Lo ngại bong bóng tài sản khi nới lỏng tiền tệ

Phương Linh - 15:46, 22/01/2022

TheLEADERLo ngại về rủi ro bong bóng tài sản là có, song theo nhiều chuyên gia, thị trường hiện vẫn đang trong tầm kiểm soát. Sự sụp đổ của thị trường chứng khoán, bất động sản là khó xảy ra.

Lo ngại bong bóng tài sản khi nới lỏng tiền tệ
Khó vỡ bong bóng tài sản

Suốt hai năm vừa qua, chủ đề xuyên suốt trên thị trường tài chính quốc tế là "tiền rẻ" với những gói hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ nhiều nước trên thế giới. Hệ quả của việc bơm tiền ồ ạt này là bong bóng tài sản hiện hữu khi giá tài sản liên tục bị đẩy lên cao và nguy cơ vỡ bong bóng tại nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, với các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ kinh tế phục hồi và đẩy nhanh đầu tư công, những diễn biến trên thị trường tài sản cũng không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới. Dòng tiền bắt đầu hướng nhiều hơn vào các kênh đầu tư tài chính như chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản.

Bên cạnh đó, trong cả năm 2020, 2021, việc lãi suất huy động tiền gửi liên tục giảm cũng đang đẩy dòng tiền tiết kiệm ra khỏi ngân hàng. Dòng tín dụng không đi trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp mà chủ yếu đổ vào các kênh đầu tư.

Các thị trường tài sản chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể do trở thành nơi trú ẩn của dòng tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư. Trong đó, chứng khoán trở thành một trong những kênh đầu tư thu hút sự quan tâm nhiều nhất của dòng tiền. Số lượng tài khoản chứng khoán liên tục lập kỷ lục trong năm 2021. Trên thị trường bất động sản, giá nhà đất cũng liên tục sốt nóng, đẩy mặt bằng giá lên một tầm cao mới.

Nhận định về rủi ro bong bóng tài sản hiện nay, chuyên gia kinh tế, TS. Phạm Thế Anh cho rằng, những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở. 

Trên thế giới hai năm vừa qua, chính sách nới lỏng tiền tệ tại nhiều quốc gia đã diễn ra rất mạnh mẽ khiến lạm phát tăng cao. Nhiều nước đã buộc phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và nguy cơ bong bóng tài sản.

Tại Việt Nam, các chính sách đang đi sau thế giới. Phải đến thời gian gần đây, Chính phủ và Quốc hội mới đang bàn đến các gói kích thích kinh tế mạnh mẽ. Tất nhiên, trước đó, Chính phủ cũng đã thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế nhưng ở quy mô vừa phải.

Vấn đề đặt ra là khi các gói kích thích, bơm tiền ra nền kinh tế được thực hiện sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát tăng cao. Theo ông Thế Anh, thời gian vừa qua CPI của Việt Nam đang được duy trì ở mức thấp, song nếu chỉ nhìn vào CPI là chưa đầy đủ, chưa phản ánh được thực trạng giá cả trên thị trường.

Bên cạnh giá cả tiêu dùng còn phải nhìn vào cả giá tài sản. Thực tế cho thấy, nới lỏng tiền tệ đang khiến giá các loại tài sản tăng mạnh. Do dòng vốn, nguồn lực trong nền kinh tế đang tắc nghẽn không đi vào sản xuất kinh doanh và lãi suất hạ thấp càng khiến tâm lý đầu cơ vào thị trường tài sản.

Đặc biệt, trong năm 2022, lãi suất của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm hoặc giữ ở mức ổn định. Với các quyết sách Chính phủ hiện nay, sẽ rất khó để tăng lãi suất trong năm 2022 để phục vụ cho sự phục hồi của nền kinh tế.

Khó vỡ bong bóng tài sản

Mặc dù nền kinh tế đang phải đối diện với nguy cơ lạm phát và bong bóng tài sản tăng cao, song theo ông Phạm Thế Anh, khả năng vỡ bong bóng khó xảy ra. 

Tại Hội thảo "Những xu thế kinh tế chính trị lớn của năm 2022" do Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam VESS tổ chức, ông Thế Anh cho rằng: "Nguyên nhân là do khi thị trường chứng khoán và đặc biệt là bất động sản đã lên cao rồi sẽ rất khó xuống. Có thể, sau những đợt tăng nóng, thị trường sẽ điều chỉnh giảm một chút so với mức đỉnh, nhưng để xảy ra cú sập là rất khó".

Việt Nam đang thiếu vắng các kênh đầu tư, tích trữ tài sản. Vì vậy, giới nhà giàu và những người có tiền đều đổ vốn vào bất động sản. Bất động sản chỉ tập trung ở phần trăm dân số rất ít những người giàu, họ chấp nhận giữ tài sản đó trong vòng 3 - 5 năm, khi chưa có nhu cầu sử dụng nguồn vốn lớn, thì sẽ chưa rút tiền ra khỏi bất động sản.

Mặt khác, với mức tăng dân số, tốc độ đô thị hoá cao, nhu cầu của nhà đầu tư đối với bất động sản hiện nay là rất lớn. Nhu cầu lớn sẽ càng đẩy giá bất động sản tăng cao. 

Tương tự, đối với thị trường chứng khoán, ông Thế Anh cho rằng, sau đợt tăng nóng, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán đang điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên, những doanh nghiệp niêm yết trên sàn không đại diện cho toàn bộ các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Việt Nam có khoảng 700 nghìn doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp niêm yết trên sàn chỉ 1.000 doanh nghiệp.

Hơn nữa, tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam không phải mức quá nóng so với các thị trường khác trên thế giới. Do đó, rủi ro sập thị trường là rất khó xảy ra.

Trong năm 2022, nếu lãi suất ngân hàng tiếp tục được giữ ở mức thấp, các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản sẽ tiếp tục hấp dẫn, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi.

Trừ khi trong năm 2022 lạm phát tăng mạnh, Chính phủ mới nghĩ đến các kịch bản tăng lãi suất, thắt chặt tiền tệ, còn quan điểm chủ đạo hiện nay là sẽ cố gắng giữ lãi suất ở mức thấp nhằm giúp các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất kinh doanh, ông Thế Anh nhận định.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam cũng cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế chưa thực sự phục hồi, bất động sản và chứng khoán vẫn là kênh đầu tư thu hút dòng tiền. 

Theo ông Thành, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022 sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bất trắc, hoàn toàn phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch bệnh và các quy định "đóng - mở" kinh doanh của Chính phủ. 

Năm 2021, nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng dương. Trong năm 2022, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong hoạt động cải cách thể chế, môi trường kinh doanh, nâng cấp chất lượng của nền kinh tế đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân để tiếp tục duy trì tăng trưởng.