Lần thứ hai sửa đổi quy định an toàn hoạt động ngân hàng

Minh An - 14:53, 24/08/2017

TheLEADERNgân hàng Nhà nước đang dự thảo sửa đổi Thông tư 36 nhằm phù hợp với tình hình thực tế và góp phần thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế năm 2017.

Lần thứ hai sửa đổi quy định an toàn hoạt động ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước. Ảnh: Vu Ngoc Duc

Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo văn bản sửa đổi Thông tư 36 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Thông tư 36 được ban hành từ cuối năm 2014 và đã được sửa đổi một lần bằng thông tư 06 vào giữa năm 2016.

Trong lần sửa đổi này đảm bảo các quy định phù hợp hơn với tình hình thực tế và khả năng tuân thủ của các ngân hàng. Đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy quả trình tái cơ cấu các ngân hàng.

Giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn

Theo NHNN, dựa trên cơ sở đánh giá số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vĩ mô các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm, NHNN đã giãn lộ trình thực hiện tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn một cách phù hợp.

Điều chỉnh này phù hợp với tình hình thực tế cho vay của các tổ chức tín dụng, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về tăng trưởng kinh tế cũng như việc thực hiện các chương trình, dự án lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.

Theo dự thảo, tỷ lệ này sẽ ở mức 45% vào trong năm 2018 và 40% từ 1/1/2019. So với quy định trước đó các ngân hàng phải giảm tỷ lệ này về mức 40% ngay từ 1/1/2018.

Như vậy, các khoản vay trung và dài hạn, đặc biệt là vay bất động sản, sẽ được giảm áp lực thu hẹp như kế hoạch ban đầu của các ngân hàng nhằm đáp ứng theo quy định cũ.

Kiểm soát cho vay ‘sân sau’

Dự thảo lần này bổ sung một khoản đáng chú ý về quy định cho vay liên quan đến cổ đông/ ban điều hành của các ngân hàng nhằm hạn chế tình trạng cho vay lòng vòng hoặc cho vay các công ty ‘sân sau’.

Theo đó, các khoản cấp tín dụng được bảo đảm bằng tài sản của người có liên quan của những đối tượng quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng (như chủ tịch/thành viên HĐQT, thành viên BKS, thành viên Ban điều hành...) phải được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua và báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng) về các khoản cấp tín dụng này.

NHNN cho biết, thực tế một số ngân hàng trong nước cấp tín dụng trên cơ sở bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp do các đối tượng trên là chủ sở hữu, cổ đông lớn, người quản lý, nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp đó. Điều này có thể dẫn đến xung đột lợi ích, cho vay lòng vòng hoặc cho vay đối với công ty sân sau của các đối tượng này.

Hạn chế thâu tóm, kiểm soát hoạt động ngân hàng

Dự thảo cũng bổ sung điều khoản nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo, xung đột lợi ích, thâu tóm ngân hàng khác, cạnh tranh không lành mạnh giữa các ngân hàng.

Điều này nhằm mục đích hạn chế việc ngân hàng đang lợi dụng, biến tướng việc bán cổ phần của tổ chức tín dụng khác theo hình thức trả chậm để hợp nhóm lợi ích, thâu tóm, kiểm soát hoạt động thông qua một cá nhân (là người của ngân hàng bán cổ phần trả chậm) gom cổ phần, dồn phiếu có quyền biểu quyết để cử người của mình tham gia vào HĐQT/Ban kiểm soát tại ngân hàng khác.

Theo quy định mới, trường hợp bán cổ phần của tổ chức tín dụng khác theo hình thức trả chậm, ngân hàng thương mại không được chuyển quyền đề cử, quyền ứng cử người tham gia HĐQT tại tổ chức tín dụng mà ngân hàng thương mại đã mua, nắm giữ cổ phiếu đối với số cổ phần đã bán nhưng chưa được thanh toán.