Lạm phát đã hạ nhiệt?

Vũ Tuấn - 09:11, 20/07/2017

TheLEADERLạm phát tháng 6/2017 tiếp tục hạ nhiệt so cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ năm liên tiếp giảm.

Lạm phát đã hạ nhiệt?
Lạm phát hạ nhiệt đem lại kỳ vọng cho sự phát triển kinh tế nửa cuối năm 2017. Ảnh minh họa.

HSBC cho biết, lạm phát tháng 6/2017 tiếp tục hạ nhiệt so cùng kỳ năm ngoái và là tháng thứ năm liên tiếp giảm. Chỉ số này cũng đã giảm 0,2% so với tháng trước. 

Lạm phát cơ bản duy trì ở mức 1,3% trong tháng 6 so cùng kỳ năm ngoái, bằng chỉ số của tháng 5. Tuy nhiên, nhìn chung, lạm phát toàn phần trung bình trong nửa đầu năm 2017 vẫn đạt 4,1% so với mức tăng 3,6% của nửa cuối năm 2016. Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu lạm phát dưới 4% trong năm 2017.

HSBC đã điều chỉnh giảm dự báo chỉ số lạm phát năm 2017 và 2018 của Việt Nam lần lượt xuống còn 2,6% và 2,8% so cùng kỳ năm (từ mức 4,4% và 4%), trong bối cảnh quỹ đạo lạm phát chậm lại suốt đầu năm. 

Tuy nhiên, cũng theo HSBC vẫn có những rủi ro đang tăng lên trong nửa cuối năm 2017 khi chi phí y tế tiếp tục gia tăng trong lúc các chính sách cải tổ trợ giá đang tiếp tục. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính dự báo áp lực về giá tăng lên trong dài hạn, do điều chỉnh tăng lương cơ bản và điều kiện thời tiết không thuật lợi trong nửa cuối năm 2017.

Giá cả của ba trong 11 hạng mục hàng hóa trong rổ giá sụt giảm trong tháng 6, trong khi có bảy hạng mục khác tăng nhẹ trong tháng 5. Giá viễn thông chỉ giảm nhẹ, trong khi giá thực phẩm giảm 0,6% so với tháng trước. 

Giá vận tải cũng giảm 0,7% do giá dầu thấp hơn. Nhìn tổng thể, giá thực phẩm giảm 5,5% so cùng kỳ năm ngoái, kéo theo sự sụt giảm lạm phát toàn phần.

Tuy nhiên, các chi phí y tế và chăm sóc cá nhân tăng đáng kể từ năm 2016 và vẫn tiếp tục tăng đều, khi chính phủ xóa bỏ trợ giá y tế cho những người không tham gia chương trình bảo hiểm y tế quốc gia. 

Các đợt điều chỉnh tăng chi phí y tế vẫn đang bị trì hoãn và có thể việc áp thuế sẽ được triển khai theo lộ trình vào tháng 8, tháng 10 và tháng 12 năm nay.

PMI phục hồi nhẹ

Báo cáo của HSBC cho biết, chỉ số PMI tháng 6/2017 thể hiện sự hồi phục của một vài chỉ số chủ chốt đã gây lo ngại trong báo cáo kinh tế tháng 5 vừa qua như số lượng các đơn hàng mới (bao gồm xuất khẩu), sản lượng, việc làm.

Cụ thể, các đơn hàng mới gia tăng liên tiếp trong 19 tháng. Sự gia tăng đơn hàng mới ở cả khu vực nội địa và xuất khẩu đã giúp cho sản lượng và nhân công tiếp tục gia tăng với tốc độ nhanh hơn tháng trước. Ngoài ra, việc sản lượng tồn kho tăng chậm hơn là một dấu hiệu tích cực cho sản xuất trong tương lai, ngay cả khi chu kỳ xuất khẩu đang hạ nhiệt.

Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng tốt trong tháng 6/2017 với mức tăng 20,9% so cùng kỳ năm, nhờ vào xuất khẩu mặt hàng điện thoại và phụ kiện và linh kiện điện tử khác. Trong khi đó, xuất khẩu nông sản như gạo và dầu, hai hạng mục thường tăng trưởng âm đã trở lại tích cực trong quý II, càng thúc đẩy tăng trưởng GDP.

Tuy nhiên, đáng chú ý là khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng xuất khẩu, trong khi xuất khẩu từ khối trong nước gần đây đã tăng trưởng chậm hơn trên nền tảng mức trung bình ba tháng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng như trước đây, tăng trưởng trong khối đầu tư nước ngoài luôn luôn cao hơn tăng trưởng của khối trong nước. Mặc dù đây không phải là một hiện tượng mới, các khuynh hướng này cho thấy tiềm năng của đất nước trong quá trình chuyển dịch theo hướng tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, để thúc đẩy sản xuất nội địa và cải thiện vị thế thương mại.