Làm phim hoạt hình chỉ đẹp thôi chưa đủ

Việt Hưng - 14:04, 23/02/2023

TheLEADERLời khuyên cho những người mới bước chân vào ngành phim hoạt hình chính là đọc thật nhiều sách, phim, nhưng "đừng xem một lúc hết 100 bộ phim mà hãy xem 1 bộ phim 100 lần".

Sconnect Việt Nam, Liên minh Sáng tạo Nội dung số (DCCA) phối hợp cùng Đại học Youngsan, Vandal Studio (Hàn Quốc) tổ chức buổi Workshop online với chủ đề: "Yếu tố quan trọng nhất của hoạt hình - tư duy và hình thức".

Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hoạt hình, là nhà sáng lập nên Vandal Studio và dẫn dắt công ty giành được nhiều giải thưởng ấn tượng, Giáo sư Andy Ryu cho biết, chính vì niềm yêu thích với phim hoạt hình nên ông đã chọn theo đuổi ngành phim hoạt hình, tuy nhiên chỉ khi bước vào con đường này mới thấm thía cái vất vả mà có khi phải đánh đổi cả bằng nước mắt.

"Bản thân tôi khi mà tôi bắt đầu làm cái ngành hoạt hình này là vì tôi quá thích hoạt hình, tuy nhiên khi bắt tay vào làm nó thì tôi cũng thấy rằng là mình còn thiếu sót quá nhiều thế nên ngày nào tôi không cũng khóc, có những lúc tôi nghĩ rằng người như mình có lẽ là không làm được phim hoạt hình", Giáo sư Andy Ryu chia sẻ.

Hai nội dung chính được vị chuyên gia tập trung đề cập chính là "index vector" nhằm tạo nên tính logic, góp phần tăng độ hiệu quả trong diễn hoạt và "pre-production" giúp nội dung đảm bảo tính thống nhất trong tất cả các khâu sản xuất sau đó.

Làm phim hoạt hình chỉ đẹp thôi chưa đủ
Giáo sư Andy Ryu - nhà sáng lập Vandal Studio

Giáo sư Andy Ryu nhấn mạnh vào việc một người làm hoạt hình giỏi không chỉ cần vẽ đẹp mà còn phải trang bị kiến thức toàn diện và năng lực sáng tác. Nói một cách ngắn gọn hoạt hình vừa là nghệ thuật vừa là khoa học.

Những nền tảng chính được phim hoạt hình hướng đến thường theo thứ tự ưu tiên gồm Truyền hình truyền thống, truyền hình cáp, các kênh dành cho trẻ nhỏ và nền tảng cung cấp video như YouTube. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của TikTok thì ngành hoạt hình cũng đang có những bước thay đổi để thích ứng hiệu quả trên nền tảng này.

Cuối cùng, lời khuyên mà Giáo sư Andy Ryu gửi đến những ai mới bước chân vào ngành phim hoạt hình chính là đọc thật nhiều sách, phim thật nhiều phim nhưng "đừng xem một lúc hết 100 bộ phim mà hãy xem 1 bộ phim 100 lần".

Thông qua Workshop, Sconnect và DCCA hy vọng mang đến cơ hội để những nhà làm phim hoạt hình Việt Nam tiếp cận với công nghệ sản xuất phim tiên tiến của Xứ sở Kim chi đồng thời học hỏi kinh nghiệm xây dựng nhân vật hoạt hình sống động, riêng biệt và để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả.

Làm phim hoạt hình chỉ đẹp thôi chưa đủ 1
Bà Phạm Thị Quyên, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký DCCA

Bà Phạm Thị Quyên, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký DCCA cho biết, buổi Workshop có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ bồi dưỡng thêm kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ nhân sự người Việt Nam mà còn đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ hợp tác lâu dài với giữa GS Andy Ryu, trường Đại học Youngsan, Vandal Studio (của Hàn Quốc) với DCCA và Sconnect (của Việt Nam).

Trước đó, Sconnect Việt Nam và Vandal Studio (Hàn Quốc) cũng đã tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, mở ra cơ hội hợp tác và học hỏi chuyên sâu về ngành sản xuất phim hoạt hình, cũng như góp phần thúc đẩy hình ảnh kinh doanh của Sconnect trên thị trường quốc tế.

Trong tương lai, Sconnect và DCCA tiếp tục tìm kiếm, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước để thực hiện những buổi chia sẻ mang lại nhiều giá trị phát triển cho cộng đồng và thúc đẩy quá trình phủ sóng sản phẩm sáng tạo mang hàm lượng tri thức cao của Việt Nam đến bạn bè quốc tế.