Lạm phát có thể vượt trần

Phạm Sơn - 09:08, 13/05/2022

TheLEADERTS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dự báo lạm phát năm 2022 sẽ rơi vào khoảng 4 – 4,5%; lạm phát năm 2023 rơi vào khoảng 5 – 5,5%.

Lạm phát có thể vượt trần
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

4 tháng đầu năm, CPI tăng ở mức 2,1% so với cùng kỳ. Đây là thành công đáng ghi nhận của công tác kiểm soát lạm phát, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang xảy ra nhiều biến động bất ổn.

Tuy nhiên, những yếu tố bất ổn vẫn còn tiếp diễn khó lường. Giá nhiều loại đầu vào thiết yếu như phân bón, thức ăn chăn nuôi, xăng dầu… vẫn tăng mạnh; cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, những yếu tố này sẽ gây ra áp lực lớn cho điều hành chính sách năm 2022 và cả năm 2023.

Mục tiêu duy trì mức lạm phát dưới 4% để đảm bảo ổn định vĩ mô cũng gặp phải thách thức không nhỏ. Ông Lâm chỉ ra 3 yếu tố chính tác động tới tỷ lệ lạm phát trong thời gian tới.

Yếu tố đầu tiên, cũng là yếu tố tác động sâu sắc nhất là những bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vốn đã bị tổn thương nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy bởi cuộc xung đột tại Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt các quốc gia áp đặt lên Nga.

Trong bối cảnh đó, nước láng giềng và là đối tác thương mại chính của Việt Nam là Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “zero Covid-19”, khiến nguồn cung ứng càng thêm khan hiếm.

Thứ hai, giá cả nguyên, nhiên liệu tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu. Theo ông Lâm, với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam có đặc điểm là giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng hơn 2%. Rủi ro nhập khẩu lạm phát ngày càng hiện hữu khi các đối tác quan trọng như Mỹ, Hàn Quốc, EU… đều được dự báo lạm phát mạnh.

Thứ ba, nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi với việc triển khai gói tài khóa trị giá 350 nghìn tỷ đồng khiến tổng cầu tăng đột biến. 

Từ những yếu tố nói trên, ông Lâm dự báo, năm 2022, lạm phát rơi vào khoảng 4 – 4,5%. Độ trễ của chi phí đẩy cũng như các gói cứu trợ khiến áp lực nặng nề hơn vào năm 2023, với mức lạm phát có thể lên đến 5 – 5,5%.

Nguyên lãnh đạo Tổng cục Thống kê nhận định, tỷ lệ lạm phát trung bình 2021 – 2025 vẫn giữ được ở mức 4%, cũng là mức trần Quốc hội đề ra cho mục tiêu điều hành vĩ mô. Tuy nhiên, đạt được mục tiêu này cần sự nỗ lực rất lớn. Ông Lâm đề ra 8 nhóm giải pháp.

Đầu tiên, Chính phủ kịp thời tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng và lành mạnh, doanh nghiệp hoạt động ổn định. Đây là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tổng cung, tránh mất cân đối cung cầu dẫn đến lạm phát.

Thứ hai, đa dạng hóa nguồn cung, tránh sự phụ thuộc vào một thị trường hoặc một khu vực bởi sẽ rất rủi ro nếu thị trường, khu vực đó rơi vào biến động.

Thứ ba, minh bạch và đơn giản hóa quy trình thương mại, thúc đẩy logistics để ổn định năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trên trường quốc tế. Một mặt ưu đãi, khuyến khích đầu tư sản xuất hàng hóa thiếu hụt, mặt khác tăng cường thanh kiểm tra ngăn chặn đầu cơ, tích trữ, thao túng giá cả.

Thứ tư, triển khai hài hòa chính sách tài khóa và tiền tệ, trong đó chính sách tiền tệ cần “đúng liều lượng”, không lạm dụng dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

Thứ năm, doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, tránh để bất ổn chuỗi cung ứng làm gián đoạn hoạt động. Cần có giải pháp dự phòng như tìm kiếm nguồn cung, đối tác cung ứng thay thế.

Thứ sáu, đề nghị Bộ Công thương nắm bắt kịp thời tình hình giá xăng dầu thế giới, cùng với rà soát và tính toán lại cơ cấu giá xăng dầu, đảm bảo chính xác, hài hòa lợi ích giữa người bán và người mua.

Thứ bảy, Ban chỉ đạo điều hành giá Chính phủ cần theo dõi chặt chẽ diến biến giá cả, lạm phát thế giới để kịp thời cảnh báo nguy cơ lạm phát trong nước, từ đó chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan linh hoạt điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý.

Cuối cùng, truyền thông, báo chí cần thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng về chính sách của Nhà nước, loại bỏ những thông tin sai lệch, tránh hiện tượng lạm phát do tâm lý.