẩm có thanh khoản để mang lại dòng tiền.
Còn về phía các cơ quan quản lý nhà nước, Chính phủ cũng cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn để hỗ trợ nền kinh tế, tiếp đà tăng trưởng. Trong đó, như đã phân tích ở trên, vấn đề tăng cung tiền cho nền kinh tế là hết sức cấp bách.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Đất đai được dự báo là sẽ có tác động tích cực cho thị trường bất động sản nhưng việc tiến độ hiện khá chậm, cần được đẩy nhanh hơn nữa. Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp có thể cần lùi lại thời gian có hiệu lực để hoàn thiện các quy định về xếp hạng tín nhiệm cũng như giúp các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thực thi.
Ngoài ra Bộ Tài chính và NHNN cần bàn bạc để xử lý gần 1 triệu tỷ VND tiền ngân sách đang nằm tại hệ thống ngân hàng - nguyên nhân không nhỏ làm kinh tế bị “khô máu” thông qua các giải pháp như: Tạm ứng tiền cho các nhà thầu đang thực hiện các dự án đầu tư công có khả năng đưa tiền vào lưu thông nhanh; cho phép 04 ngân hàng quốc doanh đang nắm giữ tiền đầu tư công của ngân sách có thể sử dụng nguồn này cho vay vốn lưu động và dùng một phần tiền ngân sách đang đóng băng tại hệ thống ngân hàng để thành lập Quỹ bảo lãnh trái phiếu doanh nghiệp (như Hàn Quốc và Trung Quốc đang làm) nhằm xử lý vấn đề trong những năm sau.
Ông có dự báo gì đối với thị trường tài chính, tiền tệ trong năm tới. Liệu có thể chờ đợi những tín hiệu tích cực trong năm 2023?
TS. Lê Xuân Nghĩa: Mặc dù bối cảnh hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng những tín hiệu tích cực trên thị trường tài chính tiền tệ là điều có thể nhận thấy rõ.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, áp lực tăng tỷ giá sẽ giảm. Với bối cảnh hiện nay, tỷ giá chỉ có thể tăng đến 8,5% là cùng, không thể tăng thêm được nữa. Nguyên nhân là do Chỉ số Dollar Index hiện đã tạo đỉnh và đang trên đường đi xuống. Việc các đồng tiền khác đang tăng giá cũng khiến đồng USD khó tăng thêm.
Bên cạnh đó, tỷ giá tăng gây bất lợi cho nhập khẩu nhưng xuất khẩu lại được hưởng lợi, thặng dư thương mại tốt hơn giúp tạo áp lực giảm tỷ giá.
Thứ hai, về vấn đề lạm phát, lạm phát trong nước của Việt Nam không có nhiều vấn đề đáng ngại mà chủ yếu chịu ảnh hưởng từ thế giới. Trong khi đó, lạm phát của thế giới cũng đang có xu hướng giảm. Đồng USD khó có thể tăng thêm.
Mặc dù còn một số lo ngại như căng thẳng địa chính trị khiến giá nguyên, nhiên liệu tăng cao, đặc biệt là vào mùa đông này có thể khiến nguồn nguyên liệu khan hiếm, gây tác động lên giá nhiên liệu thế giới gây gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, nhiều quốc gia trên thế giới đã có thời gian dài chuẩn bị cho cuộc khủng hoảng nhiên liệu này rồi. Do đó, nó cũng không có tác động quá tiêu cực.
Đối với tình hình trong nước, FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt, thặng dư thương mại do xuất khẩu tăng cao, hơn 10 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm, kiều hối những tháng cuối năm sẽ về nhiều hơn... là những tín hiệu tích cực cho tăng trưởng.
Lạm phát năm 2022 có lẽ cao nhất chỉ đạt 4%, tăng trưởng GDP ở mức khá cao khoảng 8%, nhưng năm nay giá trị so sánh không lớn lắm vì năm ngoái tăng trưởng ở mức rất thấp. Dự báo trong năm tới, tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, cao nhất chỉ khoảng 6%. Lạm phát đạt khoảng 4 – 4,5% do cung tiền đang rất thấp.
