Kỳ vọng cú lội ngược dòng trong ngành bán lẻ

Việt Hưng - 08:12, 08/04/2024

TheLEADERTrong khi PNJ và Digiworld đặt ra những mục tiêu lợi nhuận và doanh thu kỷ lục trong năm 2024, thì phía FPT Retail và Thế Giới Di Động đều rẽ hướng sang các mảng kinh doanh mới, với những cơ hội rõ ràng như: bán lẻ dược phẩm, hay bán lẻ siêu thị.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tính đến hết quý 1/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong nước ước đạt hơn 1.537 nghìn tỉ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Lợi nhuận các doanh nghiệp bán lẻ theo đó, đã bắt đầu phục hồi từ nửa cuối năm 2023, nên có thể kỳ vọng đà phục hồi tiếp tục duy trì trong quý 1/2024 khi nền kinh tế đang có các dấu hiệu khởi sắc. 

Báo cáo phân tích của Chứng khoán KB Việt Nam kỳ vọng ngành bán lẻ sẽ có những tín hiệu hồi phục rõ ràng hơn, khi những tín hiệu vĩ mô đã có dấu hiệu phục hồi tác động tích cực đến sức mua của nền kinh tế.

Bước sang năm 2024, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận lớn trong bối cảnh thị trường có nhiều chuyển biến tích cực.

Hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ trang sức, lần đầu tiên ban lãnh đạo PNJ đặt ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế vượt mức 2.000 tỷ đồng, bất chấp kinh tế Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức.

Để hoàn thành mục tiêu này, PNJ sẽ tối ưu hóa doanh thu tại các cửa hàng, tối ưu chi phí vận hành, đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số, làm mới trải nghiệm và thử nghiệm các mô hình tiếp cận khách hàng hiện đại, thúc đẩy các tiêu chí ESG...

Kế hoạch của PNJ được Chứng khoán MB (MBS) ủng hộ, khi thị trường tiêu dùng nói chung và thị trường bán lẻ trang sức dự kiến phục hồi vào nửa cuối năm nay.

Kết hợp với mức phục hồi thị trường bán lẻ trang sức khoảng 5% trong năm 2024, MBS kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của PNJ tăng trưởng lần lượt ở mức 17% và 19% so với năm 2023, có nghĩa là cao hơn cả kế hoạch mà phía PNJ.

Kỳ vọng cú lội ngược dòng trong ngành bán lẻ
PNJ đặt ra mục tiêu lợi nhuận sau thuế vượt mức 2.000 tỷ đồng - Ảnh: PNJ

Trong mảng bán lẻ và phân phối ngành hàng công nghệ, Digiworld cũng đặt mục tiêu trở thành công ty tỷ USD với doanh thu dự kiến đạt 23.000 tỷ đồng, tăng 22% so với kết quả thực hiện được năm 2023.

Ban lãnh đạo Digiworld xác định, năm 2024 là thời điểm thay mới các thiết bị điện thoại, laptop của người dân sau giai đoạn đỉnh điểm mua vào năm 2021.

Ông Đoàn Hồng Việt - Chủ tịch Digiworld đánh giá, 2024 tiếp tục là năm khó khăn, ít nhất là trong 6 tháng đầu năm và nửa cuối năm kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn.

Liên quan tới việc mở rộng sang ngành hàng mới, đại diện Digiworld cho biết công ty đã nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi cầm đồ Vietmoney (hiện có 16 chi nhánh trên toàn quốc) lên hơn 72% trong quý 4/2023.

Theo Chủ tịch Digiworld, mục đích nâng sở hữu tại Vietmoney là do công ty có thể kinh doanh các sản phẩm đã qua sử dụng, chủ yếu là điện thoại, laptop.

Hiện nay theo đánh giá của Digiworld thị trường điện thoại và laptop đã qua sử dụng là khá lớn, và chưa có doanh nghiệp lớn nào tham gia vào thị trường này.

Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của các sản phẩm này theo lãnh đạo Digiworld cũng cao hơn máy mới. Do đó, Vietmoney sẽ vừa có thể mở rộng hoạt động để vừa làm dịch vụ tài chính vừa kinh doanh các sản phẩm máy cũ.

