Làm thế nào để sản phẩm bền vững được đón nhận trên thị trường

Phạm Sơn - 08:04, 28/02/2021

TheLEADERSản phẩm bền vững cần được cải thiện về hiệu quả cũng như giá cả để có thể nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng.

Những giá trị của sự bền vững đang ngày càng trở nên quan trọng, khi những vấn nạn an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu hay đại dịch Covid-19 đang gây ra những hậu quả thảm khốc, đẩy thế giới vào tình trạng bị đe dọa.

Theo khảo sát được tiến hành bởi GlobeScan, thái độ của người tiêu dùng trên toàn thế giới đối với các sản phẩm, dịch vụ bền vững đang có sự chuyển biến tích cực khi 57% người tiêu dùng cho biết sẽ sẵn sàng trả giá cao hơn để sử dụng những sản phẩm, dịch vụ này.

Trong đó, ngoài yếu tố đảm bảo sức khỏe, mối quan tâm hàng đầu vẫn là những tác động của sản phẩm, dịch vụ tới môi trường. Các chuyên gia của GlobeScan nhận định, kể từ sau sự bùng phát của Covid-19, mọi người có xu hướng cảm thấy lo lắng hơn về sự cạn kiệt của tài nguyên thiên nhiên và biến đổi khí hậu, do đó mong muốn giảm đi những ảnh hưởng lên môi trường xuất phát từ cá nhân.

Làm thế nào để sản phẩm bền vững được đón nhận trên thị trường
Những mối quan tâm của người tiêu dùng toàn cầu. Ảnh: GlobeScan.

Trả lời khảo sát của GlobeScan, nhóm người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam cho biết: “Trái Đất đang ngày càng nóng lên, khí hậu đang trở nên thất thường và chúng tôi là những người phải gánh chịu hậu quả”.

Tuy nhiên, GS. Katherine White, chuyên gia tiếp thị và khoa học hành vi tại Đại học Bristish Columbia cho biết, trong thực tế, khía cạnh bền vững không phải là yếu tố quan trọng tác động tới quyết định mua hàng, bởi tồn tại một khoảng cách rõ ràng về suy nghĩ và hành động của người tiêu dùng trong việc tiêu dùng bền vững.

Bền vững chỉ là điểm cộng

Với định hướng về một dòng sản phẩm bền vững, thân thiện với môi trường, ông Todd Cline, Giám đốc nghiên cứu và phát triển sản phẩm P&G đã tiến hành kế hoạch cải tiến sản phẩm bột giặt Tide.

Kế hoạch này không phải sử dụng nguyên vật liệu thay thế hay thay đổi dây chuyền sản xuất, mà đơn giản chỉ là nghiên cứu ra phương pháp giúp bột giặt Tide có thể giặt sạch quần áo bằng nước lạnh.

Sự thay đổi này đã nhận được sự đón nhận lạc quan từ phía người tiêu dùng, cũng như làm giảm tới 2/3 “dấu chân các bon” của bột giặt Tide, chủ yếu đến từ nguồn năng lượng để làm nóng nước trong máy giặt.

Làm thế nào để sản phẩm bền vững được đón nhận trên thị trường 1
P&G thành công biến Tide trở thành một sản phẩm bền vững tại thị trường Bắc Mỹ.

Lý giải về thành công của P&G trên nhãn hiệu Tide, ông Chris Coulter, Giám đốc điều hành GlobeScan nhận định, yếu tố bền vững trong các sản phẩm, dịch vụ được cung ứng chỉ đóng vai trò là “điểm cộng” tác động đến quyết định chi tiêu, còn phần lớn yếu tố ảnh hướng trực tiếp vẫn nằm ở giá cả và chất lượng.

Câu chuyện của nhà lãnh đạo mua sắm bền vững của trang thương mại điện tử Amazon Adam Werbach là minh chứng rõ nét nhất cho điều này. Ông Werbach là người đã phát triển nhãn dán “cam kết thân thiện với khí hậu” thông qua những chứng nhận bên ngoài để hướng người tiêu dùng tới những sản phẩm bền vững nhất.

Xem xét hành vi tiêu dùng tại trang Amazon, ông Werbach nhận thấy khách hàng vẫn luôn đặt ưu tiên tìm kiếm những sản phẩm nổi bật về giá cả và hiệu quả.

“Tuy nhiên, nhãn dán sinh thái lại là yếu tố giúp quyết định mua hàng được đưa ra nhanh chóng hơn”, lãnh đạo Amazon cho biết.

Chọn lọc thông tin

Thêm một bí quyết được ông Werbach rút ra từ hành vi mua hàng trên trang Amazon là đôi khi việc lược bớt thông tin cung cấp có thể tạo ra hiệu ứng tốt hơn cho những dòng sản phẩm bền vững.

Theo đó, người tiêu dùng bình thường sẽ không có thời gian cũng như hứng thú để biết tất cả các chi tiết về thành phần, quy trình sản xuất và đóng gói, mà chỉ quan tâm tới điều đơn giản là liệu sản phẩm đó có tác động tiêu cực tới sức khỏe, môi trường hay không.

Ông Doug Gatlin, Giám đốc điều hành cơ quan chứng nhận sinh thái Green Seal xác nhận ý kiến này và cho biết đang nỗ lực để đơn giản hóa cách thức truyền đạt thông tin của các loại nhãn dán sinh thái.

Theo ông Gatlin, Green Seal đang phát triển một “la bàn” xác định mức độ ảnh hưởng tới môi trường của sản phẩm dựa trên 4 yếu tố bao gồm nguồn nước, chất thải, sức khỏe và khí hậu.

“Khiến những thông tin về sự bền vững trở nên đơn giản là cách giúp mọi người thấu hiểu, chấp thuận và gắn bó với sản phẩm”, lãnh đạo Green Seal khẳng định.