Và điều quan trọng nhất là chúng ta hiện không có khủng hoảng. Sức khỏe của hệ thống ngân hàng hiện đang rất tốt. Không có khủng hoảng ngân hàng, sẽ không có khủng hoảng kinh tế. Lạm phát, tỷ giá không phải vấn đề đáng ngại.
Với những diễn biến như trên, lãi suất của Việt Nam khó có thể tăng thêm nữa. Hiện mức tăng lãi suất đã khá cao và “đủ liều”, nếu tiếp tục tăng thêm, sẽ cắt đứt toàn bộ đà phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Thời gian vừa qua, các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ rất nhất quán, đồng bộ, vững vàng, trừ vấn đề về tăng trưởng cung tiền. Nếu nút thắt này sớm được tháo gỡ, đáp ứng được tăng trưởng kinh tế danh nghĩa theo giá hiện hành thì Việt Nam thực sự không có vấn đề gì lớn trong nỗ lực phục hồi kinh tế.
Xin cảm ơn ông!
Lạm phát kỳ vọng năm 2023 vẫn ở mức cao
6 thách thức với tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đối mặt với nhiều thách thức nội tại.
5 điểm tựa của tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023
Đà phục hồi kinh tế của năm 2022, đầu tư công, các chính sách tháo gỡ khó khăn từ Chính phủ... sẽ là những yếu tố chính tạo nền tảng, nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế 2023.
Dấu ấn kinh tế tuần hoàn năm 2022
Năm 2022 là một năm mang tính bước ngoặt và bản lề trong tiến trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.
Những điểm sáng trong kinh tế Hà Nội năm 2022
Kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19 khi ghi nhận tăng trưởng GRDP năm nay ở mức cao nhất trong 10 năm qua, thu hút gần 1,7 tỷ USD vốn FDI, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 23%...
Sức mạnh thương hiệu: Chìa khóa mở cửa tương lai phát triển bền vững
Phát triển bền vững giúp thương hiệu vươn xa với việc định hình hành vi tiêu dùng và thúc đẩy giá trị tích cực, tạo động lực cho tăng trưởng toàn diện và lâu dài.
Triển lãm lạnh và điều hòa không khí thu hút hơn 100 thương hiệu
Triển lãm quốc tế về lạnh và điều hòa không khí, phòng sạch và phụ trợ nhà máy công nghệ cao 2024 diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn từ ngày 21 – 23/11.
Vietnam Airlines tính thuê thêm máy bay mùa cao điểm Tết Nguyên đán
Vietnam Airlines Group, bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco, lên phương án thuê thêm bốn máy bay để đáp ứng nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025.
Kinh doanh "đình trệ", Pomina gấp đôi lỗ lũy kế
Pomina hiện có tổng nợ vay tài chính là gần 6.219 tỷ đồng, chiếm 70% tổng tài sản và gấp hơn 12 lần vốn chủ sở hữu.
Doanh nghiệp Quảng Ninh hưởng ứng kích cầu du lịch
Với hàng loạt giải pháp kích cầu đồng bộ và chất lượng, du lịch Quảng Ninh hứa hẹn sẽ bứt tốc mạnh mẽ và hiện thực hóa mục tiêu đón 19 triệu lượt khách năm 2024.
Phát triển bền vững là chiến lược kinh doanh hay lựa chọn đạo đức?
Làm thế nào để doanh nghiệp hoạt động không chỉ vì lợi nhuận, mà còn vì giá trị phát triển bền vững cho xã hội và môi trường?
Là đối tác chiến lược toàn diện: Thương mại Việt Nam - Malaysia có cất cánh?
Quan hệ hai nước được nâng lên Đối tác chiến lược toàn diện, kỳ vọng thúc đẩy thương mại Việt Nam - Malaysia cất cánh, hướng tới 18 tỷ USD trong tương lai gần.