Kỳ vọng cú lội ngược dòng trong ngành bán lẻ 1
FPT Retail hướng tới dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam - Ảnh: Long Châu

Cùng ngành hàng bán lẻ các sản phẩm công nghệ như Digiworld, cả FPT Retail và Thế Giới Di Động cũng đều tìm thấy các cơ hội mới.

Năm nay, FPT Retail dồn lực cho nhà thuốc và trung tâm vaccine, khi quyết tâm mở mới thêm 400 nhà thuốc Long Châu và đạt quy mô 1.900 nhà thuốc vào cuối năm, hướng tới dẫn đầu thị trường bán lẻ dược phẩm Việt Nam.

Công ty tin rằng thị trường bán lẻ dược phẩm còn nhiều tiềm năng. Minh chứng là trong năm 2023, chuỗi Long Châu đã liên tục mở rộng quy mô số lượng cửa hàng, lẫn tệp khách hàng giữa bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), doanh thu FPT Retail thậm chí có thể lên tới 1,74 tỷ USD năm 2024 nhờ chuỗi Long Châu, tức là cao hơn khoảng 16% so với mục tiêu công ty đề ra.

Phía VDSC cho rằng, trong bối cảnh FPT Shop tăng trưởng chậm lại, mảng nhà thuốc sẽ đóng vai trò thúc đẩy hiệu quả hoạt động của công ty trong năm năm nay.

Hiện phía FPT Retail đã lên kế hoạch lãi trước thuế 125 tỷ đồng trong năm nay, so với khoản lỗ hơn 294 tỷ đồng năm 2023. Công ty đánh giá, thị trường bán lẻ nói chung trong năm 2024 còn rủi ro và nhiều yếu tố bất định, nên cần thêm thời gian để phục hồi.

Kỳ vọng cú lội ngược dòng trong ngành bán lẻ 2
Thương vụ chào bán cổ phần tại Bách Hóa Xanh sẽ sớm hoàn thành trong nửa đầu năm 2024 - Ảnh: Bách Hóa Xanh

Tương tự, phía Thế Giới Di Động đã đề ra mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ đồng trong năm 2024, lần lượt tăng 5% và gấp 14 lần so với cùng kỳ năm trước.

Động lực tăng trưởng của công ty sẽ đến từ chuỗi Bách Hóa Xanh, dự kiến đóng góp khoảng 30% doanh thu Thế Giới Di Động, tăng trưởng doanh thu hai chữ số, gia tăng thị phần và bắt đầu mang lại lợi nhuận từ 2024.

Nửa đầu năm 2024, Thế Giới Di Động kì vọng sẽ hoàn tất thương vụ chào bán tối đa từ 5-10% cổ phần chuỗi Bách Hóa Xanh, nhưng chưa tiết lộ danh tính nhà đầu tư.

Theo một số nguồn tin, một nhà đầu tư Trung Quốc là CDH Investments đang đàm phán để mua cổ phần tại Bách Hóa Xanh. Hệ thống siêu thị của Thế Giới Di Động được CDH Investments định giá khoảng 1,7 tỷ USD.

Trước Bách Hóa Xanh, CDH Investments cũng từng sở hữu cổ phần của Thế Giới Di Động. Công ty Trung Quốc này đã nổi lên như ứng cử viên hàng đầu để mua lại cổ phần Bách Hoá Xanh sau khi vượt qua các đối thủ cạnh tranh.

Lũy kế cả năm ngoái, Bách Hóa Xanh mang về cho Thế Giới Di Động hơn 31.600 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022. Riêng quý 4/2023, doanh thu tăng 31% so với cùng kỳ.

Tính đến tháng 12/2023, với doanh thu bình quân là 1,8 tỷ đồng/cửa hàng, Bách Hóa Xanh đã đạt mục tiêu hòa vốn sau mọi chi phí tương ứng với thực tế vận hành hiện tại, và trên cơ sở hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Điều này phù hợp với đánh giá của nhóm phân tích SSI Research và Chứng khoán Rồng Việt trước đây, khi ước tính Bách Hóa Xanh có thể đạt mục tiêu hòa vốn với doanh thu bình quân là 1,7 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.